Nghịch lý "tiền giường cao hơn tiền thuốc" của người bệnh vẫn chưa được khắc phục
Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam chưa đồng thuận cao với Thông tư mới của Bộ Y tế về quy định thống nhất giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc.
- 19-06-2018Tăng lương, mức đóng BHXH sẽ như thế nào?
- 18-06-2018Đừng ham nhận trợ cấp BHXH một lần
- 17-06-2018Các khoản phúc lợi không tính đóng BHXH bắt buộc
- 11-06-2018Những thay đổi lớn về lương và BHXH của người lao động
Ngày 30/5/2018, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 15/2018/TT-BYT thay thế Thông tư liên tịch số 37 của liên Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ y tế.
Theo đó, Thông tư lần này tập trung điều chỉnh giá tiền khám bệnh, tiền giường và 42 dịch vụ kỹ thuật, trên 1.600 dịch vụ của Thông tư 37 vẫn giữ nguyên.
Trong đó, tiền khám bệnh sẽ giảm từ 4.800 - 5.900 đồng ở các hạng bệnh viện. Tiền giường bệnh điều chỉnh tăng 8 loại (tăng cao nhất là 11%), một số loại giường giữ nguyên hoặc có điều chỉnh giảm không đáng kể.
Đáng chú ý là một số dịch vụ kỹ thuật giảm rất lớn như phẫu thuật cắt Amidan bằng dao điện hay nội soi tai mũi họng...Tuy nhiên việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế lần này chưa giải quyết được những bất cập của việc tăng giá dịch vụ y tế.
Qua hơn 2 năm thực hiện giá dịch vụ y tế kết cấu đủ tiền lương và phụ cấp nhân viên y tế, tổng chi tiền giường năm 2017 gấp gần 2 lần so với năm 2016, gấp gần 4 lần năm 2015.
So với năm 2015, số bệnh nhân vào nội trú năm 2017 tăng gần 4 triệu lượt tương ứng với 23 triệu ngày nằm viện, tiền giường tăng 13.360 tỷ đồng. Tổng chi tiền giường năm 2017 chiếm đến 27,3% tổng chi nội trú trong khi năm 2015 chỉ bằng 11,8% tổng chi nội trú.
Tại nhiều bệnh viện, tiền giường chiếm đến 70% tổng chi, gấp 2 đến 3 lần so với tiền thuốc. Nhiều tỉnh chi bình quân tiền giường cao hơn tiền thuốc như Cao Bằng, Bắc Cạn, Đồng Tháp…
Nhiều bệnh nhân mắc các bệnh trước đây chỉ khám, cấp thuốc điều trị tại nhà như cảm cúm, viêm mũi họng, sâu răng nay được chỉ định nằm viện. Bên cạnh đó, nhiều bệnh viện giữ người bệnh đẻ thường, phẫu thuật đục thủy tinh thể đơn thuần từ 5-7 ngày, thậm chí trên 10 ngày, giữ bệnh nhân ngày thứ 7, chủ nhật để thu thêm tiền giường.
Theo BHXH Việt Nam, nhiều bệnh viện kê thêm gấp 2 - 3 lần số giường kế hoạch, có nơi tận dụng hành lang, gầm cầu thang làm buồng bệnh.
Một số dịch vụ y tế sau điều chỉnh giảm gấp nhiều lần so với giá trong Thông tư 37 cho thấy việc xây dựng định mức, cơ cấu giá không phù hợp đã làm tăng chi đến hàng trăm tỷ đồng.
Trước đó, trong báo cáo của BHXH Việt Nam ngày 1/9/2017 với Thủ tướng về một số vấn đề bất cập trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT ở Việt Nam cũng nêu rõ, giá dịch vụ y tế (DVYT) mới được xây dựng theo cơ chế tính toán từ dưới lên, mà số liệu lại chủ yếu từ các bệnh viện tuyến trung ương dẫn đến nhiều giá DVYT không hợp lý.
Cụ thể, hiện tại Bộ Y tế mới chỉ quy định được giá cho 1.990 dịch vụ và phiên tương đương giá cho 9.291 dịch vụ từ giá của 1.990 dịch vụ có giá trong Thông tư số 37. Các dịch vụ được phiên tương đương chỉ dựa vào cơ cấu giá do một số bệnh viện trung ương cung cấp, nhiều dịch vụ không có quy trình kỹ thuật dẫn đến chênh lệch rất lớn so với thực tế.
Ngoài ra, phương thức thanh toán theo dịch vụ chưa có cơ chế kiểm soát, một số dịch vụ được chia nhỏ, quy định tính tăng thêm 1 ngày điều trị…đã làm tăng thêm chi giường bệnh.
Ngày 31/5/2018, BHXH Việt Nam cũng có công văn gửi Bộ Y tế góp ý với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 37.
Theo đó, về nguyên tắc áp dụng giá khám chữa bệnh (KCB), BHXH Việt Nam đề nghị bổ sung nội dung, giá khám bệnh đối với các trường hợp đăng ký ban đầu tại bệnh viện hạng 1 được thanh toán theo mức giá khám bệnh của bệnh viện hạng II vì mức độ, cơ cấu bệnh tật của các đối tượng đăng ký ban đầu là tương đương, đồng thời giải pháp này sẽ không khuyến khích các bệnh viện hạng I nhận đăng ký KCB ban đầu.
Giá ngày giường bệnh được áp dụng theo từng hạng bệnh viện theo quy định của Luật BHYT và giữ nguyên kết cấu như Thông tư số 37.