Nghề tay trái bán bảo hiểm giúp nhân viên ngân hàng thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm
Đối với những cá nhân xuất sắc, ít ai tưởng tượng được mức thu nhập bình quân một năm lên đến vài tỷ đồng.
Câu chuyện giới văn phòng tranh thủ làm thêm nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập không còn là mới. Thế nhưng, trong bối cảnh hoạt động tái cơ cấu đang lan toả cả hệ thống ngân hàng, cắt giảm nhân sự, tiết giảm chi phí, hai chữ “tiền thưởng” vốn là “đặc sản” của ngành không biết từ lúc nào đã trở thành “món xa xỉ” đối với nhân viên, nhất là nhân viên làm tại các ngân hàng đang được đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng nhà nước (NHNN), thì việc làm thêm đã trở thành một nhu cầu tất yếu như bao nhiêu ngành khác.
Giảm lương hoặc không có thưởng đã trở nên quen thuộc với nhân viên của nhiều ngân hàng. Ngoài chính sách giảm, ngân hàng còn siết chặt hơn trong hoạt động và lương thực nhận của nhiều vị trí thậm chí còn bị cắt mạnh hơn mức chung. Chẳng hạn ngân hàng áp dụng hình thức phạt đối với các lao động không đạt doanh số, phạt lao động đi làm muộn…Không chỉ giảm công khai, nhiều ngân hàng còn gián tiếp cắt giảm lương của nhân viên thông qua việc điều chuyển vị trí công tác, trong đó đáng ngại nhất là bị chuyển từ nhân viên chính thức thành cộng tác viên, hợp đồng thời vụ, khiến cho mức lương có thể giảm đi một nửa so với trước.
Áp lực kinh doanh và rủi ro pháp lý
Nỗi lo khủng khiếp với phần lớn nhân viên ngân hàng lúc này là áp lực về chỉ tiêu và doanh số. Từ giao dịch viên, chuyên viên dịch vụ khách hàng đến cán bộ tín dụng hay kể cả cán bộ kỹ thuật cũng bị áp chỉ tiêu về huy động, thẻ... Với nhân viên tín dụng, áp lực doanh số cho vay cũng luôn đè nặng nhưng nỗi sợ hãi về việc vi phạm các quy định pháp luật có liên quan trong hoạt động kinh doanh ngân hàng mới là điều họ lo nhất.
Trong 5 tháng đầu năm 2016, liên tục nhiều chi nhánh ngân hàng vi phạm quy định pháp luật về cho vay được cơ quan điều tra công bố. Chính việc này đã khiến cho nhiều nhân viên, cán bộ ngân hàng lo sợ bên cạnh nỗi lo về các chỉ tiêu kinh doanh.
Nhiều lý do để nhân viên ngân hàng chuyển việc
Một khảo sát mới đây của JobStreet - mạng quảng cáo việc làm tại Đông Nam Á - cho thấy, 66% số người được khảo sát nhận mức lương dưới 10 triệu đồng mỗi tháng. Điều này khiến 29% nhân sự ngành muốn chuyển nghề vì họ thấy lương thấp hơn so với kỳ vọng. 53% cảm thấy thiếu cơ hội phát triển và khó đạt được vị trí mà họ mong muốn.
Trước đây nhân lực ngân hàng luôn hấp dẫn, thậm chí nhiều ngân hàng cạnh tranh nhau gay gắt bằng lương thưởng, thì vài năm gần đây chỉ những vị trí có tầm ảnh hưởng, có chất lượng mới được chào mời.
Mặc dù khảo sát trên cũng cho thấy có thể mức thưởng của nhân viên ngân hàng kỳ vọng sẽ cao hơn trong năm nay, nhưng với bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế, hoạt động kinh doanh của các ngân hàng cũng khó khăn. Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng cũng sẽ khiến nhân lực ngành ngân hàng có nhiều xáo trộn nên chuyện “nhảy” việc trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng cũng sẽ diễn ra thường xuyên.
Ở một số nhà băng, dù chưa phải tái cơ cấu, nhưng khi ngân hàng cơ cấu lại hoạt động kinh doanh theo hướng nâng cao chất lượng khiến một số bộ phận nhân viên “thừa ra” nên nhiều nhân viên ngân hàng buộc họ phải tìm nơi làm việc mới và chuyển công tác.
Ngoài ra, khi mà kinh doanh khó khăn, mỗi ngân hàng có cách kinh doanh, sản phẩm, khẩu vị rủi ro riêng. Vì thế định hướng kinh doanh của ngân hàng có thể phù hợp với thế mạnh của nhân viên này nhưng không phải sở trường với nhân viên khác nên cũng dẫn tới quyết định chuyển công tác. Sự khác nhau về chế độ đãi ngộ, cơ chế, chỉ tiêu khoán… cũng khiến nhân viên “đứng núi này, trông núi nọ”.
Tận dụng nghề tay phải để làm nghề tay trái - bán bảo hiểm
Vì các vấn đề được đề cập ở trên, nhân viên ngân hàng nếu không muốn “bon chen”, “nhảy chân sang bờ bến khác”, chấp nhận ở lại “sống chung với lũ” thì ai cũng phải chuẩn bị cho mình một công việc gọi là nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập hay phòng khi bị cho thôi việc ngoài ý muốn.
