Nghệ sĩ điêu khắc Đinh Công Đạt: “Tôi từng cao ngạo nói, khách của Đạt rồ này không biết tiếng Việt vì toàn Tây”
“Từ năm 1991 – 2008, tôi tuyệt đối không bán được tác phẩm nghệ thuật, sống bằng niềm tin theo đúng nghĩa đen. Đói “thối mồm” là có thật” – Nghệ sĩ Đinh Công Đạt chia sẻ.
- 04-02-2020Người nước ngoài đầu tiên viết tiểu thuyết bằng tiếng Việt: “Việt Nam đủ ‘hợp tính hợp nết’ về ngôn ngữ, văn hóa, cuộc sống để tôi muốn ở lại”
- 02-02-2020Food blogger 9X Hàn Quốc coi Việt Nam như quê hương thứ hai: Đồ ăn Việt món nào cũng ngon, lại còn tốt cho sức khỏe nữa!
- 01-01-2020NSND Hoàng Dũng: “Thiên hạ cứ nghĩ tôi có tiền nhưng thực ra chỉ đủ nuôi con, chăm mèo và chơi chim cảnh”
- Cái tên "Đạt rồ" của anh có nguồn gốc thế nào?
- Đó là một "mánh" hơi ăn gian của bọn nghệ sĩ. Khi trưởng thành, không phải cái gì tôi cũng đúng, cũng xuất sắc nên tôi như được che chở nhờ cái tên "Đạt rồ". Đôi khi mình có những hành động bộc phát, có sự thiếu kiềm chế, người ta sẽ bảo: "Ôi cái thằng Đạt rồ". Số đông dễ tha thứ cho "Đạt rồ" hơn so với một thằng "Đạt tỉnh".
Cái tên "Đạt rồ" lúc đầu là bạn bè gọi, sau đó tôi tự nhận luôn để không ai bình luận thêm. Nhiều người bảo tôi: "Này, tao chơi với mày chục năm rồi, tao chẳng thấy mày rồ ở đâu cả".
Nhưng cũng có người biết tôi từ rất lâu lại bảo, thực ra nếu mày không mang tên có chữ "rồ" thì tao thấy mày vẫn bị thiếu. Ví dụ nhà phê bình Nguyễn Quân, rất nhiều năm không gặp rồi tự dưng bảo: "Đúng là mày rồ thật đấy Đạt ạ".
Rồ như thế nào thì không cắt nghĩa được nhưng mọi người cảm thấy có cái gì đó không bình thường.
- Đó có phải là nguyên nhân đưa anh tới với nghệ thuật?
- Tôi cho rằng có 2 thứ trên đời mà người ta không thể chọn, nếu cảm thấy sai mà đi sửa thì càng sửa càng sai. Đó là chọn vợ/ chồng và chọn nghề. Nghề không thể chọn được.
Nếu dùng từ chuyên nghiệp thì bạn tôi - nhà văn Nguyễn Việt Hà – nói, chiết tự của chữ chuyên nghiệp là chuyên bị cái nghiệp đè. Nghề cũng thế thôi.
Ngày bé tôi thích học vẽ và trổ giấy ở Cung văn hóa thiếu nhi, chưa biết chữ đã biết vẽ rồi. Đến hồi học phổ thông, tôi học dốt đến mức độ nổi tiếng ở trường luôn, thi 3 môn Toán, Lý, Hóa được 1, 25 điểm.
Học dốt thế thì đương nhiên không đỗ đại học, phải đi làm công nhân. Tôi được một ông anh họ xin cho vào một xí nghiệp làm đá quý. Vì tôi khéo tay nên họ cho vào tổ đục đá nghệ thuật. Thế là tự nhiên tôi bị gắn vào việc đục tượng chứ không hề lựa chọn.
Khi muốn đục tốt hơn thì tôi phải tìm một người thầy rồi đi học. Dần dần tôi thấy môn điêu khắc gắn liền với mình, theo mình suốt cả cuộc đời luôn. Tôi không hề chọn, nó giống như một tai nạn, nghiệp báo hay cái gì đó tự nhét vào mình.
