Nghiên cứu hé lộ cách xe Trung Quốc tràn ra khắp Á Phi Âu: Có 4 con đường!
Nghiên cứu mới công bố của JATO đã hé lộ cách các mẫu xe Trung Quốc xâm nhập thị trường nước ngoài.
- 22-09-2023Một loại nông sản của Việt Nam cực kỳ đắt khách tại Vương quốc dầu mỏ: Giá giảm xuống mức kỷ lục, Việt Nam xuất khẩu đứng đầu thế giới
- 22-09-2023Không phải Nga hay Trung Quốc, một quốc gia châu Á đang tăng cường xuất khẩu dầu giá rẻ vào Việt Nam, giá nhập khẩu giảm mạnh trong 8 tháng đầu năm
- 21-09-2023Doanh số xe điện tăng 102% trong tháng 8, đây là thị trường mơ ước mà các hãng xe đang đổ xô đến chiếm đóng, VinFast cũng đã đặt chân
JATO Dynamics là một trong những đơn vị nghiên cứu xe lớn hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp ô tô. Trong một nghiên cứu vừa được công bố, JATO đã có những phân tích và nhận định chuyên sâu về những bước tiến ra thế giới của ngành xe Trung Quốc.
Mở đầu bài nghiên cứu, JATO đưa ra nhận định rằng ngành xe Trung Quốc, hay cụ thể hơn là các mẫu xe đến từ quốc gia tỷ dân này, đang là đối tượng rất được chú ý, 'nhất cử nhất động' đều được phân tích kỹ lưỡng.
JATO cho rằng giới chuyên gia và các nhà phân tích trong ngành từ lâu đã dự đoán về làn sóng các mẫu xe Trung Quốc đổ ra thị trường thế giới, nhưng gần đây mới được chú ý tới. Chủ đề xe Trung Quốc trở nên nóng hơn khi các nhà làm xe của quốc gia này liên tục công bố tiến trình phát triển rất nhanh về công nghệ, chất lượng, thiết kế và hiệu năng của xe.
Doanh số xe điện của BYD xếp thứ 2 toàn thế giới, sau Tesla. Ảnh: ATHIT PERAWONGMETHA / REUTERS
Dẫn kết quả nghiên cứu của Moody, JATO chỉ ra rằng thị trường Trung Quốc đang đứng số 1 thế giới về xe hạng nhẹ, đã vượt qua Đức và trở thành quốc gia xuất khẩu xe lớn thứ 2 thế giới trong năm 2022; thậm chí, nửa đầu năm nay đã vượt qua Nhật Bản để đứng vị trí thứ nhất.
Theo JATO, thị trường xe nội địa quốc gia này đã phát triển nhanh trong những năm vừa qua, kéo theo sự tăng trưởng của ngành xe. Nhưng nay, khi thị trường xe nội địa không có tốc độ tăng trưởng tương đồng với tốc độ của ngành thì các nhà làm xe đã hướng mắt mình tới các thị trường khác, tạo ra làn sóng xe Trung Quốc xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới.
Bên trong một showroom của NIO tại Na Uy. Ảnh: NIO
XE TRUNG QUỐC ĐI KHẮP 5 CHÂU
Great Wall, SAIC, Geely, GAC, JAC, Chery, BYD, Dongfeng, Changan là các đơn vị của Trung Quốc đang mở rộng ra thị trường thế giới. Khi gia nhập các thị trường thuộc nhóm quốc gia phát triển và đang phát triển, các nhà làm xe này đều phải tạo ra các sản phẩm mới để phục vụ khách hàng với những đòi hỏi khác nhau từ 2 nhóm quốc gia này.
Tại các quốc gia đang phát triển
Theo JATO, tại thị trường các quốc gia đang phát triển, các thương hiệu xe Trung Quốc đã chiếm được thị phần lớn hơn, tăng từ 4,71% của năm 2021 lên 6,46% trong năm 2022; ở chiều ngược lại, trong khi các thương hiệu của Hàn Quốc mất khoảng 1% thì thị phần các thương hiệu châu Âu giảm 2,7%.
Yếu tố quan trọng giúp các thương hiệu xe Trung Quốc giành được nhiều thị phần hơn chủ yếu do lợi thế về giá. JATO lấy ví dụ rằng một chiếc xe của Chery có giá rẻ hơn khoảng 36% so với một chiếc Toyota ở Nam Phi; một chiếc xe của Haval chỉ bằng một nửa giá của Jeep; một chiếc của MG có giá thấp hơn khoảng 41% so với mức giá trung bình của các mẫu xe mới.
Chery Tiggo 7 Pro là một trong những mẫu xe đang bán tại Nam Phi.
JATO nhận định rằng các mẫu xe từ Trung Quốc với mức giá dễ tiếp cận và ngày càng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng đang có được đà phát triển tại các quốc gia đang phát triển, nhưng các thương hiệu phương tây lại đang trong tình thế ngược lại. Các thương hiệu phương tây thường ở phân khúc cao cấp hơn, ít hấp dẫn với nhóm khách hàng phổ thông.
Tương lai của các thương hiệu xe Trung Quốc cũng được đánh giá khả quan khi khối BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cũng sẽ giúp phân tán xe Trung Quốc đến các quốc gia thành viên.
Tại các quốc gia phát triển
Mẫu BYD Seal xuất hiện tại IAA 2023 - triển lãm lớn và quan trọng bậc nhất thị trường xe châu Âu. Ảnh: CNBC
Bên cạnh thị trường tại nhóm quốc gia đang phát triển, các thương hiệu Trung Quốc cũng cố gắng xâm nhập thị trường các quốc gia phát triển, nhưng, theo JATO, ở quy mô nhỏ hơn. Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2023, thị trường xe châu Âu đã đón nhận 15 thương hiệu xe Trung Quốc.
Trong khi một số thương hiệu có một chiến lược tiếp cận rất rõ ràng thì một số khác chỉ thử xem phản ứng thị trường. Dẫu vậy, có một điểm chung giữa 2 nhóm này là họ mang đến thị trường những chiếc xe giá rẻ nhưng chẳng kém phần hấp dẫn.
JATO cho rằng sự khác biệt khi đến các quốc gia phát triển là những rào cản ban đầu. Ví dụ tại Mỹ, quốc gia này đã có các chính sách để ưu tiên phát triển xe điện trong nước.
Năm 2022, Trung Quốc có 0% thị phần tại Mỹ; trong khi đó thì với Đạo luật Giảm Lạm phát IRA, Mỹ đang cố biến mình thành một vườn ươm xe điện và thúc đẩy sản xuất xe lẫn linh kiện trong nước. Nhưng tại châu Âu, Trung Quốc đã bán được 193.400 chiếc xe trong năm 2022 - mức tăng 116% so với 90.900 chiếc của năm trước đó; cùng đó là tăng 0,86% về thị phần.
Thêm vào đó, các nhà làm xe Trung Quốc cũng mang xe tới Úc và New Zealand. Trong năm 2022, xe Trung Quốc chiếm khoảng 8,61% thị phần xe, tăng 1,63% so với năm 2021.
4 CON ĐƯỜNG RA THẾ GIỚI
BYD Han có mức giá tại châu Âu chẳng kém các mẫu xe cao cấp của BMW, Mercedes hay Audi.
Trong nghiên cứu của JATO, đơn vị này cho rằng các thương hiệu xe Trung Quốc tiến ra thế giới theo nhiều cách khác nhau, nhưng có 4 cách chính.
Cách đầu tiên là qua các thương vụ sáp nhập với thương hiệu đã ở phương tây, có thể tiếp quản luôn mạng lưới phân phối và người tiêu dùng cũng đã có nhận thức về thương hiệu. Cách thức này thường tốn kém hơn, nhưng nếu nhìn vào trường hợp của MG thì nhà làm xe Trung Quốc có thể tiết kiệm được nhiều thời gian và nguồn lực trong việc hình thành nhận diện thương hiệu nơi người tiêu dùng.
Cách thứ 2 là "rebadge" (tạm dịch: Đổi logo) với các thương hiệu xe của phương tây, như đã thấy với Chevrolet tại một vài thị trường ở Nam Mỹ. Tại các quốc gia đang phát triển thì đổi logo lại là một điều thường thấy, khi các thương hiệu xe phương tây cũng muốn có xe giá rẻ. Các thương hiệu xe phương tây có thể mua lại một mẫu xe do thương hiệu Trung Quốc phát triển, sau đó thay đổi một số đặc điểm để phù hợp với nhận diện chung của thương hiệu.
Cách thứ 3, và cũng là cách khó nhất, là trực tiếp xuất hiện tại thị trường - tương tự cách mà NIO và BYD đã đến châu Âu. Bên cạnh chi phí thành lập mạng lưới và xâm nhập thị trường vốn đã rất cao, cách thức này còn cần thêm chi phí để khách hàng có thể nhận diện và tin tưởng khi nhiều thương hiệu Trung Quốc vẫn rất lạ lẫm với khách hàng phương tây.
Cách thứ 4 là qua các hợp tác công nghệ. Năm 2023 xuất hiện một xu thế mới khi có nhiều cuộc ký kết hợp tác giữa các nhà sản xuất Trung Quốc và phương tây. Các hợp tác này nhằm tạo ra các mẫu xe mới hoặc để phát triển công nghệ. Hai ví dụ mà JATO nêu ra là hợp tác giữa Volkswagen và XPeng để cùng phát triển xe điện, và bản thỏa thuận ghi nhớ MOU giữa Leapmotor và một nhà sản xuất phương tây để sử dụng công nghệ xe điện.
Phụ nữ thủ đô