Ngay trước năm 2030, TP đông dân nhất Việt Nam sẽ có tuyến đường sắt nhẹ nối thẳng đến sân bay 16 tỷ USD?
Dự án 3,4 tỷ USD sẽ kết nối ga cuối của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với sân bay lớn nhất Việt Nam.
- 01-10-2024Phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch sân bay Biên Hòa, dự kiến đón 5 triệu khách/năm
- 29-09-2024Thủ tướng phê duyệt đầu tư dự án sân bay của Bộ Công an
- 28-09-2024Đề xuất làm thêm đường băng hơn 3.000 tỷ ở sân bay Phù Cát
Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành sẽ được triển khai khi nào?
Tại cuộc họp báo cáo tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM thường kỳ tháng 9 và 9 tháng năm 2024, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM đã có những chia sẻ về tiến độ thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP.
Ông Lâm cho biết dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đã được quy hoạch từ rất lâu, là tuyến đường kết nối ga Thủ Thiêm với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Đồng Nai. Đây là dự án thuộc trách nhiệm đầu tư của Bộ GTVT. Hiện, Bộ GTVT đang nghiên cứu, tiếp xúc nhà đầu tư, có thể thực hiện theo hướng dự án PPP hoặc ODA.
Ông Lâm nói thêm, theo thông tin mới nhất từ Bộ GTVT, trong năm 2024, dự án sẽ được thông qua chủ trương đầu tư với chiều dài khoảng 36km và mức đầu tư khoảng 3,4 tỷ USD. Dự án này dự kiến hoàn thành trước năm 2030.
Theo kế hoạch, tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành có điểm đầu là ga Thủ Thiêm (phường An Phú, TP.Thủ Đức, TP.HCM), điểm cuối là sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Tuyến đường sắt này phần lớn chạy song song với cao tốc TP.HCM - Long Thành, đoạn qua TP.HCM dài khoảng 11,8km.
Dự kiến, tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành có 20 ga, bao gồm ga trong sân bay Long Thành. Depot bố trí phía đông sân bay Long Thành, tại xã Sông Nhạn (huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai).
Đáng chú ý, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến bắt đầu từ ga Ngọc Hồi (Hà Nội), kết thúc tại ga Thủ Thiêm (TP.HCM). Như vậy, sau khi dừng chân tại ga đầu mối Thủ Thiêm, hành khách của tuyến đường sắt tốc độ cao có thể chuyển tiếp sang đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành để đến với sân bay lớn nhất Việt Nam.
Hiện nay, giai đoạn đầu tiên của việc xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đang được triển khai, cùng lúc với việc thực hiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi cho Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và Dự án đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành.
Để đảm bảo việc xây dựng các hạng mục của Cảng hàng không quốc tế Long Thành phù hợp với việc mở ga đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt và TEDI cùng ACV kiểm tra lại không gian và cấu trúc kích thước để đảm bảo có đủ chỗ cho việc bố trí ga đường sắt và kết nối một cách thuận tiện với nhà ga hành khách cũng như các công trình khác tại cảng hàng không.
Ý nghĩa của tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành
Việc kết nối ga Thủ Thiêm của đường sắt tốc độ cao với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và sân bay Long Thành mang lại nhiều lợi ích quan trọng về mặt kinh tế, giao thông và phát triển đô thị của không chỉ riêng TP.HCM mà còn của cả vùng Đông Nam Bộ.
Kết nối này tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh và sân bay quốc tế Long Thành, giúp rút ngắn thời gian di chuyển, giảm tắc nghẽn giao thông trên các tuyến đường bộ hiện hữu, nhất là cao tốc cao tốc TP.HCM - Long Thành.
Hành khách có thể dễ dàng tiếp cận Sân bay Long Thành từ trung tâm thành phố hoặc các từ các tỉnh thành khác thông qua hệ thống đường sắt tốc độ cao và tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, tạo ra một mạng lưới giao thông đồng bộ và hiện đại.
Trong tương lai, Sân bay quốc tế Long Thành được kỳ vọng trở thành trung tâm hàng không lớn, phục vụ hàng triệu lượt khách mỗi năm. Việc kết nối trực tiếp bằng đường sắt này giúp thu hút khách du lịch và nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực phát triển kinh tế, đặc biệt là ngành dịch vụ, thương mại và du lịch.
Khi ga Thủ Thiêm được kết nối với sân bay Long Thành qua các tuyến đường sắt, khả năng tiếp cận sân bay trở nên thuận tiện và nhanh chóng hơn, giúp sân bay phát huy tối đa công suất, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu của hành khách và hàng hóa.
Đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành còn giảm thời gian và chi phí vận chuyển hàng hóa qua lại giữa khu vực cảng và sân bay, hỗ trợ hoạt động logistics, giúp tăng cường sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.
TPHCM hiện là địa phương có tổng số dân đông nhất cả nước hiện nay với hơn 9,3 triệu người, chiếm gần 10% dân số cả nước. Trong đó, có những quận, huyện có tỷ lệ dân cư đông và gấp 2 lần những tỉnh dân số thấp.
Nhờ tuyến đường này, các khu đô thị vệ tinh như khu đô thị Thủ Thiêm, khu đô thị mới Long Thành sẽ được kết nối với sân bay Long Thành. Từ đó giúp giảm tải cho trung tâm TP. HCM nhờ phân bổ dân cư và nguồn lực ra các khu vực lân cận.
Cơ sở hạ tầng giao thông phát triển cũng thúc đẩy sự hình thành các khu đô thị hiện đại, thông minh xung quanh tuyến đường sắt và sân bay, mang lại không gian sống tiện nghi và phát triển bền vững cho người dân.
Với một hệ thống đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị kết nối với sân bay Long Thành, nhu cầu sử dụng ô tô cá nhân và xe buýt sẽ giảm, góp phần làm giảm ùn tắc giao thông và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, như ô nhiễm không khí và tiếng ồn.
Đường sắt đô thị bao gồm đường sắt vận tải khối lớn (MRT), đường sắt nhẹ (LRT) và đường sắt một ray (monorail).
Trong đó, LRT được xây dựng theo kiểu chạy trên cao, chạy trên mặt đất và chạy ngầm. Khi được thiết kế chạy trên mặt đất, LRT không cần xây rào chắn, giúp đô thị đó tiết kiệm chi phí cũng như tạo điều kiện hòa hợp với các phương tiện giao thông đường bộ khác...
Hơn thế, LRT đáp ứng được sự đa dạng, phong phú nhất về đường ray cũng như thiết kế xe và kỹ thuật vận hành.
Đường sắt nhẹ phù hợp với các đô thị lớn, khu vực có dịch vụ du lịch, giải trí phát triển. Có thể xem xét phát triển đường sắt nhẹ để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội cũng như hỗ trợ các dịch vụ vui chơi, giải trí…
Thái Hà
Đời sống & pháp luật