Nghỉ hưu vẫn chiếm đoạt được hơn 3,5 tỷ đồng từ lừa xin việc và “chạy án”
Từng là giáo viên nhưng sau khi nghỉ hưu, Nguyễn Thị Kim Dung (61 tuổi, trú tại xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) không an hưởng tuổi già, làm việc có ích cho gia đình và xã hội mà liên tiếp gây ra hai vụ lừa đảo xin việc và chạy án, chiếm đoạt số tiền lớn. Chiều muộn 10-9, TAND TP Hà Nội đã kết thúc phiên toà hình sự sơ thẩm xét xử vụ án này.
Lừa “chạy án” chiếm đoạt 1,5 tỷ đồng 3 mẹ con “hùa nhau lừa chạy án” giá 40 triệu đồng Lừa xin việc vào cơ quan Nhà nước, chiếm đoạt hơn 6,6 tỷ đồng
Trước đó ngày 12-7-2016, cơ quan CSĐT Công an huyện Mỹ Đức (Hà Nội) nhận được đơn của ông Bạch Văn Quang (52 tuổi, ở huyện Mỹ Đức) tố cáo Nguyễn Thị Kim Dung lừa đảo chiếm đoạt 130 triệu đồng bằng thủ đoạn hứa hẹn xin cho con gái ông đỗ công chức và đi dạy tại một trường mầm non trên địa bàn huyện.
Cùng với đơn của ông Quang, cơ quan điều tra còn nhận được 18 đơn của những người khác tố cáo Dung có hành vi lừa đảo qua việc xin giảm án, xin việc làm...
Kết quả điều tra xác định, Dung là giáo viên nghỉ hưu, không có chức năng tuyển sinh, tuyển dụng và không có khả năng xin được việc làm, xin giảm án, thi đỗ viên chức tại các cơ sở y tế, giáo dục trên địa bàn TP Hà Nội. Tuy nhiên, Dung vẫn dùng thủ đoạn gian dối khi đưa ra các thông tin không có thật để người dân tin tưởng đưa tiền cho Dung và chị ta đã chiếm đoạt luôn của họ.
Bị cáo Dung tại phiên xử. |
Theo đó năm 2014, con gái ông Quang dự thi viên chức giáo viên hệ mầm non trên địa bàn huyện Mỹ Đức. Thời gian này, ông Quang được người quen cho biết Dung có khả năng xin thi đỗ viên chức nên tới gặp và đặt vấn đề nhờ Dung lo giúp.
Dung nói với ông Quang, mình có người quen làm ở Sở Nội vụ TP Hà Nội nên có khả năng lo thi đỗ viên chức ngành Giáo dục. Sau đó, Dung hứa hẹn sẽ “giúp đỡ”con gái ông Quang thi đỗ viên chức.
Đổi lại, ông Quang phải đưa cho Dung 100 triệu đồng. Hai ngày sau, ông Quang mang số tiền trên tới cho Dung và người phụ nữ này đưa cho con gái ông Quang một bộ hồ sơ thi viên chức giáo viên mầm non để đăng ký thi tuyển.
Ít lâu sau, Dung tiếp tục yêu cầu ông Quang đưa thêm 30 triệu đồng vì lý do việc thi tuyển viên chức năm nay khó khăn, cần thêm tiền để quan hệ. Một lần nữa, ông Quang lại đáp ứng yêu cầu của Dung.
Sau khi nhận tiền của ông Quang, Dung không làm bất việc gì để “lo” cho con ông Quang thi đỗ viên chức. Vậy nên khi nhận được thông báo không đỗ công chức của con gái, ông Quang đã gọi điện hỏi Dung sự việc.
Qua điện thoại, Dung nói phải chờ tiếp vì “Con gái ông nằm trong xuất ưu tiên, đối ngoại của lãnh đạo”. Chờ đến cuối năm 2014, ông Quang vẫn không thấy con mình có quyết định công tác nên yêu cầu Dung trả lại số tiền trên nhưng Dung không trả.
Một bị hại khác trong vụ án này là ông Bùi Thanh Loan (59 tuổi, ở huyện Mỹ Đức). Năm 2016, hai người con trai của ông Loan bị TAND quận Đống Đa (Hà Nội) xét xử sơ thẩm về tội cướp tài sản và tuyên phạt mức án lần lượt từ 25 đến 26 tháng tù.
Sau phiên sơ thẩm, hai con ông Loan kháng cáo lên Toà án cấp phúc thẩm xin giảm nhẹ hình phạt. Trong thời gian chờ phiên toà phúc thẩm diễn ra, ông Loan được người quen cho biết, Dung có khả năng xin giảm án cho những trường hợp như con ông. Tưởng thật, ông Loan cùng người quen tìm tới nhà Dung đặt vấn đề xin cho hai con trai được vô tội.
Dung ra giá: 25 tháng tù bằng 250 triệu đồng, 26 tháng tù bằng 260 triệu đồng. Tổng cộng, Dung yêu cầu ông Loan phải chi số tiền “chạy án” cho hai con ông là 510 triệu đồng. Dung yêu cầu ông Loan phải đưa trước một số tiền, khi nào con ông được tuyên vô tội thì đưa nốt số tiền còn lại.
Sau lần gặp trên, ông Loan và con dâu đã đưa cho Dung tổng số tiền 415 triệu đồng. Nhận tiền, Dung cam kết đến ngày 7-8-2016, một người con của ông Loan sẽ được ra tù.
Tuy nhiên đến hẹn, Dung không thực hiện được như đã hứa. Khi ông Loan yêu cầu Dung trả lại tiền thì người phụ nữ này tiếp tục lừa dối và hứa hẹn “sẽ thực hiện được lời hứa” với điều kiện, ông phải chi thêm 30 triệu đồng.
Nhưng thực tế thì Dung không thực hiện được những gì đã nói và cũng không trả lại tiền cho bị hại. Kết quả điều tra xác định, từ năm 2014 đến năm 2015, Dung đã sử dụng các chiêu trò gian dối để lừa đảo chiếm đoạt của 19 người với tổng số tiền hơn 3,5 tỷ đồng.
Tại phiên xử, bị cáo Dung thừa nhận hành vi phạm tội như trên. HĐXX xác định, hành vi phạm tội của bị cáo là rất nghiêm trọng vì đã chiếm đoạt của nhiều người với số tiền rất lớn.
Hành vi của bị cáo đã gây ảnh hưởng lớn vào hoạt động đúng đắn của các cơ quan Nhà nước, gây mất uy tín cho tổ chức và những cá nhân có trách nhiệm khi Dung đưa tên, chức danh của họ làm “bình phong” để dễ thực hiện hành vi lừa đảo. Sau khi vụ án xảy ra, Dung mới chỉ hoàn trả được 100 triệu đồng, số tiền còn lại Dung không trả cho các bị hại.
Trước khi gây ra vụ án này, năm 2014, Dung đã có một tiền án 3 năm tù (án treo) cũng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng bị cáo không có ý thức sửa chữa sai lầm mà tiếp tục tái phạm với mức độ nghiêm trọng nên cần phải áp dụng hình phạt nghiêm khắc mới tương xứng với hành vi.
Với phán quyết trên, HĐXX đã tuyên phạt bị cáo Dung 16 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tổng hợp với hình phạt của bản án cũ, HĐXX buộc bị cáo Dung phải thi hành hình phạt chung của hai bản án là 19 năm tù (chuyển 3 năm tù án treo thành 3 năm tù giam).
Ngoài hình phạt tù, HĐXX còn buộc bị cáo Dung phải bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt cho bị hại theo quy định của pháp luật.
Công an nhân dân