MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghị quyết mới về phát triển du lịch hiệu quả: Tháo gỡ điểm nghẽn, hút khách hạng sang

Chính phủ ban hành Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Tái cơ cấu thị trường khách du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách quốc tế đến Việt Nam đặc biệt là khách hạng sang nằm trong số nhiệm vụ quan trọng, cần ưu tiên.

Bảy nhiệm vụ trọng tâm

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 (Tổng cục Thống kê) cho thấy, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt hơn 3,6 triệu lượt, gấp 19,2 lần cùng kỳ năm 2022, đạt 46% mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế cả năm 2023. Đây là bước đà thuận lợi để phát triển du lịch, song trước mắt còn nhiều hạn chế .

Nghị quyết 82/NĐ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững chỉ rõ một số khó khăn cần tháo gỡ: hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư vào du lịch chưa đột phá, chiến lược thị trường, chính sách xúc tiến chưa kịp thời điều chỉnh trước những biến động, sản phẩm du lịch thiếu đa dạng, các dịch vụ lưu trú, thương mại, vận tải... chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế, thiếu sự liên kết trong phát triển sản phẩm du lịch, hệ thống hạ tầng phục vụ nghỉ dưỡng, mua sắm, tổ chức sự kiện... chưa đồng bộ. Chính sách visa cho khách quốc tế chưa ưu đãi, do thời hạn tạm trú ngắn.

Nghị quyết mới về phát triển du lịch hiệu quả: Tháo gỡ điểm nghẽn, hút khách hạng sang - Ảnh 1.

Du lịch Việt Nam cần tái cơ cấu thị trường, tích cực thu hút khách có mức chi tiêu cao.

Với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện" đưa du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nằm trong nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh hàng đầu thế giới, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành đồng loạt triển khai giải pháp cụ thể.

Bảy nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch như: đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia, phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực...

Ông Nguyễn Ngọc Bích, Giám đốc Mekong Rustic Travel cho biết, điều đầu tiên cần quan tâm là cơ chế thông thoáng về visa cho khách quốc tế. “Cơ chế visa thông thoáng đảm bảo du khách quốc tế có thể dễ dàng đến du lịch Việt Nam. Chính sách về visa bao gồm visa điện tử và việc miễn thị thực cho các nước, thị trường du lịch mà Việt Nam đang hướng đến. Muốn như vậy cần tăng số ngày miễn visa cho du khách đến từ các thị trường du lịch trọng điểm”, ông Nguyễn Ngọc Bích nêu.

Một "nút thắt" đòi hỏi cần được tháo gỡ ngay là giá vé máy bay quá cao. Trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, hầu như các điểm du lịch cần di chuyển bằng máy bay tại Việt Nam như Phú Quốc, Nha Trang… không đón được đông đảo khách nội địa như kỳ vọng. Giá vé máy bay thời điểm này tăng cao chót vót, khiến du lịch Việt thua ngay trên sân nhà, các chủ doanh nghiệp du lịch, lữ hành luôn mong ngóng sự điều tiết của các cơ quan quản lý nhà nước.

“Thời gian vừa qua giá dịch vụ hàng không rất cao dẫn đến việc bán tua rất khó khăn. Sự phối hợp giữa các nhà cung cấp vé máy bay, khách sạn, nhà hàng, đơn vị vận chuyển… chưa chặt chẽ nên việc xây dựng một sản phẩm tua với giá cả phù hợp khá khó khăn. Điều này giảm sự cạnh tranh của du lịch Việt Nam so với các nước trong khu vực”, ông Nguyễn Ngọc Bích nêu.

Nghị quyết mới về phát triển du lịch hiệu quả: Tháo gỡ điểm nghẽn, hút khách hạng sang - Ảnh 2.

Phú Quốc thưa vắng khách nội địa do giá vé máy bay tăng cao.

