Ngày tàn của một ngành từng được hàng triệu người mơ ước: “Tuổi 35” có thể thất nghiệp là sự thật?
Có lẽ chưa bao giờ những người làm công việc với mức thu nhập cao lại lo về nguy cơ thất nghiệp ở tuổi 35 như bây giờ.
- 17-05-2024Người đàn ông thất nghiệp bỗng cầm 1 tỷ đồng đi mua vàng, nhân viên hỏi 1 câu liền báo cảnh sát: Triệt phá đường dây tội phạm quy mô lớn
- 14-05-2024Những ngành học được phụ huynh rất mê nhưng thực tế đã "bão hòa", nguy cơ thất nghiệp cao kể cả học trường top
- 10-05-2024Thanh niên thất nghiệp nhưng đi Mercedes, thuê 50 căn hộ cao cấp mà không ở: Cảnh sát vào cuộc phát hiện hành vi lừa đảo sử dụng công nghệ cao, chiếm đoạt 105 tỷ đồng
Đây là một câu chuyện đang diễn ra ở Trung Quốc, đặc biệt là với nghề nhân viên, kỹ sư công nghệ.
Khi nghe tin một đồng nghiệp 35 tuổi bị sa thải, Laobai (34 tuổi), nhân viên công nghệ tại Kuaishou, nền tảng chia sẻ video ngắn có quy mô lớn thứ hai ở Trung Quốc (chỉ sau Douyin), chia sẻ: "Tôi vừa sốc vừa lo lắng. Tôi nhận ra rằng hoàn cảnh của chúng tôi rất giống nhau và điều tương tự có thể sớm xảy ra với tôi".
Cái gọi là "lời nguyền tuổi 35" từ lâu đã gây ra nhiều khó khăn cho những lao động bước sang tuổi 35, nhất là khi họ được cho là ít sẵn sàng làm thêm giờ vì vướng bận những trách nhiệm trong gia đình. Do đó, những nhân viên công nghệ ở tuổi 35 được coi là "lao động già" ở Trung Quốc. Với bối cảnh ngành công nghệ của Trung Quốc đang bị siết chặt, nguy cơ những người này bị mất việc ngày càng tăng cao trong vài năm qua.
"Phân biệt tuổi tác trong lĩnh vực công nghệ là một vấn đề lớn. Có quan niệm cho rằng những người lao động lớn tuổi không theo kịp những tiến độ của công nghệ và họ không đủ năng lượng để làm những công việc áp lực cao, trong khi công ty phải trả lương cao", Luật sư Yang Baoquan tại Bắc Kinh, cho biết.
Trên thực tế, dù luật Lao động của Trung Quốc cấm người sử dụng lao động phân biệt đối xử dựa trên những đặc điểm như dân tộc, giới tính, tôn giáo, nhưng lại không để cập rõ ràng đến tuổi tác.
Ngoài ra, những nhà lãnh đạo công nghệ ở Trung Quốc từ lâu đã công khai bày tỏ sự ưu tiên của họ đối với những lao động trẻ tuổi. Năm 2019, Chủ tịch Tencent Mã Hóa Đằng đã công bố về kế hoạch cải tổ 10% giám đốc điều hành của công ty. Ông tuyên bố rằng "công việc của họ sẽ được giao cho những người trẻ hơn và những đồng nghiệp mới có nhiều nhiệt huyết hơn".
Ông Robin Li, giám đốc Baidu, trong một bức thư nội bộ được công bố vào năm 2019, cũng cho rằng công ty đang muốn trẻ hóa bằng cách tiến hành tuyển dụng nhiều nhân viên sinh sau năm 1980 và 1990.
Suy nghĩ này quả thực đã ăn sâu vào hầu hết tư duy dùng người trong ngành công nghệ. Một cựu giám đốc bán hàng tại Meituan chia sẻ: "Trong độ tuổi từ 20 – 30, hầu hết mọi người đều tràn đầy năng lượng và sẵn sàng tiến về phía trước, hy sinh bản thân vì công ty hơn. Nhưng một khi bạn trở thành cha mẹ, bắt đầu già đi, bạn làm sao theo được văn hóa làm việc 996".
Tại Trung Quốc, 996 đề cập đến thói quen làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối liên tục 6 ngày trong tuần, đặc biệt trở nên phổ biến trong lĩnh vực công nghệ.
Thực tế dữ liệu từ Maimai, một trang tuyển dụng, cho thấy độ tuổi nhân sự trung bình tại những công ty công nghệ lớn của Trung Quốc, chẳng hạn như với ByteDance, Pinduoduo là 27 và tại Kuaishou là 28, ứng dụng gọi xe DiDi là 33.
Làn sóng sa thải trong ngành công nghệ ở Trung Quốc
Theo Tổng Công đoàn Trung Quốc, độ tuổi trung bình của người lao động tại quốc gia này là 38,3. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành công nghệ liên tục sa thải, đồng thời thắt chặt hoạt động kinh doanh, xu hướng về trẻ hóa bộ máy ngày càng trở nên rõ ràng hơn.
Một lãnh đạo của một công ty công nghệ lớn tại Trung Quốc, cho biết: "Lĩnh vực công nghệ tăng trưởng quá nhanh trước đại dịch Covid-19. Sau đó là những chiến dịch siết chặt của chính phụ buộc chúng tôi phải tiến hành cắt giảm nhóm quản lý nhận lương cao".
Theo báo cáo tài chính mới nhất của Kuaishou, công ty có giá cổ phiếu giảm 88% kể từ sau khi được niêm yết trên sàn chứng khoán Hong Kong năm 2021, đã tiến hành cắt giảm 16% tổng số nhân sự, khi số nhân viên của công ty lên tới 28.000 người.
Trong một khảo sát của nền tảng tuyển dụng Lagou Zhaopin vào năm 2023, 87% lập trình viên chia sẻ rằng họ rất lo lắng về việc bị sa thải hoặc không tìm được việc mới sau khi đã bước sang tuổi 35.
Rõ ràng "lời nguyền tuổi 35" đã và đang trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều nhân viên công nghệ tại Trung Quốc. Điều này khiến họ muốn thay đổi nghề nghiệp hoặc tìm kiếm việc làm tạm thời không có nhiều lựa chọn.
Nhiều cơ quan công vụ của Trung Quốc cũng hạn chế kỳ thi đầu vào với những người ngấp nghé tuổi 35. Những quảng cáo tuyển dụng nhân viên trong lĩnh vực dịch vụ, bao gồm nhà hàng và khách sạn, đều muốn có những ứng viên trẻ hơn. Điều này khiến những nhân viên công nghệ ở độ tuổi 30 muốn thay đổi nghề nghiệp lại càng khó hơn.
Một lập trình viên 38 tuổi làm việc trong một tập đoàn gọi xe lớn, mới bị cho thôi việc, nói: "Tìm công việc mới quả thực rất khó khăn. Thị trường việc làm rất tệ và thậm chí là khó khăn hơn so với năm ngoái, đặc biệt là với những kỹ sư già như tôi".
Tuy nhiên, cũng có một số rất ít người may mắn và Laobai là một minh chứng. "Tôi có hai con và vợ tôi cũng không có việc ổn định. Vào thời điểm đó, có một công ty công nghệ khác đang tuyển dụng cho duy nhất một vị trí quản lý và tôi đã may mắn có được vị trí này. Nếu không có cơ hội này, tôi sẽ thất nghiệp giống như bao cựu nhân viên khác của Kuaishou", anh Laobai chia sẻ.
Bài tham khảo nguồn: Financial Times, Baidu, Sohu
Đời sống & pháp luật