MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày mai thông tin về 200.000 doanh nghiệp trốn thuế vụ Panama sẽ được tung lên mạng

09-05-2016 - 11:28 AM | Tài chính quốc tế

Vụ bê bối tài liệu Panama đang bước vào giai đoạn kịch tính vì nhóm nhà báo tiếp cận được số tài liệu này dự kiến sẽ công bố một phần thông tin trên Internet vào rạng sáng 10-5.

Hãng tin AFP cho biết nhóm nhà báo thuộc Liên đoàn nhà báo điều tra quốc tế ICIJ sẽ công bố số tư liệu họ có được vào khoàng 18g GMT ngày 9-5 (tức khoảng 1g sáng 10-5 giờ Việt Nam).

ICIJ cho biết số tài liệu này tiết lộ tên và thông tin của 200.000 doanh nghiệp do các cá nhân giàu có trên thế giới thành lập ở nước ngoài.

Các tài liệu này được lấy từ khối dữ liệu có dung lượng 2,6 terabyte của công ty luật Mossack Fonseca, do một nguồn tin có biệt danh “John Doe” cung cấp cho báo Sueddeutsche Zeitung của Đức một năm trước.

Theo AFP, số tư liệu trên là thông tin khách hàng của công ty Mossack Fonseca lưu trữ trong gần 40 năm qua.

Sueddeutsche Zeitung đã cho quyền ICIJ tiếp cận thông tin và thông qua tổ chức này, tài liệu Panama đã đến tay hàng trăm nhà báo ở nhiều quốc gia khác nhau.

Cho đến nay đã có một số lãnh đạo chính trị cấp cao, diễn viên và một số tên tội phạm nổi tiếng bị tiết lộ danh tính.

Trong đó có cựu thủ tướng Iceland Sigmundur David Gunnlaugsson, thủ tướng Anh David Cameron, những trợ lý thân cận của tổng thống Nga Vladimir Putin, tổng thống Argentina Sigmundur David Gunnlaugsson, người thân của một số lãnh đạo cấp cao Trung Quốc.

Tất cả trong số này đều bị cáo buộc thành lập công ty bình phong ở nước ngoài để trốn thuế.

Công ty Mossack Fonseca đã gửi thư yêu cầu ICIJ ngừng công bố thông tin, viện dẫn lý do động thái này sẽ vi phạm quyền lợi khách hàng của họ.

Song, chưa có tín hiệu hồi đáp nào cho thấy ICIJ sẽ chấp nhận lời yêu cầu này. Trái lại, ICIJ còn khẳng định công chúng có thể tìm thông tin về bất kỳ công ty bình phong nào ở nước ngoài được đề cập trong tài liệu Panama, là vấn đề rất quan trọng.

“Chúng tôi cho rằng thông tin về việc ai là chủ của công ty ở nước ngoài nên được công khai và minh bạch. Đây không phải là tiết lộ thông tin cá nhân một cách ồ ạt” - hãng tin CNN dẫn lời phó giám đốc ICIJ Marina Walker Guevara cho biết.

Theo Mỹ Loan

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên