Ngày mai, tòa xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan và Nguyễn Cao Trí những nội dung cáo buộc gì?
TPO - Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc cùng lúc 3 tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”. Trong khi đó, ông Nguyễn Cao Trí bị truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
- 10-03-2024Thế lực FDI gần như “thống lĩnh” ngành sản xuất lốp cao su Việt Nam, song "ngôi vương" lợi nhuận vẫn thuộc về một DN niêm yết nội địa
- 10-03-2024Bà Nguyễn Bạch Điệp tiết lộ “vũ khí bí mật” của Long Châu
- 10-03-2024Trùm sản xuất ô tô của Nhật – Nissan: "Case" kinh điển từ bờ vực phá sản trở thành DN có lợi nhuận và sức sáng tạo chỉ trong vòng 3 năm nhờ “nghệ thuật” thay đổi
3 tội danh
Ngày mai (11/3), dự kiến phiên tòa sơ thẩm xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác trong vụ án Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan tiếp tục với phần xét hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Nguyễn Cao Trí - cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư và Quản lý Giáo dục Văn Lang, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella.
Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc cùng lúc 3 tội danh “Tham ô tài sản”, “Đưa hối lộ” “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Theo cáo trạng, bà Trương Mỹ Lan là người điều hành Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp trong và ngoài nước. Để có nguồn vốn duy trì hoạt động, bà Lan tìm cách thâu tóm SCB, nhằm biến ngân hàng trở thành công cụ tài chính của mình.
Bằng cách thu gom cổ phần rồi nhờ người khác đứng tên hộ, bà Trương Mỹ Lan sở hữu hơn 91,5% cổ phần Ngân hàng SCB. Sau đó, bà Lan tuyển chọn, bố trí nhân sự thân tín vào các vị trí chủ chốt tại SCB; thành lập một số đơn vị thuộc SCB chuyên trách cho vay, giải ngân theo yêu cầu của bản thân, đồng thời mua chuộc, tác động những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước làm trái công vụ...
Cáo trạng xác định từ ngày 1/1/2012 đến ngày 7/10/2022, bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã lập số lượng lớn hồ sơ vay vốn khống để rút ra số tiền đặc biệt lớn. Trong đó, bị can Trương Mỹ Lan chỉ đạo lập khống 368 hồ sơ vay vốn để rút tiền của SCB sử dụng vào các mục đích khác nhau, đến ngày 17/10/2022 còn dư nợ 132.247 tỷ đồng, không có khả năng thu hồi. Hành vi trên đã gây hậu quả, khiến SCB bị thiệt hại số tiền hơn 64.621 tỷ đồng.
Ngoài ra, từ ngày 9/2/2018 đến ngày 7/10/2022, bị cáo Lan còn chỉ đạo lập khống 916 hồ sơ vay vốn để từ đó tham ô, chiếm đoạt của SCB số tiền hơn 304.096 tỷ đồng.
Để che giấu thực trạng tài chính yếu kém, các sai phạm có thể bị phát hiện qua thanh tra cũng như để SCB không bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt và được tiếp tục tái cơ cấu, Trương Mỹ Lan đã gặp, trao đổi với Đỗ Thị Nhàn - Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng II Ngân hàng Nhà nước là trưởng đoàn thanh tra hoạt động ngân hàng này. Cùng với đó, bà Lan chỉ đạo cấp dưới tiếp xúc, đặt vấn đề đưa tiền, quà bồi dưỡng cho các thành viên đoàn thanh tra.
Cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, từ tháng 4/2016 đến ngày 1/10/2018, Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Hưng đã nhiều lần nhận quà (tiền) từ lãnh đạo SCB tổng cộng là 390.000 USD. Bà Đỗ Thị Nhàn nhận hối lộ của SCB 5,2 triệu USD. Các thành viên đoàn thanh tra nhận tiền của SCB từ 1.000 - 21.000 USD cùng nhiều lợi ích vật chất khác.
Sau khi nhận tiền, trong báo cáo về kết quả thanh tra tại SCB, 2 bị cáo Nguyễn Văn Hưng, Đỗ Thị Nhàn đã chỉ đạo các thành viên của đoàn chỉ nêu chung chung, không ghi số liệu trung thực, không đưa thực trạng tài chính yếu kém của SCB...
Chiếm đoạt 1.000 tỷ đồng
Trong khi đó, ông Nguyễn Cao Trí bị truy tố về tội “ Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản ”. Theo cáo trạng, ông Nguyễn Cao Trí đã nhiều lần nhận tổng cộng là 1.000 tỷ đồng của bà Trương Mỹ Lan cho 3 mục đích, gồm: chuyển nhượng 31,22% vốn điều lệ Công ty CP Cao su Công nghiệp do ông Trí đứng tên sở hữu, chuyển nhượng vốn điều lệ Công ty CP Sài Gòn Đại Ninh và đầu tư dự án tại huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh).
Sau khi bà Trương Mỹ Lan bị khởi tố, bắt tạm giam, ông Nguyễn Cao Trí đã chỉ đạo trợ lý soạn thảo các văn bản điều chỉnh giá và thanh lý hợp đồng chuyển nhượng 10% vốn điều lệ tại Công ty Văn Lang và thanh lý hợp đồng ủy thác đầu tư hơn 31% vốn điều lệ Công ty CP Cao su Công nghiệp… Sau đó, ông Trí đưa cho các cá nhân đứng tên hộ ký hợp thức, hoàn thiện thủ tục thanh lý.
Cáo trạng xác định, việc ông Nguyễn Cao Trí tự ý lập các bản thanh lý hợp đồng với Hồ Quốc Minh là người đứng tên sở hữu cổ phần giúp cho Trương Mỹ Lan trị giá 1.000 tỷ đồng không được sự đồng ý của Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Bà Trương Mỹ Lan đã có đơn yêu cầu làm rõ, xử lý hành vi của Nguyễn Cao Trí về việc chiếm đoạt tài sản của Lan và thu hồi số tiền 1.000 tỷ đồng để giải quyết theo quy định pháp luật. Quá trình làm việc với cơ quan điều tra từ cuối tháng 12/2022 - 1/2023, ông Trí không thừa nhận đã nhận tiền của bà Trương Mỹ Lan, mà cho rằng mình bị vu khống, bôi nhọ danh dự.
Tuy nhiên, cáo trạng khẳng định, đủ cơ sở xác định ông Trí đã chiếm đoạt của bà Lan 1.000 tỷ đồng.
Quá trình điều tra, công an đã thu giữ tiền mặt hơn 93 tỷ đồng khi khám xét người, nơi làm việc của ông Nguyễn Cao Trí.
Đến nay, gia đình ông Trí đã nộp khắc phục hơn 640 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã kê biên 7 bất động sản.
Tiền Phong