Nghịch lý: Cổ phiếu bị nhà đầu tư nội "ghét cay ghét đắng" nhưng khối ngoại săn đón ở Trung Quốc
Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã săn đón cổ phiếu của công ty bảo hiểm Ping An, Trung Quốc trong khi các nhà đầu tư nội chẳng tỏ chút mặn mà với nó và bán thẳng tay.
Công ty bảo hiểm lớn nhất Trung Quốc theo giá trị thị trường Ping An đang là món hàng hot với các nhà đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng trong 9 tháng đầu năm 2018, các nhà đầu tư nước ngoài đã đổ 2,4 tỷ USD vào cổ phiếu của công ty. Đây cũng là con số kỷ lục mà không công ty nào ở Trung Quốc đạt được.
Trong khi đó, các nhà đầu tư Trung Quốc lại tỏ ra chẳng mặn mà gì với Ping An. Họ đã bán cổ phiếu của công ty này nhiều thứ 2 chỉ sau việc bán cổ của Tencent. Việc này xảy ra ở cả thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục và Hồng Kông. Trong khi đó, cổ phiếu Ping An vẫn đang giảm điểm trên tất cả các thị trường mà nó niêm yết với mức giảm cao nhất lên tới 10%.
Nhà đầu tư ngoại (màu trắng) đổ tiền mua cổ phiếu Ping An trong khi các nhà đầu tư Trung Quốc liên tục bán tháo.
Steven Lam, nhà phân tích của Bloomberg, cho biết: "Quan điểm của các nhà đầu tư Trung Quốc và khối ngoại về cổ phiếu Ping An đang phân hóa. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nhìn Ping An không chỉ là một công ty bảo hiểm mà còn là một công ty Fintech".
Năm ngoái, Ping An cho biết công ty này nhắm tới mục tiêu một nửa doanh thu sẽ tới từ công nghệ, một sự phát triển có thể làm các nhà đầu tư suy nghĩ lại về phương pháp định giá cổ phiếu này thay vì dùng các chuẩn truyền thống. Vốn hóa thị trường của công ty cũng đã tăng 101 tỷ USD trong năm ngoái, một phần nhờ khoản đầu tư vào các dịch vụ trực tuyến.
Các nhà phân tích dường như cùng quan điểm với các nhà đầu tư nước ngoài. Cổ phiếu không xếp hạng bán và mục tiêu giá trung bình của họ sẽ tăng 30% ở cả Hồng Kông và Thượng Hải trong 12 tháng tới kể từ giá đóng cửa phiên giao dịch hôm 2/9.
"Đây là công ty tài chính tốt nhất của Trung Quốc đối với các nhà đầu tư có tổ chức. Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang mua cổ Ping An vì nó được xếp hạng cao trong hàng loạt tiêu chi như kinh doanh, đầu tư và vốn", Vincent Hsu, giám đốc một quỹ đầu tư chứng khoán có trụ sở tại Đài Loan, Trung Quốc, nhấn mạnh.
Giá cổ phiếu Ping An vẫn sụt giảm.
Trong khi đó, người đứng đầu Ping An nhiều lần nói rằng giá cổ phiếu chưa phản ánh đúng và đủ giá trị của công ty, vốn mở rộng từ lĩnh vực bảo hiểm sang ngân hàng và quản lý tài sản. Tập đoàn này báo cáo mức tăng trưởng lợi nhuận ròng nửa đầu năm lên tới 34% nhờ tăng trưởng trong lĩnh vực kinh doanh và chăm sóc sức khỏe,
Tuy nhiên, những điều đó không làm các nhà đầu tư Trung Quốc hết nghi ngờ.
"Vẫn còn hơi sớm để nói về tham vọng công nghệ của Ping An sẽ được hiện thực hóa như thế nào. Các tập đoàn như Fosun cũng có tham vọng để phát triển Fintech nhưng kết quả không được nhưng móng muốn", Dai Ming, quản lý quỹ tại Hengsheng Asset Management Co., nhận định.