- Điều gì đã khiến anh quyết tâm thi đỗ trường đại học Mỹ Thuật Việt Nam sau nhiều năm đi làm công nhân?
- Tôi làm mấy năm thì đi bộ đội rồi vào Đảng. Khi xuất ngũ, tôi không biết sinh hoạt Đảng ở đâu. Về phường thì hơi kỳ vì mình trẻ mà ở đó toàn các cụ. Vậy nên tôi quay lại cơ quan cũ để làm nốt sinh hoạt Đảng. Sau đó, tôi quyết định ôn học và thi vào trường Mỹ thuật.
Lúc đó, tôi suy nghĩ mọi việc khá thấu đáo, không học theo kiểu bản năng, trẻ con. 26 tuổi tôi mới đỗ đại học nên biết là tại sao mình ở đây, học để làm gì. Thậm chí, khi đi luyện thi, tôi bảo rằng nếu không đỗ thủ khoa thì sẽ không đi học. Mà ngày xưa ở trường Mỹ Thuật, thi vào vô cùng khó. 800, 900, thậm chí 1.200 hồ sơ nộp vào mà lấy có 25 người. Nói vậy là bởi mình đã lớn rồi, xác định mọi thứ rất rõ, năng lực tập trung rất tốt.
Thêm nữa, học luyện thi cũng chỉ có ngần ấy đứa trong một lớp học, mình biết được năng lực của từng đứa một nên rất tự tin, hơi ngông ngạo một chút.
- Sở trường của anh khi ấy là làm côn trùng, con sâu, cái kiến… Cho tới tận bây giờ, anh vẫn làm những thứ bé nhỏ. Vì sao có sự nhất quán đó?
- Nó cũng giống như một thứ "giời định" thôi. Lúc bấy giờ sách vở không có, chúng tôi chẳng biết bên ngoài làm cái gì, tại sao, như thế nào. Có mấy quyển sách từ thời Phục Hưng, Ấn Tượng nhưng rất cũ kỹ.
Bấy giờ, tôi nghĩ nếu mình không bước ra ngoài được thì nên quay vào trong. Ngoại diên hẹp thì nội hàm phải lớn lên. Việt Nam là một nước có bề dày lịch sử - văn hóa nên mỹ thuật cũng sẽ có những nét nổi bật.
Có những thứ người ta rất dễ bỏ qua như con sâu, cái kiến thì tôi bắt đầu từ những cái nhỏ như vậy. Không hiểu sao tôi vẫn toàn làm những thứ bé nhỏ chứ chẳng làm cái nào vĩ đại cả. Cái vĩ đại nhất từng làm chắc là một đứa trẻ con.
Rất xấu hổ khi phải thừa nhận nhưng tôi cực thích đi chợ và nấu ăn. Và đến tận bậy giờ, vẫn có những hôm tôi thấy ngạc nhiên về con gà trống vì tại sao nó lại đẹp thế, thấy sung sướng về con gà mái vì tại sao nó có thể hoàn hảo như vậy. Tôi vẫn nhìn thấy những thứ đẹp. Cái đẹp luôn ở xung quanh, chúng ta chỉ việc tái tạo nó thôi.
- Nhiều người cho rằng, để tạo nên cái đẹp từ nghề điêu khắc vốn không đơn giản, thậm chí nhiều phần vất vả. Điều này có đúng không?
- Cách đây khoảng 20 năm, một người bạn là nghệ sĩ có tiếng đứng xem tôi và thầy làm thuê tượng đài. Anh này lúc đó bảo, nghề điêu khắc này phải có sức khỏe, không khỏe thì không làm được. Đúng thế thật vì mình phải trèo leo, bưng đất cát như thợ hồ.
Nghề điêu khắc liên quan rất nhiều đến chất liệu. Kỹ năng xử lý chất liệu là một trong những kỹ năng bắt buộc phải có. Giống như việc một nhạc công phải biết lên dây đàn vậy. Mà càng ngày lại càng có nhiều loại vật liệu mới được sinh ra.
