MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghiên cứu gây bất ngờ: Những người thường xuyên căng thẳng, cô đơn, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường càng cao hơn

07-10-2020 - 07:26 AM | Sống

Nghiên cứu mới cho thấy tình trạng cô đơn, căng thẳng có thể khiến mọi người dễ mắc bệnh tiểu đường loại 2 hơn tới 46% so với bình thường.


Những người cô đơn từ lâu đã phải đối mặt với nguy cơ ngày càng gia tăng về bệnh tật và sức khỏe do mọi tác nhân. Di truyền, chế độ ăn uống và lối sống là những tác nhân phổ biến góp phần làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Nhưng bên cạnh đó, một nghiên cứu được công bố vào tháng 9 năm 2020 trên tạp chí Diabetologia cho thấy còn có một yếu tố mang tính xã hội cũng ảnh hưởng mạnh đến khả năng phát sinh bệnh.

Cụ thể, các tác giả đã chỉ ra rằng cảm giác cô đơn - ngay cả khi bạn không sống một mình và bạn vẫn có những tương tác xã hội trong cuộc sống thường nhật - có liên hệ mật thiết đến nguy cơ gia tăng mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Nghiên cứu gây bất ngờ: Những người thường xuyên căng thẳng, cô đơn, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường càng cao hơn - Ảnh 1.

Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã đánh giá sự cô đơn bằng cách hỏi hơn 4.000 người trưởng thành không mắc bệnh tiểu đường loại 2 về tần suất họ cảm thấy thiếu bạn đồng hành, cảm thấy bị bỏ rơi hoặc cảm thấy bị cô lập với những người xung quanh. Các câu trả lời được tính trung bình trên thang điểm từ 1 đến 3, với điểm số càng cao thể hiện cảm giác cô đơn càng thường xuyên.

Sau khoảng mười năm theo dõi, tổng cộng 264 người, hay 6,4% trong số những người tham gia đã mắc bệnh tiểu đường loại 2. Những người mắc bệnh tiểu đường loại 2 vào cuối nghiên cứu bắt đầu với mức điểm cô đơn trung bình là 1,42, so với điểm số 1,33 ở những người không mắc bệnh tiểu đường loại 2.

Như vậy, nghiên cứu đã cho thấy tình trạng cô đơn có liên quan đến tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn tới 46%.

Nghiên cứu gây bất ngờ: Những người thường xuyên căng thẳng, cô đơn, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường càng cao hơn - Ảnh 2.

Tác giả chính của nghiên cứu, Tiến sĩ Ruth Hackett, thuộc Viện Tâm thần, Tâm lý và Khoa học Thần kinh tại Đại học King’s College London, Vương quốc Anh cho biết: “Nghiên cứu chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa tình trạng cô đơn và sự khởi phát của bệnh tiểu đường loại 2 về sau này.”

Ông Hackett cho biết: “Điều đặc biệt đáng chú ý là mối quan hệ này vẫn bền chắc ngay cả khi các yếu tố quan trọng trong sự phát triển của bệnh tiểu đường được lưu tâm đến, chẳng hạn như hút thuốc, uống rượu và đường huyết, cũng như các yếu tố sức khỏe tâm thần như trầm cảm. Sự cô đơn có một tác động độc lập đối với sự phát triển của bệnh tiểu đường, vượt lên trên và bên ngoài các biểu hiện sức khỏe.”

Nghiên cứu nói gì về sự cô đơn và bệnh tiểu đường loại 2

Andrew Steptoe, tiến sĩ khoa học và tiến sĩ triết học và trưởng khoa Khoa học hành vi và sức khỏe tại Đại học London, Vương quốc Anh cho biết, đây là nghiên cứu đầu tiên chứng minh rằng sự cô đơn có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.

Ông Steptoe, người không tham gia vào nghiên cứu hiện tại, bật mí rằng nghiên cứu trước đây đã gắn sự biệt lập khỏi xã hội với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, nhưng điều này không giống với sự cô đơn. Cô đơn là trải nghiệm mang tính chủ quan về sự không hài lòng với các mối quan hệ xã hội và cá nhân, và có thể không nhất thiết phải được liên kết một cách khách quan với số lượng bạn bè thân thiết hoặc các hoạt động xã hội mà mọi người có.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu được công bố vào tháng 12 năm 2017 trên BMC Public Health, việc giảm số bạn bè thân thiết và các mối quan hệ xã hội có liên quan đến việc tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2. Nghiên cứu này đã xem xét số lượng bạn bè thân thiết và các thành viên trong gia đình mà mọi người thường xuyên tiếp xúc trong cuộc sống hàng ngày của họ và phát hiện ra rằng cứ bớt đi một người trong mạng lưới các mối quan hệ xã hội thì nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 lại tăng 12% đối với nam giới và 10% đối với nữ giới.

