Nghị định 08: Những hiệu ứng tích cực ban đầu
Áp lực thanh toán trái phiếu đến hạn đè nặng lên các nhà phát hành, nhưng với việc Nghị định 08/2023/NĐ-CP đã được ban hành, lợi ích của trái chủ và nhà phát hành có thể được đảm bảo cả từ hai phía.
- 31-03-2023Nghị định 08: Tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu, củng cố niềm tin nhà đầu tư
- 08-03-2023VNDirect: Nghị định 08 tạo ra hành lang pháp lý cần thiết, nhưng để phục hồi thị trường TPDN vẫn cần thêm nhiều giải pháp khác
- 08-03-2023VCBS: Nghị định 08 là bước đầu tiên tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu
Những tín hiệu tích cực ban đầu
Theo báo cáo của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đáo hạn trong quý I/2023 ước đạt 30.655 tỷ đồng, tăng 246,7% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, áp lực đáo hạn sẽ gia tăng mạnh mẽ trong quý II và quý III/2023 với giá trị lần lượt là 93.139 tỷ đồng, tăng 169% so với cùng kỳ; và 89.488 tỷ đồng, tăng 49,9% so với cùng kỳ. Sau giai đoạn này, giá trị đáo hạn trong quý IV/2023 sẽ “hạ nhiệt” 33,4% so với quý trước, về mức 59.571 tỷ đồng. Ước tính, trong cả năm 2023, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn sẽ đạt khoảng 272.853 tỷ đồng, tăng 76,6% so với năm 2022.
Trước áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp rất lớn trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP ngày 5/3/2023 sửa đổi, bổ sung và tạm ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế; qua đó đã quy định cơ chế xử lý trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đến hạn.
Những hiệu ứng tích cực ban đầu với thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã xuất hiện. Mới đây, Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc NoVa (Novaland - HoSE: NVL) công bố thông tin gia hạn ngày đáo hạn đối với 2 lô trái phiếu trị giá 1.750 tỷ đồng, sau khi đạt được thỏa thuận với các trái chủ. Trong thời gian gia hạn, lãi suất 2 lô trái phiếu là 11,5%/năm, cao hơn lãi suất cố định trước đây là 10,5%. Đồng thời, đại diện trái chủ của 2 lô trái phiếu là Công ty chứng khoán BSC và Công ty chứng khoán PSI cũng đã đồng ý sẽ không tuyên bố sự kiện vi phạm đối với trái phiếu theo thời gian quy định.
Theo Novaland, vừa qua các biến động từ kinh tế vĩ mô cũng như các chính sách kiểm soát tín dụng bất động sản, vướng mắc pháp lý... đã ảnh hưởng và gây khó khăn về thanh khoản cho hàng loạt các doanh nghiệp bất động sản, trong đó Novaland cũng không ngoại lệ. Vì vậy, công ty đã nỗ lực đàm phán cùng trái chủ để đưa ra phương án thanh toán tiền gốc trái phiếu phù hợp với thực tế dòng tiền của doanh nghiệp.
Cụ thể, Novaland đề xuất các phương án bao gồm giãn thời hạn thanh toán tiền gốc trái phiếu trong thời gian phù hợp, hoặc hoán đổi tiền gốc trái phiếu với các sản phẩm bất động sản do công ty đang đầu tư và phát triển. Việc công ty đưa ra các đề xuất nêu trên hoàn toàn xuất phát từ sự kiện bất khả kháng theo các biến động không thể lường trước của thị trường và phù hợp với quy định tại văn kiện phát hành trái phiếu (theo Điều 15 các điều khoản và điều kiện trái phiếu).
Đại diện Novaland cho rằng, các phương án đề xuất này đảm bảo về mặt pháp lý và phù hợp với định hướng xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu trong bối cảnh hiện nay của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Đồng thời, đây cũng là những giải pháp phù hợp để đảm bảo hài hòa lợi ích cho các trái chủ trong bối cảnh hiện tại.
Sẽ tác động tích cực đến thị trường tài chính
Dưới góc độ luật pháp, Luật sư Trần Đức Phượng nhận định, đề xuất cho phép doanh nghiệp phát hành được gia hạn kỳ hạn trái phiếu thêm 2 năm, cũng như tạm hoãn 1 năm thực hiện đối với một số quy định khác sẽ giúp cho những doanh nghiệp đang gặp khó khăn chịu áp lực đáo hạn trái phiếu có cơ hội tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, có thêm thời gian để xoay xở dòng tiền trả nợ, tránh gây ra những tác động xấu đến thị trường bởi bản chất thị trường bất động sản - chứng khoán - ngân hàng có mối liên thông mật thiết với nhau, nếu không xử lý khéo léo sẽ rất dễ gây ra các hệ lụy. Còn xét dưới góc độ quy định luật pháp, việc gia hạn trái phiếu đến kỳ đáo hạn hoàn toàn phù hợp với căn cứ pháp lý hiện hành, cũng như dựa trên sự đồng thuận của cả hai bên trái chủ và doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Đồng quan điểm, TS. Đinh Thế Hiển - Chuyên gia kinh tế nhận định, dự báo trong vòng 3 năm tới, lượng trái phiếu đến kỳ đáo hạn sẽ rất lớn, trong đó lượng trái phiếu bất động sản chiếm một tỷ trọng không nhỏ. Do các thị trường tài chính tiền tệ - bất động sản có mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau, nên việc gia hạn trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ tác động tích cực đến thị trường tài chính, ngân hàng, tránh những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế đang trong quá trình hồi phục hiện nay.
“Xét trong tình huống ngắn hạn thì Nhà nước đang tích cực để xử lý vấn đề này một cách “mềm mại, linh động”, tuy nhiên về lâu dài dưới góc độ quản lý sẽ tiềm ẩn không ít rủi ro. Vì vậy, để giảm áp lực đảo nợ trái phiếu đến kỳ hạn cho các nhà phát hành, Chính phủ và các cơ quan bộ, ngành cần sớm giải quyết các vụ việc vi phạm, tiếp tục khơi thông kênh tín dụng ngân hàng, phát hành trái phiếu đúng chuẩn. Đồng thời, các nhà phát hành trái phiếu phải xem xét, cơ cấu lại danh mục tài sản để có dòng tiền trả nợ đúng hạn. Nếu quá khó khăn, doanh nghiệp có thể đàm phán với trái chủ gia hạn, hoặc phải chấp nhận bán đi một phần tài sản để thực hiện đúng cam kết, củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư và thị trường”, TS. Đinh Thế Hiển phân tích.
Thời báo ngân hàng