MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành thủy sản hướng đến mục tiêu 9 tỷ USD, nỗ lực gỡ thẻ vàng trong năm 2019

19-02-2019 - 20:25 PM | Thị trường

Năm 2019, VASEP đưa ra kế hoạch cụ thể về kim ngạch xuất khẩu cho từng nhóm hàng như tôm đạt được 4,2 tỷ USD; cá tra có thể đạt mức 2,3 tỷ USD và nỗ lực để được EU gỡ thẻ vàng IUU.

Tại Hội nghị Triển khai kế hoạch xuất khẩu thủy sản năm 2019 do Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, kết quả xuất khẩu thủy sản năm 2018 có ý nghĩa rất quan trọng vì cả 2 nhóm ngành khai thác và nuôi trồng đều có một năm đối mặt với những thách thức lớn về cảnh báo thẻ vàng IUU; biến đổi khí hậu và sự khắt khe của thị trường. 

Bộ trưởng cũng cho biết, năm 2019, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đồng hành cùng VASEP, doanh nghiệp, người dân và địa phương để cùng thực hiện mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD và xây dựng ngành thủy sản xứng tầm với một quốc gia có chiến lược biển và 1 triệu ha mặt nước.

Năm 2018 các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã đưa tổng kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 9 tỷ USD, tăng 6% so với 2017 và hoàn thành mục tiêu đề ra. Với kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng vượt bậc đạt 2,26 tỷ USD, tăng 26% so với năm 2017 đã giúp ngành cá tra trở thành ngành có sự tăng trưởng mạnh nhất trong năm so với nhóm các sản phẩm chính.

Ngược với xu hướng tăng trưởng của nhiều mặt hàng chính, xuất khẩu tôm năm 2018 giảm 8% so với năm 2017 với kim ngạch chỉ đạt 3,6 tỷ USD; trong đó xuất khẩu tôm chân trắng chiếm 69%, tôm sú chiếm 31%. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm năm 2019 hy vọng sẽ có sự khởi sắc trở lại do thuế chống bán phá giá tôm tại Hoa Kỳ giai đoạn POR12 thấp hơn POR11 và Hiệp định FTA với EU hy vọng sớm được thông qua cùng với Hiệp định CP-TPP đã chính thức có hiệu lực.

Trong năm 2018, mặc dù mặt hàng hải sản phải chịu thẻ vàng IUU của EU nhưng ngành hải sản cũng đã có một năm hoạt động thành công với giá trị xuất khẩu tăng trưởng ổn định. Mặt hàng cá ngừ trong năm 2018 đạt gần 650 triệu USD tăng 10% so với cùng kỳ. Mực và bạch tuộc là sản phẩm giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định với 670 triệu USD, tăng 7% trong năm 2018. Thị trường tiêu thụ lớn nhất của hải sản vẫn là EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… 

Ông Ngô Văn Ích - Chủ tịch VASEP cho rằng, với những lợi thế mà ngành thủy sản Việt Nam đang có so với các nước khác, cùng với mục tiêu xuất khẩu đạt 43 tỷ USD trong năm 2019 cho cả ngành nông nghiệp, và cơ hội tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới, VASEP và các doanh nghiệp đang hy vọng về mục tiêu xuất khẩu của ngành trong năm 2019 đạt 10 tỷ USD là hoàn toàn có cơ sở và sớm hơn 1 năm so với kế hoạch đề ra, đóng góp thêm 1 tỷ USD vào mục tiêu chung của cả ngành nông nghiệp.

Năm 2019, VASEP đưa ra kế hoạch cho từng nhóm ngành hàng cụ thể về kim ngạch như sau: ngành tôm đạt được 4,2 tỷ USD để góp phần quan trọng nhất vào mục tiêu xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD; xuất khẩu cá tra Việt Nam có thể đạt mức 2,3 tỷ USD và nỗ lực mạnh mẽ để được EU gỡ thẻ vàng IUU sẽ giúp mặt hàng hải sản đạt cột mốc xuất khẩu 3,5 tỷ USD.

Ngọc Anh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên