Nghèo đói là trường đại học tốt nhất: Chàng trai Quảng Ngãi 29 tuổi bỏ học làm giàu, vươn lên từ quá khứ khổ cực
Sinh ra từ vùng quê "chó ăn đá gà ăn sỏi", thời thơ ấu ngập tràn mùi vị của sự đói nghèo nhưng anh Võ chưa bao giờ tự ti về xuất thân của mình. Trái lại, anh càng được nạp thêm nhiều năng lượng và sự can đảm để thực hiện đam mê kinh doanh của mình.
- 08-05-2020Chuyện ông "thần tài" đi khắp Sài Gòn để bán vé số may mắn: "Có người nói tôi việc nhà không xong mà bày đặt đi giúp người nghèo"
- 07-05-2020Người giàu tặng người nghèo một con trâu, kết quả trâu chết, và bài học dành cho những ai thực sự khát khao đổi đời
- 07-05-2020Cụ bà neo đơn, tàn tật ở Hà Nội từ chối nhận tiền hỗ trợ an sinh để nhường suất cho người nghèo hơn
Chủ nông trại Nấm Xanh Nguyễn Anh Võ cho rằng những khó khăn chính là những bài học tốt nhất trong cuộc đời mình. 24 tuổi mở công ty riêng, doanh thu 2 tỷ/tháng vẫn thất bại; 26 tuổi đầu tư làm nông, 1 năm rưỡi làm không lương nhưng thành quả bước đầu đã chạm tay chàng trai dũng cảm này.
Có được sự can đảm ấy, anh Võ cho rằng những câu chuyện từ thuở ấu thơ chính là bệ đỡ cho hiện tại của anh. Dù có gian khổ đến mấy, anh vẫn không từ bỏ ước mơ của chính mình. Xuất thân là người con của Quảng Ngãi, anh kể lại câu chuyện năm 7 tuổi:
"Tôi còn nhớ mãi mỗi bữa ăn của gia đình chỉ có một cái trứng vịt chiên, mà còn phải đổ thêm nước vào để nó nở to ra, đủ cho 4 người ăn, kho cá thì mẹ tôi kho thiệt mặn, còn rau thì chỉ hái ngoài vườn, luộc chấm mắm thôi. Bữa ăn sáng đôi khi chỉ là một gói mì tôm, nấu với cháo mà mẹ tôi làm cho cả nhà. Cả xóm tôi ai cũng như vậy cả, cái nghèo đã đeo bám cả thôn xóm tôi như vậy.
Quê tôi đất đai không màu mỡ, thời tiết lại khắc nghiệt (một mùa mưa lũ, một mùa hạn hán). Sau này, khi gia đình tôi vào Nam sinh sống, tôi hay nghe người ta nói cái xứ "chó ăn đá gà ăn sỏi", lúc đó tôi mới hiểu."
Năm 11 tuổi, cậu bé Võ theo gia đình chuyển vào Bình Dương. Cái đói cái nghèo vẫn chưa thôi đeo bám gia đình anh. Đôi khi, khó khăn chồng chất khó khăn, người trong cuộc chỉ biết im lặng chấp nhận nghịch cảnh và tự nhủ cố gắng vươn lên mà thôi.
"Tôi nhớ những năm đầu tiên tôi vào miền Nam, tối nào cũng tầm 9h, tôi đạp chiếc xe cộc cạch đi chở mẹ tôi về. Lúc đó chưa có điện thoại, mẹ tôi gánh bánh tráng đi bán dạo. Đầu giờ chiều mỗi ngày, mẹ tôi hay dặn buổi tối sẽ đón ở đâu. Hôm thì ngã tư Linh Xuân, hôm thì cầu vượt Sóng Thần. Bữa nào may mắn, tôi đạp xe lên gặp mẹ tôi liền, không thì đi lòng vòng nửa tiếng là gặp. Năm đó tôi học lớp 6.
Có một đêm, tôi nhớ là hè năm lớp 6 lên 7, khi cả nhà đang ngủ thì mưa giông ập đến, tốc hết mái tôn của phòng trọ - nơi mà 4 người trong gia đình tôi sinh sống. Tôi nhớ lúc đó tôi và chị tôi lo ôm mấy cuốn sách vở chạy núp nhờ nhà cô chú chủ nhà. Cả dãy trọ co ro cúm rúm chờ trời sáng để dọn dẹp.
Hai năm lớp 10 và lớp 11, vì ông bà nội bệnh nặng nên ba tôi phải về quê chăm nom. Lúc đó, tôi làm thay công việc ba tôi, cứ 1 buổi đi học, 1 buổi đi giao hàng với mẹ tôi. Buổi chiều thì hai mẹ con đi 40km mới giao đc hàng rồi quay về, đến nhà cũng 10h tối. Vậy mà mẹ tôi vẫn còn làm việc đến tận 12h mới nghỉ. Còn tôi thì lo học bài, sáng mai lại đến trường."
Ảnh: FBNV.
Cuộc sống khó khăn là thế nhưng điều tuyệt vời nhất mà anh Võ luôn có được là chỗ dựa tinh thần vững chắc. Dù có vất vả đến đâu, mẹ anh Võ vẫn không hề ca thán một câu, thay vào đó là sự nỗ lực để đảm bảo con cái có một cuộc sống vui vẻ, đầy đủ như bạn bè cùng lứa.
