MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày 26/4 có đến 9 ngân hàng cùng tổ chức đại hội cổ đông

25-04-2019 - 16:09 PM | Tài chính - ngân hàng

Ngày mai 26/4, các ngân hàng dồn dập đại hội cổ đông, và theo thống kê của chúng tôi có đến 9 ngân hàng cùng tổ chức.

Cụ thể, đó là các ngân hàng Vietcombank, BIDV, NCB, VPBank tổ chức ở Hà Nội. Tại Tp Hồ Chí Minh Có Sacombank, Eximbank, Saigonbank, Vietcapital Bank,  còn tại Tp. Đà Lạt có ngân hàng Việt Á - VietABank.

Ngày 27/4, trong buổi sáng làm việc cuối cùng của tháng 4 trước kỳ nghỉ lễ dài ngày của cả nước, có thêm Ngân hàng Quân đội MB và OCB tổ chức đại hội.

Năm 2018 hầu hết các ngân hàng đều đạt kết quả kinh doanh tích cực, trong số các ngân hàng đã công bố tài liệu đại hội và công khai trên website (chủ yếu là các ngân hàng lớn) thì đều cho thấy một triển vọng chung là năm 2019 bội thu hơn nữa.

Chẳng hạn Vietcombank định hướng lợi nhuận năm 2019 đạt 20.500 tỷ đồng, cao nhất trong lịch sử. Tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; Tăng trưởng huy động vốn ở mức 11-13% và sẽ tăng tỷ lệ sử dụng vốn (tín dụng, trái phiếu TCTD) lên mức 85% - 87%. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu kiểm soát dưới 1%. Ngân hàng cũng dự kiến chia cổ tức năm 2019 bằng với năm 2018 với tỷ lệ 8%, bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu.

Tại ĐHĐCĐ lần này, ngân hàng sẽ trình cổ đông việc bầu bổ sung 1 thành viên Hội đồng quản trị 2018 – 2023. Được biết, HĐQT của Vietcombank hiện có 8 thành viên, 1 thành viên là bà Nguyễn Thị Dũng đã miễn nhiệm trong năm 2018.

Hay Sacombank đã đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên 455.500 tỷ đồng, tức tăng tối thiểu 12% so với năm 2018. Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt 423.500 tỷ đồng, tăng trên 14%, trong đó huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 418.600 tỷ đồng, tăng 17%. Tổng dư nợ tín dụng đạt 298.100 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 16%, trong đó cho vay khách hàng đạt 297.600 tỷ đồng, tăng 16%. Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 2.650 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, trên cơ sở hạn mức tăng trưởng tín dụng cho phép của NHNN, HĐQT sẽ điều chỉnh lại kế hoạch tăng trưởng nguồn vốn và sử dụng vốn cho phù hợp thực tế.

Về kế hoạch sử dụng vốn chủ sở hữu và thực hiện các hoạt động đầu tư năm tài chính 2019, Sacombank sẽ dùng 799 tỷ đồng để đầu tư tài sản cố định, số vốn 15.990 tỷ đồng được đưa vào kinh doanh sinh lời. Ngân hàng cũng có kế hoạch bổ sung vốn cho ngân hàng con tại Campuchia 861 tỷ đồng.

BIDV trong khi đó đặt mục tiêu tín dụng tăng trưởng 12% và trong giới hạn được NHNN giao; huy động vốn tăng trưởng 11%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất dự kiến đạt 10.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, BIDV cho biết sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp thu hồi các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro, nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC, phấn đấu mua lại trước hạn toàn bộ trái phiếu VAMC trong năm 2019.

Lãnh đạo ngân hàng cho biết, định hướng của BIDV trong năm nay là cấu trúc lại toàn diện hoạt động đầu tư tại các công ty con, công ty liên doanh, liên kết và các đơn vị hải ngoại nhằm mục tiêu bảo toàn vốn, nâng cao hiệu quả đóng góp vào hoạt động chung của toàn hệ thống.

Ngân hàng sẽ trình ĐHĐCĐ thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2018, theo đó dự kiến chi trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 6%. Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục thực hiện tăng vốn thêm 9.500 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho KEB Hana của Hàn Quốc cùng với kế hoạch phát hành cổ phiếu ưu đãi cho người lao động.

VPBank đặt mục tiêu lợi nhuận năm nay ở mức 9.500 tỷ đồng, cao hơn so với con số 9.200 tỷ của năm trước. Ngân hàng cũng sẽ tăng tổng tài sản thêm 16% lên trên 373.600 tỷ, huy động vốn và tín dụng tăng trưởng 15%, lợi nhuận ở mức 9.500 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và nhắm tới mục tiêu xóa sạch nợ xấu tại VAMC.

Còn trong tờ trình về kế hoạch kinh doanh 2019, ngân hàng Eximbank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản 18,6% đạt hơn 181 nghìn tỷ đồng; huy động vốn tăng 21% và dư nợ cấp tín dụng tăng 11%; tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%. Ngân hàng đặt 2 mục tiêu về lợi nhuận, trong đó lợi nhuận trước khi phải trích lập bổ sung dự phòng trái phiếu VAMC là 2.000 tỷ đồng còn lợi nhuận trước thuế là 1.077 tỷ.

Sở dĩ Eximbank đặt 2 mục tiêu lợi nhuận là bởi ngân hàng này năm 2018 đã phải điều chỉnh giảm gần một nửa lợi nhuận như trong báo cáo tài chính, từ mức 1.737 tỷ về 827 tỷ do phải trích lập dự phòng rủi ro bổ sung.

Đại hội của Eximbank ngày 26/4 có lẽ sẽ thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận nhiều hơn bởi vấn đề liên quan đến các nhóm cổ đông của nhà băng này còn đang "rối như canh hẹ". Trước đại hội cổ đông 1 tháng, chiếc ghế nóng chủ tịch HĐQT của ngân hàng bị đổi chủ nhưng sau đó lại bất thành do tòa án có phán quyết dừng khẩn cấp tạm thời đối với việc thay đổi chủ tịch sau khi ông chủ tịch cũ là Lê Minh Quốc có đơn kiện. Mới đây, có thông tin nhóm cổ đông liên quan đến ông chủ tịch Ngân hàng Nam Á thoái vốn khỏi Eximbank và thay vào đó là một nhóm cổ đông mới đến từ Hà Nội, cũng có thông tin nhóm cổ đông liên quan đến ô tô Thành Công của ông Nguyễn Anh Tuấn là một nhân tố mới nữa ở Eximbank. Thị trường đang chờ đợi sự xuất hiện chính thức của các cổ đông mới này và chắc hẳn nhà đầu tư cũng hi vọng về một sự ổn định, hòa hợp giữa các nhóm cổ đông để đưa Eximbank trở lại quỹ đạo phát triển sau một thời gian khá dài "chệch đường ray".

Hằng Kim

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên