Nghĩ rằng chống nhập cư sẽ mang lại việc làm cho người Mỹ, ông Trump đang dẫm vào "vết xe đổ" của người tiền nhiệm Kennedy?
Chính sách nhập cư tương tự trong những năm 1960 không giúp tăng lương của người Mỹ và chính sách hiện nay có lẽ cũng có chung kết quả.
- 16-03-2017Toà Hawaii chặn lệnh nhập cư mới của Trump trên toàn quốc
- 01-03-2017Trump lần đầu nhận sai, ngỏ ý chấp nhận người nhập cư
Nhiều người Mỹ đổ lỗi cho người nhập cư Mexico vì vấn đề lương thấp và buộc tội họ cướp đi việc làm của những người Mỹ chân chính. Một tổng thống Mỹ từng phát biểu: “ Chúng ta không thể xem nhẹ tình trạng này. Chúng ta không thể tha thứ”. Người nhập cư phải quay về đất nước của họ và không được phép quay trở lại Mỹ.
Đây là những gì xảy ra vào đầu những năm 1960. Khi đó, người lãnh đạo nước Mỹ là tổng thống John F. Kennedy. Ông Kennedy đã quyết định thực hiện chương trình bracero, trong đó, mỗi năm chỉ cho phép 500.000 người Mexico sang Mỹ làm việc thời vụ tại các nông trường.
Tình hình khi đó rõ ràng có khá nhiều điểm tương đồng với tình hình nước Mỹ hiện nay. Ông Donald Trump cũng than phiền rằng dân nhập cư đang cướp đi những công việc tốt của người Mỹ và hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề này. Vì vậy, hiện nay là thời điểm thích hợp để đánh giá lại kế hoạch bracero cũng như sự thất bại của kế hoạch này.
Một nhóm các chuyên gia gồm Michael Clemens và Hannah Postel từ Trung tâm Phát triển Toàn cầu và Ethan Lewis từ trường Đại học Dartmouth đã sử dụng các hồ sơ lưu trữ về vấn đề việc làm và mức lương trong lĩnh vực nông nghiệp của Mỹ để đánh giá quyết định của ông Kennedy. Liệu chấm dứt chương trình bracero vào năm 1964 có giúp tăng lương và tạo ra nhiều việc làm cho người Mỹ trong lĩnh vực nông nghiệp?
Câu trả lời chắc chắn là không. Ở các bang nông nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào lao động nước ngoài như California và Texas, người dân bản địa Mỹ đúng là đã tìm được việc làm liên quan đến nông nghiệp giữa những năm 1960 sau khi bracero chấm dứt. Tuy nhiên, tỉ lệ này là không lớn và chỉ mang tính tạm thời; chỉ trong vòng một vài năm sau đó, tình trạng giảm việc làm trong nông nghiệp lại tiếp diễn. Xu hướng này cũng diễn biến tương tự tại các bang không áp dụng bracero.
Tương tự, mức lương trong các ngành nông nghiệp tăng ở các bang sử dụng nhiều lao động nhập cư, và ở cả các bang sử dụng ít hoặc không sử dụng lao động nhập cư. Rõ ràng kết thúc bracero dường như đã tác động không nhỏ tới công nhân Mỹ.
Các chuyên gia đã chỉ ra hai nguyên nhân vì sao việc chấm dứt bracero lại không hiệu quả. Lý do không phải vì sau khi bracero kết thúc, các nông trường chuyển sang tuyển dụng lao động là dân nhập cư bất hợp pháp hay dân nhập cư hợp pháp từ các quốc gia khác. Trên thực tế, đến tận những năm 1970 thì việc sử dụng lao động là dân nhập cư bất hợp pháp mới bắt đầu. Lý do thực sự là người dân nhập cư Mexico đã được thay thế bằng máy móc.
Trong những năm 1960, một vài công việc trong lĩnh vực nông nghiệp như hái cà chua hay thu hoạch bông và củ cải đường có thể được tự động hoá khá dễ dàng. Và việc chấm dứt bracero dường như đã đẩy nhanh tốc độ cơ giới hoá trên các cánh đồng cà chua ở California.
Với các loại cây trồng khác như rau diếp và măng tây, việc thu hoạch vẫn cần đến bàn tay con người; và trước xu hướng cơ giới hoá mạnh, sản xuất các loại nông sản này cũng giảm theo. Chính vì vậy, dù bracero kết thúc, nhưng người dân Mỹ vẫn không có thêm việc làm, đồng thời, mức lương cũng không tăng lên.
Ngày nay, nước Mỹ có một phương pháp tăng lương công nhân trực tiếp hơn: đó là buộc chủ trang trại phải trả lương công nhân cao hơn. Tại California, bang nông nghiệp quan trọng nhất nước Mỹ, các chính trị gia đảm bảo công nhân nhận được ít nhất 15 USD/giờ lao động đến năm 2023.
Trước động thái này, chủ tịch của Liên đoàn Nông dân Nisei, ông Manuel Cunha, phàn nàn về những cải cách đắt đỏ khác như bắt buộc phải trả tiền làm thêm giờ cho công nhân làm trên 8 tiếng một ngày. Ông cũng cho biết các chủ trang trại hiện nay đang dần chuyển đổi từ trồng trọt các loại nông sản đòi hỏi chăm sóc kỹ lưỡng sang những loại nông sản có thể thu hoạch bằng máy móc.