Nghịch lý: Nhiều ngành nghề từng bị các TikToker cho là "vô dụng", "thất nghiệp" sở hữu tỷ lệ ra trường có việc làm 100%
Những ngành thường bị "đồn thổi" là ra trường dễ thất nghiệp lại có tỷ lệ sinh viên có việc làm rất cao.
- 02-08-20233 ngành nghề hưởng lợi lớn khi AI phát triển: Vừa tiết kiệm thời gian, vừa dễ kiếm bộn tiền, thù lao tới 2,3 triệu đồng/giờ
- 21-07-20235 ngành nghề có thu nhập tốt nhưng khiến nhiều người e ngại
Lướt nền tảng TikTok, chắc hẳn ai cũng từng bắt gặp qua những video với tiêu đề như: Top những bằng đại học vô dụng, Top những ngành nghề không nên theo học… Bất chấp tranh cãi, những video này thường vẫn thu hút nhiều người bình luận và bàn tán rôm rả.
Cụ thể, những ngành thường được các "nhà hướng nghiệp tự xưng" trên nền tảng TikTok cho là không nên học có thể kể đến như: Quản trị kinh doanh, Ngôn ngữ Anh, Marketing, Quản trị nhân sự, Kế toán, Tài chính - Ngân hàng...
Lập luận của họ đều xoay quanh những suy nghĩ chủ quan. Đơn cử như với ngành Quản trị kinh doanh, những TikToker này cho rằng ngành học rất chung chung, ra trường chỉ có 2 cơ hội nghề nghiệp đó là sales và marketing,trong khi hai công việc đó thì học bất cứ ngành nào ra làm cũng được, chủ yếu là cần kinh nghiệm. Hay về ngành Ngôn ngữ Anh, các "nhà hướng nghiệp" phiên bản TikToker đánh giá thời đại này không ai không biết tiếng Anh, cho nên các bạn nên học ngành khác rồi sau đó thi IELTS là được.
Vậy sự thật là gì, có phải cứ học những ngành này là "thất nghiệp như chơi", "ra trường làm trái ngành, trái nghề là cái chắc"?
Sự thật là gì?
Để có các nhìn tổng quan nhất, ở phần này chúng ta sẽ cùng khai thác khảo sát về tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm do các trường đại học công bố. Theo ghi nhận, đa phần sinh viên học những ngành, chuyên ngành từng bị các TikToker cho là "vô dụng", "ra trường thất nghiệp như chơi"... lại có tỷ lệ có việc làm khá cao.
Tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân, kết quả khảo sát sinh viên có việc làm trong khoảng thời gian 12 tháng kể từ khi được công nhận tốt nghiệp được xác định theo từng ngành, lĩnh vực đào tạo, được khảo sát ở năm liền kề trước năm tuyển sinh, đối tượng khảo sát là sinh viên đã tốt nghiệp ở năm trước cách năm tuyển sinh một năm, dao động trong khoảng 84,24% - 97,73%.
Trong đó, những ngành thường bị "đồn thổi" là ra trường thất nghiệp lần lượt có tỷ lệ việc làm như sau: Quản trị nhân lực (94,49%); Marketing (94,16%); Quản trị kinh doanh (92,36%); Ngôn ngữ Anh (86,67%); Tài chính - Ngân hàng (86,25%)...
Tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm ở những ngành này tại trường Đại học Ngoại thương cũng rất cao: Kế toán (97,80%); Ngôn ngữ Anh (97,56%); Tài chính - Ngân hàng (97,47%).
Còn tại Học viện Tài chính - một trong những trường top đầu cả nước về đào tạo ngành Kế toán, Kiểm toán, Tài chính, theo khảo sát trong phạm vi 4.012 sinh viên tốt nghiệp hệ đại học chính quy văn bằng thứ nhất năm 2022, có tới 98,39% sinh viên đã có việc làm sau một năm tốt nghiệp (tăng 0,87% so với kết quả khảo sát năm 2020). Tỉ lệ có việc làm cao nhất là sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh và ngành Kế toán.
Trong đó, có 80,93% sinh viên tốt nghiệp nhận định công việc hiện tại phù hợp với ngành được đào tạo ở Học viện Tài chính. Đồng thời, gần 70% sinh viên tốt nghiệp đánh giá kiến thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp được Học viện đào tạo đáp ứng được toàn bộ và phần lớn yêu cầu công việc.
Kết quả khảo sát về tỷ lệ sinh viên trường Đại học Kinh tế TP.HCM học những ngành từng bị các TikToker coi là "vô dụng" tốt nghiệp có việc làm luôn cũng cao chót vót. Trong đó, Marketing, Ngôn ngữ Anh và Kế toán là 100%, tiếp đến là Tài chính - Ngân hàng (97,50%); Quản trị kinh doanh (93,88%).
Tóm lại, không có ngành học nào "vô dụng" mà điều quan trọng là chúng ta phải biết biến những thứ đã được học thành "hữu dụng". Vậy nên để đánh giá ngành học nào tốt nhất, các bạn trẻ cần phải tự hỏi bản thân xem mình thích học gì, thích làm gì, có khả năng gì nổi trội nhất để thấy có thể ghép vào mảnh ghép công việc nào phù hợp với sở trường của mình. Và trong quá trình ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta phải hoàn thiện bản thân không chỉ kiến thức chuyên môn, mà còn các kỹ năng mềm khác nhau.
Phụ nữ số