Giảm sức ì

Ông Nguyễn Quyết Tâm (Ban chấp hành Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam) khẳng định, sau dịch COVID -19, nguồn nhân lực của ngành du lịch suy giảm đáng kể. Tính kết nối giữa các nhà cung cấp còn yếu nên chưa thể tạo ra hệ sinh thái khép kín và các sản phẩm du lịch đa dạng. Nếu hàng không, dịch vụ lưu trú “đứng một mình”, giá cả rất đắt đỏ và gây sức ì cho du lịch.

“Du lịch Việt Nam có tính phục hồi cao, có nền tảng phát triển là các yếu tố văn hóa truyền thống, tài nguyên thiên nhiên phong phú. Việt Nam cần sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, quốc tế và những hoạt động xúc tiến, quảng bá bài bản”, ông Tâm nói.

Nhìn sang các quốc gia như Thái Lan, Singapore…dễ thấy nước bạn đi rất nhanh trong phục hồi du lịch. “Phát triển du lịch xanh, du lịch bền vững là hai giải pháp quan trọng Việt Nam cần hướng đến thay vì tâm lý làm kinh doanh bóc ngắn cắn dài. Du lịch phải phát triển theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao”, ông Tâm đề xuất.

Trong nhóm giải pháp quan trọng được nêu trong Nghị quyết 82/NĐ-CP, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. Ông Nguyễn Quyết Tâm phân tích, chuyển đổi số giúp tối ưu chi phí, tối đa lợi nhuận, giống như cách nói vui “nằm ngủ tiền vẫn rơi vào đầu”. “Khách hàng tìm kiếm, thanh toán sản phẩm đều qua hình thức tự động. Chuyển đổi số giúp doanh nghiệp tiếp cận khách hàng nhanh chóng, thuận lợi trên đa kênh. Với cách quảng bá truyền thống, các doanh nghiệp chỉ thông qua hình thức bán vé, chờ tới ngày tới giờ đón khách đi”, ông Tâm cho biết.

Trong khi đó, khi có đủ dữ liệu đầu vào, công nghệ chuyển đổi số giúp phân tích hành vi, nhu cầu của khách hàng và hỗ trợ nâng cao trải nghiệm của họ. Chuyên gia cho rằng, nếu biết cách khai thác, phần mềm ChatGPT cũng giúp xây dựng sản phẩm du lịch mang tính đặc thù, phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chiến dịch quảng bá du lịch tới các thị trường trọng điểm còn chưa được đầu tư bài bản. Nhìn vào nước bạn Thái Lan, ông Nguyễn Ngọc Bích cho rằng, Việt Nam cần tìm hiểu thật kỹ về nhu cầu khách hàng tại các thị trường mục tiêu để xây dựng những câu chuyện, chương trình thu hút du khách quốc tế.

Thanh, kiểm tra chất lượng cơ sở lưu trú trên cả nước

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) dự kiến, từ tháng 6-10/2023 kiểm tra chất lượng hệ thống cơ sở lưu trú du lịch Việt Nam năm 2023, cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng sao trong cả nước, các cơ sở lưu trú du lịch quảng bá không đúng chất lượng dịch vụ, quảng cáo, niêm yết không đúng hạng sao hoặc quảng bá hạng sao khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Dịp này, Bộ VHTTDL rà soát, đánh giá lại toàn bộ đội ngũ cán bộ, nhân viên đang làm việc trong cơ sở lưu trú du lịch, có kế hoạch tuyển dụng, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề và nâng cao thái độ ứng xử văn minh cho nhân viên, thay thế, điều chuyển những nhân viên hạn chế về chuyên môn sang bộ phận khác phù hợp.

Thanh tra Bộ VHTTDL tăng cường kiểm tra, xử lý, chấn chỉnh đối với các cơ sở lưu trú du lịch quảng bá không đúng chất lượng dịch vụ, quảng cáo, niêm yết không đúng hạng sao hoặc quảng bá hạng sao khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận, đặc biệt kiểm tra, rà soát việc quảng bá hạng cơ sở lưu trú du lịch trên các trang mạng xã hội, hệ thống đặt phòng trực tuyến.


Theo Gia Linh - Ngọc Ánh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên