MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị quyết lịch sử thứ 3 của TQ: Vén màn bước ngoặt đặc biệt về địa vị của ông Tập Cận Bình

21-10-2021 - 09:24 AM | Tài chính quốc tế

Nghị quyết lịch sử thứ 3 của TQ: Vén màn bước ngoặt đặc biệt về địa vị của ông Tập Cận Bình

"Nghị quyết lịch sử" thứ ba của đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sắp được ra mắt tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương đảng vào tháng 11 tới.

Hội nghị toàn thể trung ương 6 của ĐCSTQ, diễn ra trong thời gian 8-11/11, dự kiến thông qua nghị quyết về những thành tựu của đảng trong 100 năm qua, trong đó ghi nhận những thành tựu của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

01. Ý nghĩa của "Nghị quyết lịch sử" thứ ba

Tại sao ĐCSTQ lại thúc đẩy sự ra đời của"Nghị quyết lịch sử" thứ ba vào thời điểm này?

Bộ Chính trị ĐCSTQ nêu: "Tổng kết những thành tựu chủ yếu và kinh nghiệm lịch sử của Đảng trong một thế kỷ đấu tranh nhằm nâng cao nhận thức chính trị, nhận thức tình hình chung, củng cố lòng tự tin, lý luận của bản thân… kiên quyết giữ vững vị trí nòng cốt của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ, của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, kiên quyết giữ vững sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Ban chấp hành Trung ương ĐCSTQ và bảo đảm cho toàn đảng đồng lòng tiến lên…".

Từ trước đến nay, ĐCSTQ đã thông qua hai nghị quyết lịch sử, đó là "Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử" tại Hội nghị toàn thể lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 6 vào năm 1945 và "Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của đảng kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa" tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 11 vào năm 1981.

Cả hai nghị quyết lịch sử trên đều là những bản tổng kết được thực hiện tại những bước ngoặt quan trọng trong lịch sử ĐCSTQ, lần lượt xác lập các địa vị cốt lõi của Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Từ lúc Mao Trạch Đông trở thành người nắm quyền lực trung tâm trong giai đoạn đầu tiên của ĐCSTQ cho đến khi ông qua đời năm 1976, khoảng thời gian này kéo dài hơn 30 năm. Thời đại Đặng Tiểu Bình cũng lấy đây làm điểm khởi đầu, với ảnh hưởng và địa vị của Đặng bao trùm cả thời kỳ lãnh đạo của các ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào.

Nghị quyết lịch sử thứ 3 của TQ: Vén màn bước ngoặt đặc biệt về địa vị của ông Tập Cận Bình - Ảnh 1.

Từ trái qua: Các ông Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Tập Cận Bình

Trung Quốc đã bước vào kỷ nguyên Tập Cận Bình kể từ khi ông nhậm chức Tổng Bí thư ĐCSTQ vào năm 2012.

Tại Hội nghị toàn thể lần thứ 6 của Ban Chấp hành Trung ương ĐCSTQ khóa 18 vào năm 2016, ông được xác lập làm nòng cốt lãnh đạo, và sau đó đề xuất khái niệm "Kỷ nguyên mới" tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ lần thứ 19 ĐCSTQ vào năm 2017. Tư tưởng Tập Cận Bình về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc đã được ghi vào Điều lệ ĐCSTQ; các giai đoạn do Mao, Đặng và Tập lãnh đạo chính thức đi vào văn kiện của ĐCSTQ.

Trung Quốc là quốc gia rất chú trọng lịch sử và văn hóa xã hội, chú trọng tính kế thừa lịch sử. Các nhân vật chính trị cũng chú ý đến lịch sử và uy tín. "Lịch sử" luôn là mệnh đề cốt lõi của nền chính trị quốc gia, mặc dù ĐCSTQ là một đảng theo chủ nghĩa Mác, nhưng nó vẫn mang bản chất của văn hóa truyền thống Trung Quốc.

Trang Đa Chiều bình luận, đối với Trung Quốc, việc xác lập địa vị người lãnh đạo trong các văn kiện chính trị nhằm tuyên bố vị thế, hình ảnh của nhà lãnh đạo trong tiến trình lịch sử, rất có tác dụng trong việc củng cố địa vị cốt lõi và quyền lực chính trị của người lãnh đạo.

02. Tập Cận Bình và những mục tiêu lịch sử

Một khía cạnh khác là cần đạt được những mục tiêu lịch sử mới. Điều đó có nghĩa là, như báo cáo cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ vào tháng 9/2021 đã nói: "Thúc đẩy tự cách mạng trong nội bộ đảng, nâng cao khả năng chiến đấu và ứng phó với nguy cơ và thách thức của đảng, giữ vững sức sống của đảng, đoàn kết và lãnh đạo nhân dân các dân tộc trên cả nước thực hiện 'Giấc mộng Trung Hoa'."

Theo Đa Chiều, vào thời điểm "chuyển giao trăm năm" của ĐCSTQ (1921-2021), việc tổng kết kinh nghiệm và bài học kinh nghiệm trong một trăm năm qua là rất quan trọng để củng cố hơn nữa vị trí cốt lõi của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 ĐCSTQ vào năm tới - khi ông kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 trong vai trò Tổng Bí thư, và để thực hiện mục tiêu của 100 năm tiếp theo.

Nghị quyết lịch sử thứ 3 của TQ: Vén màn bước ngoặt đặc biệt về địa vị của ông Tập Cận Bình - Ảnh 2.

Từ trái qua: Các ông Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình, Giang Trạch Dân

Năm 2021 là năm cuối cùng của "kỷ nguyên 100 năm thứ nhất" của ĐCSTQ và cũng bắt đầu "kỷ nguyên 100 năm thứ hai".

Trong năm nay, Trung Quốc tuyên bố đã hoàn thành mục tiêu xây dựng một xã hội khá giả toàn diện và bắt đầu hướng tới các mục tiêu thế kỷ mà ông Tập Cận Bình đã vạch ra tại Đại hội toàn quốc lần thứ 19 ĐCSTQ, "đoàn kết và lãnh đạo nhân dân Trung Quốc bước trên con đường mới để đạt được mục tiêu đấu tranh trong 'kỷ nguyên 100 năm thứ hai'".

Trong 100 năm tiếp theo, Trung Quốc sẽ thực hiện "hiện đại hóa lần thứ 5" hệ thống quản trị và năng lực quản trị quốc gia, xây dựng Trung Quốc trở thành một "nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, hùng mạnh", hoàn thành thống nhất đất nước và đạt được thịnh vượng chung. Nhiệm vụ lịch sử trước mắt cũng được cho là mục tiêu mà ông Tập Cận Bình đã đặt ra cho mình.

Nhưng việc đạt được mục tiêu này sẽ không bao giờ "thuận buồm xuôi gió". Bởi vì sự trỗi dậy của Trung Quốc đã tác động tới cấu trúc thế giới do phương Tây thống trị trong hàng trăm năm qua, và nó đặc biệt xung đột với quyền bá chủ của Mỹ.

Quan hệ Trung Quốc - phương Tây, đặc biệt là quan hệ Trung - Mỹ đang trải qua một giai đoạn lịch sử khó khăn. Sự đan xen giữa rủi ro quản trị nội bộ với môi trường nguy hiểm bên ngoài đã trở thành thách thức to lớn mà Trung Quốc phải vượt qua trong những thập kỷ tới.

Theo Hữu Hiển

Doanh nghiệp & Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên