MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nghịch lý” giải ngân vốn đầu tư công

Ở Việt Nam đang có một “nghịch lý”, đó là các công trình hạ tầng thiếu, vốn đầu tư khó khăn. Tuy nhiên, những năm gần đây, vốn đầu tư công lại không giải ngân hết.

“Nghịch lý” giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 1.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, việc có tiền nhưng không “tiêu được” là điều rất “không bình thường”.

- Vậy, theo ông tại sao những năm trước vốn ODA có bao nhiêu cũng giải ngân hết, đầu tư công nhiều nơi giải ngân xong vẫn bị thiếu, phải ứng vốn của năm sau. Còn những năm gần đây lại khó khăn?

Thực tế, việc quản lý chi tiêu đầu tư công gần đây chặt chẽ hơn để tránh tình trạng các dự án đầu tư công đầu tư một cách “vô tội vạ”. Đặc biệt, với những dự án vay vốn ODA thường có “tâm lý” đây là vốn “được cho”, vốn không phải của mình bỏ ra nên đầu tư tương đối “thoải mái”, nhưng hiện nay quản lý chặt chẽ hơn thì việc giải ngân bị chậm lại là điều tất yếu.

- Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng việc giải ngân chậm có liên quan đến vướng mắc về luật. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?

Như chúng ta đã biết, để đẩy nhanh đầu tư công, tại kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khoá XV ngày 4/1/2022, Quốc hội đã sửa một số điều vướng mắc của luật.

Điển hình, sửa lớn nhất là phần quản lý vốn đầu tư theo dự án ODA. Chúng ta đã biết, quản lý ODA phải theo 2 cơ chế. Một là, quản lý của cơ quan Chính phủ. Hai là, quản lý của các nhà tài trợ vốn.

Khi có sự thay đổi một phần nào đó liên quan đến nội dung dự án, như thấy không hợp lý hay cần phải thay đổi thì lại phải “quay lên” cơ quan phê duyệt dự án ban đầu để điều chỉnh.

Do đó, vừa qua trong luật sửa đổi đã ủy quyền cho các bộ, ngành, địa phương tự phê duyệt điều chỉnh mà không cần qua cơ quan phê duyệt. Đây là cách thức tháo “nút thắt” cho giải ngân vốn ODA nhanh hơn.

“Nghịch lý” giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh 2.

Cầu Quang Trung bắc qua sông Cần Thơ, nối quận Ninh Kiều với quận Cái Răng được xây dựng từ nguồn vay ODA của Ngân hàng Thế giới.

Hoặc với đầu tư công thông thường, một số dự án nằm trong chương trình phục hồi kinh tế, bây giờ không cần phải thông qua đấu thầu mà cho phép chỉ định thầu để cắt bớt thời gian chuẩn bị kéo dài do đấu thầu.

Tuy nhiên, kết quả đầu tư công quý I/2022 theo báo cáo thì mới đạt khoảng 11,03%. Trong đó, kế hoạch giao khoảng 11,88%, như vậy vẫn thấp hơn kế hoạch. Đầu tư công trong phần này, vốn ODA cũng chỉ đạt 0,99%. Tỉ lệ này rất thấp, mặc dù nhiều “nút thắt” đã được “hoá giải”.

-Thực tế đang tồn tại một nghịch lý. Đó là, trong số các dự án đầu tư công giải ngân chậm, vẫn có nhiều bộ, ngành, địa phương hoàn thành giải ngân 100% trong thời gian rất nhanh. Nhưng cũng có bộ, ngành, địa phương giải ngân rất thấp hay chậm. Vì sao lại như vậy, thưa ông?

Ở đây có hai vấn đề. Thứ nhất, có ý kiến đánh giá phân bổ đầu tư công không có các dự án. Hiện nay chúng ta đã có luật đầu tư công và có đầu tư công trung hạn. Tức là trong 5 năm tới đầu tư vào dự án gì là phải ghi trong danh mục.

Tuy nhiên, có một vấn đề ở đây là “chạy xếp hàng”. Nhiều bộ, ngành, địa phương cứ đưa dự án vào danh mục đăng ký, nên dự án chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng. Đến khi có tiền mới phân bổ cụ thể, như mua cái gì, làm như thế nào… khi đó mới bị “vướng”. Việc này dẫn đến chậm thời gian phân bổ vốn cho dự án.

Do đó, theo tôi trong Luật Đầu tư công có thêm được đầu tư công trung hạn 3 năm “cuốn chiếu” thì sẽ làm cho quá trình chuẩn bị dự án được tốt hơn. Hiện nay chúng ta chỉ có kế hoạch 5 năm. Trước đây cũng đã trình kế hoạch đầu tư công 3 năm nhưng không được thông qua.

Thứ hai, điểm vướng nhất hiện nay là có nhiều địa phương “e ngại” trong việc quyết định. Những địa phương nào “mạnh dạn” thì sẽ nhanh chóng ra quyết định ngay.

Bởi vì, trong luật pháp chúng ta không thể chặt chẽ 100%, cái này làm cũng được, không làm cũng được, làm thế này cũng được, làm thế kia cũng được. Vậy làm như thế nào thì người đứng đầu phải quyết định.

Như vậy, vai trò người đứng đầu có dám chịu trách nhiệm quyết định hay không là vấn đề quan trọng nhất. Vì trong thời gian qua, có nhiều sai phạm liên quan đến các quyết định của những người quản lý, cho nên để “an toàn” thì tốt hơn hết là chờ “xin ý kiến cấp trên” để làm cho đúng. Năng động, sáng tạo có khi lại “gây vạ vào thân”.

Mặc dù Bộ Chính trị đã có nghị quyết khuyến khích những người năng động, sáng tạo, đổi mới. Tuy nhiên, cơ chế để thực hiện lại không có cho nên nghị quyết vẫn chưa thể “vận hành”.

-Còn với mối quan hệ giữa đầu tư công với đầu tư tư hiện nay như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, vốn đầu tư công được nhìn nhận như “vốn mồi” để “kéo” đầu tư tư. Thực tế, toàn bộ đầu tư của xã hội, đầu tư khu vực nhà nước liên quan đến vốn đầu tư công chỉ chiếm khoảng 1/4, còn lại 3/4 là khu vực đầu tư tư và các đầu tư khác.

Tuy nhiên, trên thực tế những năm gần đây vai trò đầu tư công “kéo” đầu tư tư vẫn chưa đạt yêu cầu. Đơn cử, những năm trước đây các dự án đầu tư theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng) tạo ra sự thay đổi rất nhiều.

Tất nhiên, gắn liền với BT là một loạt các tiêu cực, tham nhũng. Cho nên đã phải thay đổi bằng việc bỏ hình thức đầu tư BT. Nhưng nếu như chúng ta không có một phương thức tốt hơn để huy động tư nhân vào khai thác các nguồn lực thì có thể cũng sẽ làm chậm quá trình biến đầu tư công làm “vốn mồi”.

Đặc biệt, chúng ta nhìn thấy các dự án BOT, trong đó có phần đầu tư của nhà nước. Mặc dù đã có Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, nhưng các dự án theo hình thức BOT trong những năm gần đây không triển khai được.

Điển hình, như cao tốc Bắc-Nam 12 dự án thành phần, đầu tiên chỉ có 3 dự án đầu tư công, còn hiện nay phần lớn là đầu tư công do các dự án BOT chuyển sang.

Qua đây cho thấy, rất cần có một giải pháp để tháo gỡ vấn đề này. Bên cạnh tháo gỡ để mở cho đầu tư tư nhân khai thác các nguồn lực, thì có thể cũng cần phải có một cơ chế đặt hàng đối với các đầu tư tư nhân.

Có một mâu thuẫn điển hình, như chúng ta rất cần hệ thống đường sắt đô thị, chúng ta đi vay vốn ODA về làm hệ thống tuyến đường sắt này, sau đó lại đi thuê các nhà đầu tư nước ngoài vào làm từng tuyến.

Trong khi đó, làm xong lại bị phụ thuộc hoàn vào máy móc thiết bị của các nhà đầu tư nước ngoài, từ con tàu đến đinh ốc.

Vậy, tại sao chúng ta không vay vốn ODA sau đó đặt hàng các tập đoàn tư nhân trong nước để tạo lập nên một ngành công nghiệp đường sắt làm các tuyến đường sắt đô thị.

Khi đó, chúng ta vừa có được các ngành công nghiệp trong nước, vừa tạo ra được một hệ thống đồng bộ, cũng như phát triển các tập đoàn mạnh trong nước. Đây là những vấn đề chúng ta cần phải thay đổi trong tư duy trong quản lý đầu tư công.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 548/QĐ-TTg ngày 2/5/2022 thành lập 6 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đến ngày 30/4/2022 chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được giao; có tỷ lệ giải ngân đến ngày 30/4/2022 dưới mức trung bình của cả nước (18,48%).

Theo Nguyễn Việt

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên