MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghề muối Bạc Liêu hướng đến nâng cao giá trị sản xuất

04-04-2021 - 08:53 AM | Thị trường

Diêm dân huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu thu hoạch muối. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Diêm dân huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu thu hoạch muối. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Ngày 3/4, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm Trưởng đoàn đã đến thăm và làm việc tại tỉnh Bạc Liêu để nắm tình hình về việc phát triển nghề muối của tỉnh.

Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đến thăm và làm việc tại Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu và tham quan một số hợp tác xã sản xuất muối trên địa bàn huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu).

Ông Phạm Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, nghề muối tỉnh Bạc Liêu là nghề truyền thống được hình thành và phát triển hơn 100 năm qua, vùng sản xuất muối của tỉnh tập trung tại các vùng ven biển của tỉnh từ thành phố Bạc Liêu đến các huyện Hòa Bình, Đông Hải.

Trong quá trình làm nghề muối trải qua rất nhiều thăng trầm, nhưng đến nay toàn tỉnh vẫn duy trì và phát triển diện tích muối ổn định hàng năm trên 1.500 ha. Với điều kiện thuận lợi về thời tiết, thổ nhưỡng, khí hậu nên muối Bạc Liêu nổi tiếng và chất lượng, được người tiêu dùng cả trong và ngoài tỉnh lựa chọn.

Năm 2013, sản phẩm muối Bạc Liêu được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, cuối năm 2020, nghề muối Bạc Liêu còn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Tuy nhiên, cũng như nhiều ngành nghề khác, nghề muối Bạc Liêu luôn đứng trước những thách thức rất lớn về điều kiện thời tiết, kết cấu hạ tầng, thị trường… khiến đời sống của diêm dân luôn gặp nhiều khó khăn, sản phẩm muối Bạc Liêu luôn đứng trước thách thức "được mùa mất giá", mất mùa được giá….

Trong mùa vụ 2020 - 2021, toàn tỉnh Bạc Liêu có trên 1.500 ha sản xuất muối; trong đó huyện Đông Hải là trên 1.300 ha, huyện Hòa Bình là trên 180 ha và thành phố Bạc Liêu khoảng 80 ha. Diện tích sản xuất theo truyền thống (phơi trên nền sân đất) là hơn 1.400 ha và theo phương pháp trải bạt là khoảng 100 ha.

Ông Hồ Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Muối Bạc Liêu cho biết, trải qua hơn 25 năm hình thành và phát triển, hiện nay, đến nay, công ty đã có 7 sản phẩm từ muối gồm muối tinh, muối hạt sạch, muối hạt sạch sấy, muối tinh sấy i-ốt, muối ớt, muối ớt tôm và muối tiêu… phục vụ thị trường trong và ngoài nước.

Hiện nay, sản phẩm muối của công ty đã có mặt ở các hệ thống siêu thị lớn như: Big C, Coopmart, Vinmart… với 300 cửa hàng tại 13 tỉnh thành vực  phía Nam, với sản lượng khoảng 35 tấn/ngày. Ngoài ra, công ty xuất khẩu sang các thị trường Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc… bình quân mỗi tháng khoảng 100 tấn muối/tháng.

Anh Trần Văn Thưa, Chủ tịch Hợp tác xã Diêm nghiệp Doanh Điền, tại xã Điền Hải (huyện Đông Hải) chia sẻ, Hợp tác xã hiện có 57 thành viên, vụ muối năm 2020 - 2021, hợp tác xã sản xuất được gần 70 ha (trong đó, có 8 ha được trải bạt), năng suất đạt khoảng 4 tấn/ha. Với giá muối đen hiện tại được thương lái thu 550 - 600 đồng/kg, muối trắng 1.100 - 1.200 đồng/kg, trừ các chi phí chỉ còn lãi 30 triệu đồng/ha đối với diện tích trải bạt, còn diện tích không trải bạt chỉ lãi khoảng 15 triệu đồng/ha.

Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để nâng cao giá trị sản xuất muối thì cần có kế hoạch quy hoạch tổng thể, trước hết thì tỉnh Bạc Liêu cần xác định lại diện tích sản xuất muối sau cho phù hợp nhất.

Bên cạnh đó, để năng cao giá trị nghề muối Bạc Liêu cần sản xuất theo hướng đa dịch vụ, giảm lao động thủ công thay vào đó là công nghệ khác… Ngoài ra, cần tìm doanh nghiệp để liên kết, nâng cao chuỗi liên kết giá trị, qua đó, góp phần nâng cao thu nhập cho diêm dân, ổn định sản xuất cho các hợp tác xã, nhất là giúp sản phẩm muối của Bạc Liêu ngày càng mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.

Theo Chanh Đa

Báo tin tức/TTXVN

Trở lên trên