Món quà lớn nhất mà anh Võ tặng mẹ đó là thi đậu vào Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh sau mấy tháng ôn thi miệt mài. Tuy nhiên, những năm tháng đại học sớm tan thành mây khói: "Lên lớp thầy cô vẫn dạy như cấp 3, vẫn đứng giảng bài, đọc bài, ở dưới chép bài. Thậm chí còn dễ hơn cả học lớp 12. Thế là tôi bị vỡ mộng. Hoặc cũng có thể do tôi lười biếng, ham chơi quá nên cảm giác như vậy. Cũng có thế đại học là phải tự mày mò, nghiên cứu mà tôi thì không được như vậy."
Khi còn đi học, anh đã từng làm đủ thứ nghề như phụ nhà hàng, phát tờ rơi, làm gia sư, làm hợp đồng thuê Internet. Đến giữa năm 2, có người bạn rủ mở công ty bán giày, thế là anh em cùng nhau hì hụi góp tiền để chuẩn bị: nguồn hàng, website, thuê nhà, đăng ký sàn thương mại điện tử... Sau 2 tháng kinh doanh, anh báo với ba mẹ rằng mình đã bỏ học để đi làm. Mẹ khóc rất nhiều vì trách con trai không chịu học hành đến nơi đến chốn nhưng anh thì cắn răng im lặng muốn thực hiện đam mê kinh doanh của mình đến cùng.
"5 năm bán giày, lên voi xuống chó mấy lần. Cũng có quỹ đầu tư vào công ty, nhưng tôi vẫn thất bại. Lý do lớn nhất vẫn là do bản thân thiếu bản lĩnh, kiến thức và kinh nghiệm." 24 tuổi, có công ty riêng với 40 nhân sự, doanh thu 2tỷ/tháng, lợi nhuận 10-12%, những tưởng cứ theo đà phát triển với suy nghĩ sẽ nghỉ hưu trước 30 tuổi nhưng vì mở rộng thương hiệu quá nhanh, quản lý không tốt, kiến thức không đủ... nên anh đành chấp nhận thua cuộc lần này.
Tháng 4/2017, anh chuyển hướng làm nông nghiệp với hai bàn tay trắng.
Anh nhớ lại: "Năm 2019, tôi với thằng bạn bắt đầu đi chào hàng và giao hàng cho các chợ truyền thống. Ngày nào cũng 5h dậy, 12-1h mới ngủ. 2 thằng làm nửa năm sụt hẳn mấy kg. Sáng sớm đi giao hàng, thời gian còn lại trong ngày làm marketing, R&D sản phẩm mới, học làm kế toán, 11h đêm thì bắt đầu đi chở hàng.
Lúc đó, sáng nào cũng phải dậy sớm, thứ 7, chủ nhật người ta lấy nhiều hàng hơn lại càng phải dậy sớm hơn. Chất nấm lên xe, đi giao xong cũng tầm 7h. Bữa nào tinh thần sung thì không nói, có hôm uể oải vô cùng, chán nản vô cùng, vì làm nấm không có lời nhiều, mà cực vô cùng luôn. Lúc đó tôi chỉ nghĩ duy nhất một điều, hãy cứ cố gắng, kiên trì rồi thành quả sẽ đến. Những công ty vĩ đại trên thế giới có khi mất tới vài chục năm mới bắt đầu tăng trưởng, mới tìm ra hướng đi để định hình về sau.
Ảnh: FBNV.
Cũng nhờ thời gian đó, tôi đọc 2 cuốn sách: "Từ tốt đến vĩ đại" và "Tất cả khó khăn chỉ là thử thách" và tôi cảm thấy những khó khăn mình đang gặp phải cũng nhỏ thôi. Rồi nghĩ đến sự cực khổ mà mẹ tôi đã trải qua thì khó khăn của tôi có là gì đâu.
Tôi là đứa dốt kế toán, dốt với các con số nên hầu như ghi chép số liệu rất lộn xộn, nhưng giờ phải thay đổi lại, phải chỉn chu, phải ghi rõ ràng từng khoản, tách bạch thu chi cá nhân và công ty. Cũng vật lộn cả năm mới bài bản được phần kế toán, ghi chép số liệu."
Với anh Võ giữa năm 2018 đến tháng 10/2019 là một năm tuyệt vời khi mà có những người bạn, những anh em đặt niềm tin tuyệt đối và chiến đấu cùng. 1,5 năm làm việc không lương nhưng team 5 người họ vẫn kề vai sát cánh, cùng nhau giải quyết những khó khăn và vươn lên phía trước.
Tháng 8/2019, anh nhận được một cuộc gọi từ một tập đoàn lớn. Sau 2 tháng gắt gao kiểm duyệt, cuối cùng nông trại của anh cũng được kí hợp đồng. Anh đã sung sướng tới nỗi khóc suốt quãng đường 20 km từ Hóc Môn lên Quận 1 để gặp bạn.
"Cho đến lúc ký được hợp đồng với một chuỗi công ty lớn, rồi những hợp đồng tiếp theo với một vài công ty tại TP. Hồ Chí Minh, suốt một thời gian dài, tôi cũng không dám khoe hay post Facebook trừ những người thân và bạn bè vì tôi sợ như công ty trước đây, quảng cáo rầm rộ quá cũng không tốt. Cứ im im mà làm thôi." Chủ hai trại nấm 5.000 m2 tiếp tục bày tỏ: "Dẫu biết phía trước sẽ còn rất nhiều khó khăn và thử thách, tuy nhiên tôi luôn tin một điều rằng: kiên trì đến cùng rồi sẽ thành công."
Báo Dân sinh