Nghiên cứu gây bất ngờ: Những người thường xuyên căng thẳng, cô đơn, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường càng cao hơn - Ảnh 3.

Sự biệt lập cũng có liên quan đến nguy cơ yểu mệnh cao hơn, theo các nghiên cứu trước đó, bao gồm một nghiên cứu được công bố vào tháng 12 năm 2019 trên tạp chí Heart. Trong một năm, nghiên cứu này đã theo dõi những người đã phải nhập viện vì các vấn đề về tim mạch. Những người phụ nữ báo cáo về mức độ cô đơn cao đã phải đối mặt nguy cơ tử vong cao gấp ba lần trong suốt tiến trình của nghiên cứu, và đàn ông cô đơn cũng có nguy cơ tử vong cao gấp đôi.

Những hạn chế của nghiên cứu về tình trạng cô đơn và bệnh tiểu đường

Một hạn chế của nghiên cứu hiện tại là các nhà nghiên cứu chỉ đánh giá sự cô đơn tại một thời điểm duy nhất. Một vấn đề khác là phương pháp đánh giá sự cô đơn bằng ba câu hỏi được sử dụng trong nghiên cứu không cho phép các nhà nghiên cứu xem xét các biến thể sắc thái về cách mọi người trải qua sự cô đơn, biệt lập xã hội hoặc tình trạng sống một mình.

Yacob Pinchevsky, Tiến sĩ, thuộc khoa khoa học sức khỏe tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg, Nam Phi cho biết nghiên cứu không được thiết kế để chỉ ra rằng sự cô đơn có thể gây ra bệnh tiểu đường loại 2 bằng cách nào. Nhưng có thể căng thẳng tâm lý xã hội – loại triệu chứng nảy sinh do cảm thấy cô đơn, có thể khiến mọi người liên tục gia tăng hormone căng thẳng epinephrine và cortisol, và cả hai hormone này đều có thể đóng một vai trò trong sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2.

“Nói một cách đơn giản, sự hoạt động thường xuyên của các hệ thống sinh học liên quan đến căng thẳng do tình trạng cô đơn kéo dài có thể dẫn đến nhiều sự hao tổn hơn trên cơ thể, điều này sau đó có khả năng làm gia tăng nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2”, Tiến sĩ Pinchevsky, người không tham gia vào nghiên cứu mới nhất, cho biết.

Nghiên cứu gây bất ngờ: Những người thường xuyên căng thẳng, cô đơn, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường càng cao hơn - Ảnh 4.

Giảm stress có thể giúp chống lại các ảnh hưởng của tình trạng cô đơn

Theo Sabine Rohrmann, Tiến sĩ, MPH, thuộc Khoa Dịch tễ học, Thống kê sinh học, và Viện Phòng ngừa tại Đại học Zurich ở Thụy Sĩ, nghiên cứu không nói rõ liệu việc kiểm soát căng thẳng hoặc nỗ lực kết bạn, tạo ra một cuộc sống xã hội năng động hơn có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 hay không. 

Tiến sĩ Rohrmann, người không tham gia nghiên cứu, cho biết: “Bởi vì sự cô đơn có thể mang tính chủ quan, có nhiều bạn bè hoặc mối quan hệ xã hội hơn không hoàn toàn có nghĩa là mọi người sẽ cảm thấy bớt cô đơn hơn”. Rohrmann cho biết thêm, một số người cố gắng ra ngoài vùng an toàn của mình để giao tiếp xã hội nhiều hơn cũng có thể sẽ cảm thấy căng thẳng do sự gia tăng cortisol và chứng viêm - vốn là những tác nhân góp phần vào sự phát triển của bệnh tiểu đường loại 2.

Điều này có nghĩa rằng, những người lo lắng về việc cô đơn dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2 có thể muốn dành nỗ lực phòng bệnh vào những thứ không gây căng thẳng cho họ, như ăn những thực phẩm khỏe mạnh hơn hoặc tập thể dục nhiều hơn. Ông Rohrmann gợi ý: “Đi dạo trong công viên - ngay cả đi một mình – cũng là một khởi đầu tốt.”

Theo Everyday Health

Phương Thu

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên