MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý trụ đỡ kinh tế, nhưng lại bị thiệt thòi, lãng quên

Trong suốt một thời gian dài, nông nghiệp được xem là một trong những trụ đỡ quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, Việt Nam đang đổ dồn nhiều thứ vào phát triển khai thác và gần như lãng quên nông nghiệp. Các chỉ số cho thấy đầu tư vào nông nghiệp tiếp tục bị sụt giảm trong thời gian gần đây, bất chấp việc lĩnh vực này đang gặp khó.

  • Nông sản thực phẩm Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn trong xây dựng tiêu chuẩn sản phẩm. Đó là thiếu liên kết trong sản xuất, tiêu thụ; thiếu vốn và kinh phí; cơ sở, trang thiết bị chưa đáp ứng...

Tại buổi Báo cáo kinh tế vĩ mô quý 4/2016 do Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách tổ chức mới đây, chuyên gia Phạm Chi Lan nhận định năm 2016 đã bộc lộ ra hàng loạt các vấn đề nội tại của nền kinh tế, trong đó, bà đặc biệt nhấn mạnh vào ngành nông nghiệp.

“Chúng ta đổ cho nông nghiệp chững lại làm tốc độ tăng trưởng chung bị sụt giảm xuống nhưng thực tế là ngành này đã đến ngưỡng của nó, nên không cải cách, không thay đổi thì nông nghiệp không thể nào đóng góp vào tăng trưởng được. Ngược lại, nó chỉ có thể làm tăng thêm các vấn đề của nền kinh tế”, bà Chi Lan nhấn mạnh.

Từ số liệu của Tổng cục Thống kê có thể thấy, năm 2016 là năm ngành nông – lâm – thuỷ sản có số điểm phần trăm đóng góp vào tăng trưởng GDP thấp nhất kể từ năm 2011, chỉ góp được 0,22 điểm phần trăm.

Hậu quả này một phần do thiên tai, hạn hán, sự cố ô nhiễm môi trường như nhiều nhận định trước đó, nhưng một phần khác, cũng là do “công nghiệp, dịch vụ, đô thị hoá,... tước đoạt nguồn lực của nông nghiệp rất nhiều”.

“Trong những năm qua, chúng ta đã đổ dồn nhiều thứ vào phát triển khai thác và gần như lãng quên nông nghiệp. Tất cả các chỉ số đều cho thấy đầu tư vào nông nghiệp tiếp tục sụt giảm. Nhà nước lúc nào cũng kêu FDI, doanh nghiệp không chịu đầu tư vào nông nghiệp nhưng chính Nhà nước cũng đang làm như vậy. Nếu như trước khi gia nhập WTO, tỷ lệ đầu tư này là 13,8% thì bây giờ chỉ còn một nửa”, bà Chi Lan nói.

Theo đó, bỏ quên nông nghiệp đồng nghĩa với việc bỏ quên tới 65% dân cư Việt Nam đang sống ở nông thôn cho dù Việt Nam đang tích cực làm nông thôn mới. Bởi lẽ chương trình nông thôn mới chỉ là bộ mặt bên ngoài, còn nông nghiệp mới là sinh kế. Đấy còn chưa kể những hệ luỵ về nợ tăng lên của các địa phương do chương trình này như các chuyên gia kinh tế phân tích nhiều trong thời gian vừa qua.

Ngoài chuyện nông thôn hoá, bà Chi Lan còn cho rằng việc “hoá học ngành nông nghiệp” đã đem lại nhiều tác động xấu cho doanh nghiệp Việt Nam. Nghĩa là chúng ta đang đánh đổi giữa năng suất và chất lượng nông sản.

Mặt khác, việc hội nhập trong tương lai của Việt Nam cũng đang gây sức ép lên nông nghiệp rất lớn. “Sức ép tăng lên nhưng biện pháp chống chọi thì không có”, bà Chi Lan bình luận.

Có thể thấy nông nghiệp đã từng là trụ đỡ của kinh tế, nhưng điều này đã bị thay đổi, thậm chí, ngành còn không được ưu tiên đúng mức. Do đó, chuyên gia kinh tế này nhấn mạnh, ngành nông nghiệp đã tới ngưỡng, cần phải có sự thay đổi đột phá, nếu không ngành sẽ không thể chống chọi được.

Tức là trong tương lai, cần phải giảm bớt được lãng phí, sai lầm trong cách khai thác nông nghiệp, tăng chất lượng, hiệu quả, tính an toàn. Đặc biệt, hình thành chuỗi giá trị, truy xuất cả nguồn gốc.

Tuy nhiên, đột phá này không chỉ nằm trong khuôn khổ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mà nó phải là vấn đề của toàn bộ nền kinh tế: từ đầu tư công, đầu tư của các lĩnh vực khác, của doanh nghiệp, cân đối giữa đầu tư phát triển tập trung cho nông nghiệp đến đâu, dịch vụ các ngành khác như thế nào...

“Đến lúc phải cải cách kể cả mặt quan điểm về tăng trưởng phát triển kinh tế lẫn cải cách về một loạt các thể chế cho nông nghiệp như là đất đai, chính sách đối với khoa học công nghệ. Điều này đã thể hiện rất rõ trong năm 2016. Bức tranh của nông nghiệp đòi hỏi đến lúc phải thay đổi”, chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết.

Đức Minh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên