Ngày 29/9, VPBank chốt danh sách chi thưởng hơn 2,2 tỷ cổ phiếu cho cổ đông, tỷ lệ 2:1
Sau phát hành, vốn điều lệ của VPBank sẽ đạt 67.433 tỷ đồng, trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
- 19-08-2022VPBank được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 22.377 tỷ đồng
- 11-08-2022VPBank sẽ gỡ hạn chế chuyển nhượng hơn 4,4 triệu cổ phiếu ESOP
- 03-08-2022Cuộc đua lợi nhuận ngân hàng: Ưu thế nghiêng về nhóm Big4, VPBank và Techcombank đang chậm lại
Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mới đây đã phê duyệt ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền của đợt phát hành tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Cụ thể, ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền là 29/9. Tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 28/9.
Theo kế hoạch, VPBank dự kiến phát hành hơn 2,237 tỷ cổ phiếu cho cổ đông để tăng vốn. Tỷ lệ thực hiện quyền là 2:1, tức cổ đông sở hữu hai cổ phiếu phổ thông tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm một cổ phiếu mới.
Nguồn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 21.002 tỷ đồng và nguồn quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ là 1.374 tỷ đồng.
Trước đó, VPBank đã được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận việctăng vốn điều lệ thêm tối đa 22.377 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của VPBank sẽ đạt 67.433 tỷ đồng, vươn lên trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.
Hiện vốn điều lệ của VPBank đang là 45.056 tỷ đồng, cao nhất trong nhóm ngân hàng thương mại tư nhân và chỉ xếp sau 3 ông lớn ngân hàng thương mại có vốn nhà nước là BIDV, VietinBank và Vietcombank.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, cổ đông VPBank đã thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 76% bằng phương án phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, đợt 1, ngân hàng sẽ tăng vốn từ 45.056 tỷ đồng lên 67.434 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Đợt 2, ngân hàng sẽ phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài tối đa 15% vốn điều lệ, nâng tỷ lệ sở hữu nước ngoài lên tối đa 30%, tương đương phát hành thêm 1,19 tỷ cổ phiếu mới. Giá phát hành sẽ do HĐQT quyết định theo thoả thuận, đàm phán giữa 2 bên nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách của cổ phiếu VPB. Ngoài ra, đối tác nhận phát hành từ VPBank sẽ bị hạn chế chuyển nhượng ít nhất 1 năm. VPBank dự kiến thực hiện chào bán riêng lẻ cho cổ đông ngoại ngay khi được NHNN và Ủy ban Chứng khoán chấp thuận.
Nếu hoàn tất 2 đợt phát hành này, vốn điều lệ của VPBank sẽ tăng lên mức 79.334 tỷ đồng, vượt xa các ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, VietinBank hay BIDV.
Năm 2022, VPBank đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng hơn gấp đôi, lên 29.662 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận của ngân hàng mẹ ước đạt trên 23.000 tỷ đồng, tăng trưởng 66% so với năm trước.
Tổng tài sản đến cuối năm đạt 697,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 27,4% so với cuối năm 2021, trong đó, dư nợ cấp tín dụng dự kiến đạt hơn 518,4 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng tới 35%. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đến cuối năm dự kiến đạt hơn 413 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 27,8%. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ kiểm soát dưới 2%.
Nhịp sống Thị trường