Nghịch lý: Thị trường chứng khoán một quốc gia tăng dựng đứng 600% nhưng lại là “tin chẳng lành”
Ngày 6/6, sàn giao dịch chứng khoán ở thủ đô nước này đã tạm dừng hoạt động trong một khoảng thời gian ngắn, sau khi chỉ số chính tăng 10%.
- 07-06-2023Hàng chục doanh nghiệp BĐS đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết: Cơn bĩ cực chưa dứt với thị trường nhà đất Trung Quốc
- 06-06-2023Loại quả nhan nhản chợ Việt cháy hàng tại Trung Quốc, nông dân ôm mộng kiếm tiền lăn xả vào vườn nhưng “hụt hẫng” vì quá gian nan
- 06-06-2023Cha đẻ tên gọi BRICS lên tiếng: Tổ chức có Nga, Trung Quốc, Ấn Độ không thể soán ngôi Mỹ và đồng USD nếu không thay đổi điều này
Người dân Zimbabwe đang cố gắng bảo vệ tiền tiết kiệm của họ khỏi sự mất giá của tiền tệ. Điều này đã khiến chỉ số chứng khoán của nước này tăng bốc 600% trong năm nay. Các trader địa phương ghi nhận nhiều lợi nhuận hơn vì có ít tài sản thay thế có thể mua.
Nhà đầu tư Zimbabwe thường tìm đến cổ phiếu để trú ẩn khỏi các cuộc khủng hoảng tiền tệ và các đợt siêu lạm phát. Tình trạng đó từng xảy ra vào tháng 6/2020, khi tỷ lệ lạm phát lên tới 837%. Chứng khoán là công cụ tiếp cận dễ dàng nhất có thể giữ được giá trị khi nội tệ giảm.
Ngày 6/6, sàn giao dịch chứng khoán ở thủ đô Harare đã tạm dừng hoạt động trong một khoảng thời gian ngắn, khi chỉ số chung (all-share index) tăng vọt và vượt qua giới hạn 10%. Đây là lần thứ hai sự việc này xảy ra sau lần gần nhất vào tháng 4.
Giám đốc Thedias Kasaira tại công ty môi giới Imara Edwards lâu năm nhất tại nước này, cho biết: “Thị trường có một lượng thanh khoản, đó là lý do giải thích cho đợt tăng. Tỷ giá hối đoái đang đi theo một chiều và chúng tôi dự đoán xu hướng này sẽ tiếp diễn”.
Đồng nội tệ đã giảm gần 60% chỉ trong tháng 5. Hiện 1 USD đổi được 3.673 đô la Zimbabwe. Theo trang web ZimPriceCheck.com, tỷ giá trên thị trường chợ đen ở mức 3.900 – 4.300 đô la Zimbabwe.
Các nhà chức trách của quốc gia miền nam châu Phi này đang cố gắng kìm hãm tiền tệ trượt dốc. Họ đã phát hành đồng tiền vàng vào năm 2022 như một kho lưu giữ giá trị. Đồng tiền "Mosi-oa-tunya" - đặt theo tên của thác nước Victoria - có thể chuyển đổi thành tiền mặt và được giao dịch cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, Zimbabwe còn sử dụng loại tiền kỹ thuật số hậu thuẫn bằng vàng.
Giám đốc Kasaira cho biết những tài sản đó phổ biến hơn với các nhà quản lý quỹ hưu trí và những người đầu tư dài hạn hơn là với người dân Zimbabwe.
Theo Bloomberg
Nhịp Sống Thị Trường