Người vốn ít, không dám mạo hiểm thì tìm những việc như bán cà phê, nước giải khát, bán card điện thoại ngay tại văn phòng. Người thì tận dụng chuyên môn sẵn có nhận các dự án bản vẽ thiết kế, lập báo cáo kế toán cho các doanh nghiệp. Nếu có chút trình độ và bằng cấp trên đại học thì nhận dạy hợp đồng thêm tại các trường đại học, cao đẳng. Ai có một chút vốn thì kinh doanh các mặt hàng: đặc sản vùng miền, quần áo may sẵn, phụ kiện thời trang… Đa phần đều chọn cách thức kinh doanh online, bán hàng cho bạn bè, đồng nghiệp, người quen trên một diễn đàn hay nhóm có cùng sở thích trên mạng internet. Người nhiều vốn hơn nữa thì hùn vốn với anh em, bạn bè để mở công ty, quán ăn…
Một trong các công việc được nhiều nhân viên ngân hàng chọn hiện nay để làm thêm là bán bảo hiểm. Họ tận dụng nghề tay phải để làm… tay trái. Qua nhiều năm công tác, nhân viên ngân hàng sẽ có kiến thức và nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực ngân hàng nên dễ dàng tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ của ngành bảo hiểm. Bên cạnh đó, với 1 danh mục các khách hàng doanh nghiệp và cá nhân đang có giao dịch với ngân hàng, họ hoàn toàn có thể dễ dàng tạo niềm tin và tiếp cận với các khách hàng này bằng các sản phẩm bảo hiểm mang tính đặc thù riêng cho từng nhu cầu của khách hàng. Việc thực hiện các giao dịch này có thể thông qua điện thoại hoặc các cuộc gặp được sắp xếp ngoài giờ làm việc của nhân viên ngân hàng với khách hàng.
Nhân viên ngân hàng làm việc thêm trong ngành bảo hiểm với tư cách như là các đại lý bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm. Họ luôn được các doanh nghiệp bảo hiểm quan tâm và hỗ trợ. Họ không chỉ hoạt động một mình, mà đằng sau là muôn vàn những chính sách ưu đãi dành cho người xuất sắc. Ngoài khoản hoa hồng đại lý được quy định, những trợ cấp thêm trong công tác, mỗi năm họ còn nhận được những phần quà hấp dẫn, những chuyến du lịch trong và ngoài nước, những suất học bổng có giá trị lớn… Họ được cấp bằng khen, được ghi danh trong danh sách vàng của công ty nếu hoạt động hiệu quả.
Đối với những cá nhân xuất sắc, ít ai tưởng tượng được mức thu nhập bình quân một năm lên đến vài tỷ đồng. Số lượng hợp đồng họ ký được càng lớn, thì hoa hồng theo phần trăm giá trị hợp đồng họ thu được càng cao. Để đạt được thành công đó, những nhân viên ngân hàng thực hiện tư vấn bảo hiểm chuyên nghiệp luôn coi đó như là 1 nghề chính của mình và dành hết tâm huyết với nghề.
Bên cạnh những thuận lợi đối với nhân viên ngân hàng khi họ làm thêm nghề bảo hiểm, họ cũng đang chịu đựng rất nhiều áp lực từ công việc làm thêm này. Thách thức đầu tiên người làm nghề tư vấn bảo hiểm (TVBH) phải vượt qua chính là rào cản tâm lý cá nhân, phải thực sự yêu nghề để có thể thực sự thắng được “cái tôi” của bản thân mình khi tư vấn cho khách hàng. Trên thực tế, có người vào nghề chỉ được vài tháng, có người tư vấn được vài khách hàng rồi vội vã rút lui.
Hiện nay, xã hội dường như vẫn chưa thực sự xem việc TVBH là một nghề. Cái nhìn của nhiều người về nhân viên TVBH là những người chuyên đi móc tiền từ túi họ để trục lợi, chứ không phải là đến tư vấn giúp họ xây dựng một kế hoạch tài chính dài hạn cho cá nhân và gia đình. Khi nhận thức xã hội chưa hoàn toàn cởi mở với nghề TVBH, thì những thách thức đối với những người hành nghề còn rất lớn và buộc họ phải luôn tự trau dồi kiến thức, văn hóa và nâng cao về nghiệp vụ.
Tóm lại, sự biến động của nền kinh tế làm cho xu hướng làm việc theo ngành nghề cũng thay đổi, tuy ngành ngân hàng không còn “hot’ như trước nhưng cũng không thể phủ nhận một điều rằng: ngành ngân hàng vẫn được đánh giá là một trong những ngành thuộc top đầu về lương cao, tính chất ổn định. Vì thế có công việc ổn định tại một ngân hàng vẫn là mơ ước của nhiều người. Trong tương lai không xa, khi kinh tế ổn định, sự dịch chuyển nhân sự tài chính – ngân hàng có lẽ sẽ lại “nóng” trở lại. Đến thời điểm đó, các nhân viên ngân hàng cũng sẽ quay trở lại công việc chính của mình, đó là 1 “ nhân viên ngân hàng” như trước đây.