Nghịch lý giúp sức cho Ngân hàng Nhà nước
Trong bối cảnh bất lợi, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang kiểm soát tốt ba biến số vĩ mô quan trọng và thường tương khắc với nhau là tỷ giá, lãi suất và lạm phát. Yếu tố nào đã hậu thuẫn, giúp sức cho NHNN trong việc kiểm soát tương tối thành công những biến số này?
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Đã qua 9 tháng của năm 2018 trong bối cảnh có nhiều bất lợi song Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn đang kiểm soát khá tốt ba biến số vĩ mô quan trọng và thường tương khắc với nhau là tỷ giá, lãi suất và lạm phát.
Cụ thể hơn, dù chịu sức ép lớn từ những tác động bất lợi của điều kiện bên ngoài như chiến tranh thương mại và sự mạnh lên của đồng USD tương ứng với đó là sự yếu đi của nhiều bản tệ khác trong khu vực và thế giới, đặc biệt là Nhân dân tệ (CNY), tỷ giá VND/USD chỉ tăng dưới 3% từ đầu năm đến nay, một mức chấp nhận được nếu so với mức yếu đi đến hàng chục điểm phần trăm của nhiều đồng tiền của các nền kinh tế mới nổi khác.
Với lạm phát, mức tăng cũng đang được khống chế trong phạm vi 4%, ngưỡng mà Quốc hội đặt ra cho Chính phủ. Lạm phát được kiềm chế ở mức này cũng có thể được gọi là một thành công khi giá cả hàng hóa thế giới đã phục hồi và có chiều hướng tăng, nhất là giá xăng dầu. Trong khi đó, như đã thấy, dù tỷ giá đã được NHNN kiềm chế nhưng mức tăng gần 3% cho đến nay cũng phần nào tạo áp lực tăng giá cả trong nước qua kênh nhập khẩu.
Về lãi suất, sau một giai đoạn khá dài lãi suất liên ngân hàng được duy trì ở mức thấp, hiện đã có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy lãi suất đang có xu hướng đi lên và điều này dường như đã lan sang thị trường vay mượn giữa ngân hàng và doanh nghiệp, cá nhân. Tuy nhiên, áp lực tăng lãi suất có lẽ chưa ở mức lớn như được thể hiện ở lãi suất huy động cao nhất hiện nay cũng chỉ quanh quẩn 8%/năm với kỳ hạn 1 năm, nhưng cũng chỉ ở một ít ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) nhỏ, trong khi các ngân hàng TMCP khác chỉ điều chỉnh tăng nhẹ lãi suất huy động.
Như vậy, dù các biến số vĩ mô trên đã có những thay đổi theo hướng bất lợi từ quan điểm ổn định – với nghĩa là không biến động đáng kể – nhưng rõ ràng là duy trì được những biến số có tính tương khắc này ở mức như hiện nay, về lý thuyết, không phải là điều đơn giản, tự nhiên có. Câu hỏi đặt ra đâu là yếu tố hậu thuẫn, giúp sức cho NHNN trong việc kiểm soát tương đối thành công những biến số này?
Để trả lời câu hỏi trên, trước tiên cần xuất phát từ công cụ chính sách của ngân hàng trung ương nói chung, mà ở Việt Nam chính là NHNN. Về cơ bản, công cụ chính sách mang tính kinh tế chủ yếu của NHNN là tăng hay giảm cung tiền đồng. Nếu muốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thì NHNN sẽ phải hạ lãi suất, tức làm tăng cung tiền (giả sử các yếu tố khác, như chính sách của Chính phủ, là không thay đổi). Nhưng việc này sẽ làm gia tăng áp lực lên lạm phát, buộc NHNN nếu muốn kiềm chế lạm phát thì phải tăng lãi suất, tức giảm cung tiền đồng. Gia tăng cung tiền để hỗ trợ tăng trưởng cũng sẽ làm suy yếu bản tệ nên nếu muốn bảo vệ tỷ giá thì NHNN thường phải giảm cung tiền đồng (bán ngoại tệ từ quỹ dự trữ ngoại hối cũng chỉ là một hình thức giảm cung tiền đồng).
Như vậy, về lý thuyết, với cùng một mức tăng cung tiền, sẽ rất khó cho NHNN đạt được cùng lúc nhiều mục tiêu như hỗ trợ tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá. Giả sử các điều kiện khác không thay đổi thì để đạt được cùng lúc nhiều mục tiêu này, NHNN sẽ phải dùng đến các công cụ phi kinh tế, gồm các biện pháp hành chính như kiểm soát vốn (capital control), ưu tiên cấp tín dụng cho một số lĩnh vực chọn lọc, đặt trần và sàn tỷ giá, lãi suất v.v… Tuy nhiên, vì là các biện pháp phi kinh tế nên chúng chỉ là những biện pháp ngắn hạn bởi các chủ thể kinh tế sẽ tìm ra các lỗ hổng để "lách", sớm muộn sẽ làm mất hiệu lực của những biện pháp này. Chưa kể là nhiều biện pháp không mang tính thị trường sẽ bị các nước khác chỉ trích, khiếu nại.
Trên thực tế, các công cụ phi kinh tế trên đều đã được NHNN thi hành sớm thì cũng đã vài năm nay, nên về nguyên tắc thì chúng cũng không thể phát huy tác dụng mãi hoặc mang lại tác dụng đột biến theo hướng tích cực. Điều này có nghĩa là có thể đã có những yếu tố hỗ trợ nằm ngoài khả năng và phạm vi kiểm soát của NHNN.
Yếu tố hàng đầu phải kể đến là tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng trưởng quý 3 năm nay đã lớn hơn quý 2, đưa tốc độ tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt gần 7% so cùng kỳ năm trước. Đây là một tốc độ tăng trưởng rất cao, đặc biệt trong bối cảnh nhiều thử thách như hiện nay. Nếu xét đến sự tăng trưởng chậm lại rõ rệt của cung tiền như được thể hiện qua tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm thì có thể nói không quá việc đạt được này là một nghịch lý, theo tư duy thông thường là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào tín dụng ngân hàng nên để tăng trưởng cao hơn cần có tăng trưởng tín dụng cao hơn.
Dù nghịch lý trên có thể có nguyên nhân từ các biện pháp cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ của Chính phủ, sự phát triển của thị trường chứng khoán cung cấp vốn cho doanh nghiệp ngoài kênh tín dụng ngân hàng, hay sự tiếp tục tăng trưởng của khu vực FDI và dòng vốn FDI chảy vào nền kinh tế v.v… nhưng rõ ràng là việc nền kinh tế không còn đòi hỏi ngành ngân hàng phải liên tục mở rộng tín dụng để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trên hết đã là một yếu tố rất thuận lợi cho việc điều hành chính sách của NHNN.
Cụ thể hơn, do không còn bị thúc ép phải mở rộng tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng như trước đây nên NHNN đã có điều kiện để duy trì một chính sách tiền tệ thận trọng hơn, thể hiện qua mức tăng trưởng tín dụng và huy động của ngành ngân hàng trong 9 tháng đầu năm đều ở mức thấp hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Đến lượt nó, tăng trưởng cung tiền có chừng mực đã không làm gia tăng quá mức áp lực đồng thời lên lạm phát và tỷ giá, do đó cũng không làm gia tăng quá mức lãi suất, như đã được chứng kiến. Nói cách khác, NHNN thi hành được chính sách điều hành "thận trọng và linh hoạt" – vốn vẫn được coi là chìa khóa cho sự thành công của NHNN – cũng là nhờ có sự giảm phụ thuộc của nền kinh tế vào tín dụng ngân hàng.
Tóm lại, sự thành công về mặt chính sách của NHNN có sự đóng góp mang tính quyết định từ những yếu tố hỗ trợ bên ngoài (phạm vi của NHNN). Hàm ý chính sách có thể rút ra được ở đây là để ổn định kinh tế vĩ mô một cách bền vững, trong dài hạn thì trước hết cần thực thi những biện pháp và công cụ mang tính kinh tế để giảm thiểu sự phụ thuộc của nền kinh tế vào tín dụng ngân hàng. Điều này đặc biệt đúng khi NHNN chưa được độc lập với Chính phủ nên sẽ không thể "đứng ngoài cuộc" khi Chính phủ cần giải pháp kích thích tăng trưởng ngắn hạn.