Còn về việc có khổ không thì tất nhiên cũng có mồ hôi, nước mắt, tai nạn đổ máu và nhiều lúc cũng nhọc nhằn. Nhưng giống như là yêu vậy. Khi đã yêu, người tình hẹn thì mưa nắng ra sao cũng sẽ tới nơi hẹn, xe hỏng thì dắt. Dù có chuyện gì xảy ra thì cuối cùng cũng phải tới đến nơi.
Dắt xe đôi lúc cũng mệt đấy nhưng mình làm được và rồi nó cũng qua hết đi. Khi mọi việc đã qua hết rồi, nhìn lại mọi thứ thì người ta không còn thấy dấu vết của sự nhọc nhằn nữa.
- Trong "tình yêu" đó, điều khó khăn nhất anh từng vượt qua là gì?
- Sự nghèo đói.
- Vì sao? Những tác phẩm của Đinh Công Đạt được định giá theo USD và không hề rẻ.
- Đúng thế, toàn được định giá theo USD, mà rất đắt. Nhưng đấy là khi mọi người biết tôi ngày hôm nay thôi.
Từ năm 1991 – 2008, tôi tuyệt đối không bán được tác phẩm nghệ thuật, sống bằng niềm tin theo đúng nghĩa đen. Đói "thối mồm" là có thật. Trong khi đó, tôi đã đi rất nhiều nước, nhiều lần, dài hàng tháng trong năm. Tôi có tên tuổi trước khi có tiền bạc rất lâu. Thậm chí có thời gian, tôi trốn báo chí vì thấy mệt quá, chỉ là danh hão thôi. Mình nói ra rả về tình yêu thật nhưng lại đói meo.
Nói ra thì không ai tin, thậm chí bảo: "Đạt rồ bây giờ giàu rồi, nói gì chả được". Nhưng những người bạn biết tôi từ lâu như Lê Thiết Cương (hoạ sĩ Lê Thiết Cương - PV) sẽ đáp: "Ừ, mày cứ 20 năm đói như nó đi thì mày sẽ hiểu".
Tôi không bao giờ phản biện hay thanh minh những điều đấy. Chỉ hy vọng các bạn trẻ bây giờ hãy cố gắng kiếm được tiền ngay từ đầu đi. Nhưng ngay cả trong lúc đói kiết xác như vậy mà không chán cái nghề của mình mới là chuyện khó.
- Bản thân anh đã làm thế nào suốt 30 năm qua?
- Tôi từng hỏi cây đại thụ của nghề múa Butoh – một ông lớn trong ngành nghệ thuật. Anh đấy tên Takana, người Nhật, đã đi khắp thế giới và cũng nghèo như tôi ngày xưa. Câu hỏi là "Nếu đang chập chững bước vào nghề này mà lại có cơ hôi kiếm được tiền ở nhà khác thì anh có đi theo nó không?".
Anh ấy khi đó bảo: "Tao không trả lời câu hỏi đấy". Sáng hôm sau, anh ấy mới nói: "Đạt ạ, Butoh giống như tôn giáo. Đối với tao, nó là một tôn giáo chứ không phải là yêu thích. Chỉ có thể giải thích cho việc đó như vậy thôi".
Tôi không nghĩ to lớn đến thế nhưng có một điều mặc định rằng mình sinh ra để làm việc đó. Nếu như vào những năm 94, 95 đến 2000 mà có ngành gì đó kiếm ra tiền thì Đạt "rồ" vẫn sẽ làm điêu khắc. Vì thích thôi.
- Giai đoạn đó có bao giờ anh nghĩ sẽ bỏ nghề không?
- Sau khi học xong đại học, tôi có 2 năm đi làm nội thất. Tôi đoán rằng, có lẽ mình là người đầu tiên dùng gỗ công nghiệp đóng tủ bếp ở Hà Nội. Lúc đó, công nhân trong xưởng của tôi có tới 30 người nhưng một ngày đep giời, tôi đã bỏ nghề này.
Có nhiều lý do nhưng một trong số đó là khi tôi đi qua xưởng chỗ các bạn tôi đang làm điêu khắc tượng, tôi ngửi thấy mùi đất. Đó là cái mùi vừa thối thối, vừa khai khai nhưng rất quen thuộc. Tôi ứa nước mắt. Không bỏ được thì mình lại quay lại với điêu khắc.
Thú thật, tên tuổi chẳng nói lên được điều gì. Mấy chục năm đói nhăn răng như thế mà còn không bỏ thì... Có lẽ, điều đưa tôi lại với nghề đúng như mẹ tôi hay nói "mày lại bị giời đầy". Hay giống như bạn tôi bảo "chuyên bị cái nghiệp nó đè".
Mọi người thì bảo vì mình yêu. Thực ra nó phải là tất cả những thứ ấy.
- Sau này, anh có tìm được nguyên nhân và giải pháp cho việc tên tuổi và tiền bạc chưa đi liền với nhau không?
- Ngày 24/6/2004, tôi mở triển lãm cá nhân đầu tiên. Lúc bấy giờ thực sự đói khát. Tôi cũng cố gắng lắm. Tôi nhớ là trước đó có tặng bạn bè một số tác phẩm nên đến khi triển lãm thì phải gom về. Tôi đến nhà Cương (hoạ sĩ Lê Thiết Cương - PV) gom đồ và quay sang bảo bạn: "Mày cho tao vay một hai trăm vì tao phải thuê taxi tải Thành Hưng để chở đi chở lại mấy thứ". Cương móc ví ra cho.
Hôm đó, thời tiết Hà Nội rất nóng, đường nhựa còn chảy ra. Tôi mệt vì chuẩn bị triển lãm cũng rất vất vả. Nói không ra tiếng, mồm khô khốc.
Cương thương tôi nhưng cũng không biết làm thế nào. Nó mới bảo: "Thôi Đạt ạ, tận nhân lực quỷ thần chi". Đây là một câu Hán Việt, tức là mình tận tâm của mình, thì quỷ thần còn biết chứ đừng nói đến con người.
Lúc đó, tôi cười méo mó "việc đến thì làm thôi". Bạn bè động viên nhau là quý rồi. Và thực sự "quỷ thần chi" thật. Sau năm đấy, tôi bán tác phẩm, rồi mua được nhà, đất. Rồi tôi gặp một số khách hàng lớn. Họ đánh giá tôi rất tốt và cộng tác. Mọi thứ phát triển rất nhanh. Thành công đến trước đó rồi nhưng giờ tiền bạc, danh tiếng cũng đến.
- Những khách hàng lớn trong giai đoạn đầu của anh có điểm gì đặc biệt?
- Khoảng 5 năm về trước, người Việt Nam hầu như không ai mua tranh. Trước đây, có một nhà báo từng đến gặp, tôi có hỏi tại sao muốn phỏng vấn. Bạn ấy trả lời "Vì anh nổi tiếng, nhiều người mua tác phẩm của anh". Tôi đã cao ngạo: "Xin lỗi em, khách của anh không biết tiếng Việt". Mà thực tế khi ấy, khách của tôi toàn người nước ngoài. Nhà báo có viết hay đến mấy thì người ta cũng chả biết Đinh Công Đạt là ai.
Bây giờ mọi việc khác rồi. Người ta cứ kêu gào nghệ thuật của Việt Nam đang rơi vào vùng trũng, thậm chí còn không có thị trường. Nhưng tôi thấy không đúng. Nghệ thuật Việt Nam đang trở nên tốt hơn.
Khoảng trên 50% khách hàng của tôi và bạn bè hiện nay là người Việt. Người Việt chấp nhận giá rất cao để mua các tác phẩm nghệ thuật. Như vậy, ngày nay Việt Nam mới đúng là có thị trường nghệ thuật, và nghệ sĩ Việt Nam sống đúng bằng nghề của mình.
Trước kia chỉ có ông Tây thôi chứ không có ông Ta. Đó vừa là điều xấu hổ, vừa là điều buồn cười của người nghệ sĩ. Chỉ ngóng người nước ngoài thôi chứ đâu có ngóng người Việt bao giờ.
- Yếu tố nào để định giá một sản phẩm nghệ thuật ở mức hàng nghìn đô?
- Chúng ta đang sống trong thế giới hiện đại, không phải sống một mình, tự cung tự cấp. Ví dụ, anh là một họa sĩ, khi có tác phẩm thì anh phải bán nó đi, hoặc phải đến nơi có người sưu tập, người có nhu cầu mua để trang trí, thưởng thức. Anh không tự bán, mà bán qua một gallery, có một trung gian để bán. Bộ phận trung gian để bán thấy rằng nếu để giá thấp thì lợi nhuận sẽ rất mỏng, nếu để giá cao thì lợi nhuận của họ đồng thời tăng theo.
Sự tương hỗ giữa tôi và người kinh doanh nghệ thuật là một thể thống nhất. Và chính người kinh doanh sẽ đặt giá để họ có thể thu được lợi nhuận lớn nhất, tôi sẽ đạt được sự hài lòng nhất và người mua cũng chấp nhận được.
Bên cạnh đó, tôi cũng nghĩ ở đây là một kỹ thuật làm giá. Khi được nhắc đến "Sản phẩm của tay này giá rất đắt" thì rất nhiều người sẽ e ngại không hỏi. Những người không đủ tự tin sẽ không chơi nghệ thuật. Còn những người khi nghe giá rất đắt nhưng vẫn hỏi thì sau đó sẽ phát hiện thì ra giá không đắt như đã nghĩ. Đấy là một điểm lợi.
- Anh có thấy tương xứng giữa giá trị thu về và công sức bỏ ra cho những sản phẩm cầu kỳ không?
- Khi người ta đã yêu thì sẽ không tính đến việc thu về. Mình cứ làm đi, còn nó có về được hay không và về được bao nhiêu thì kệ nó. Trong lúc tôi ngồi vẽ, ngồi làm là bản thân tôi đã được tưởng thưởng ngay rồi
Còn về phần tiền nong, tôi đã cầu kỳ như thế thì đương nhiên mọi người sẽ trả cho một cái giá mà họ nghĩ là xứng đáng. Nhưng niềm sung sướng đầu tiên, cái "ngon" nhất của công việc đó, tôi đã được tận hưởng. Tôi nhận huy chương lớn nhất ngay lúc ngồi làm rồi.
- Sau 3 thập kỷ gắn bó với nghề, anh có định hướng các con trong gia đình đi theo con đường nghệ thuật của bố không?
- Không. Cả họ có 1 "thằng điên" là đủ lắm rồi.
Tôi sẽ không định hướng cho các con nhưng nếu chúng thích, tôi sẽ không ngăn cản. Mà nếu chúng hỏi, tôi sẽ hướng dẫn một cách rất nhiệt tình vì mình từng trải qua và thậm chí đã thành công.
Tôi chỉ nói với các ông bố bà mẹ có con mà còn loay hoay làm nghệ thuật rằng, nghệ thuật là một món đồ chơi rất sang trọng để chơi với đời, nhưng là công cụ kiếm ăn rất nhọc nhằn và đau khổ nên đừng dây vào đấy. Tốt nhất là nên tránh nếu có thể. Nói thế cho công bằng.
Trí Thức Trẻ
Sự kiện: Sống cùng đam mê
Xem tất cả >>- NTK váy cưới hàng đầu Việt Nam: 12 năm tâm huyết để biến “giấc mơ” của mọi cô dâu thành hiện thực, từng bước vươn mình ra thế giới
- “Phù thuỷ sân khấu” đứng sau loạt sự kiện đình đám của làng mốt Việt, được Vogue khen ngợi: “Show đến tay tôi đều không đơn giản, nếu dễ dàng các NTK đã không tìm đến tôi”
- Đạo diễn đứng sau loạt sân khấu tiền tỷ Hoàng Công Cường: Kiếm tiền với tôi là chuyện đơn giản, quyết cải tổ đón “đại vận” mới năm Giáp Thìn
- Cựu giảng viên Ngoại ngữ đứng sau chuỗi cafe chục tỷ Hầm Trú Ẩn: 6 tháng lỗ ròng để "trả học phí", lao đao suýt bỏ cuộc thì nhận cơ hội đắt giá
- Từ chủ thầu xây dựng “phá sản” tới ông chủ chuỗi 32 cửa hàng Thai Market, CEO Lê Thái Hoàng kể chuyện khởi nghiệp với 120 triệu đồng, từng “lao đao” suốt 2 năm vì hợp tác với bạn bè