MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nghiên cứu khoa học cần phải kiên trì!”

06-12-2018 - 10:00 AM | Doanh nghiệp giới thiệu

Đó là điều mà Nguyễn Tuấn Nam - học viên vừa tốt nghiệp với điểm số bảo vệ luận án cao nhất từ trước đến nay (9.8 điểm) tại Viện Quản trị & Công nghệ FSB – vẫn luôn tâm niệm.

Nguyễn Tuấn Nam, lớp MSEK3 – chương trình MSE (Thạc sĩ CNTT), thuộc Viện Quản trị & Công nghệ FSB, là một trong những học viên xuất sắc nhất tại FSB, vừa vinh dự có bài báo cáo tại hội thảo về CNTT tại Singapore tháng 3/2018, đã có những chia sẻ về thành tích này.

Chúc mừng anh với những thành tích đã đạt được, cảm xúc của anh như thế nào?

Đây là những kết quả khả quan sau một quá trình cố gắng nên tôi cảm thấy khá tự hào. Đó sẽ là động lực để tôi nỗ lực hơn nữa cho những dự định sắp tới. Qua đây, tôi muốn gửi lời cảm ơn đến các thầy cô giáo, bạn bè và gia đình đã luôn sát cánh bên tôi. Những việc tôi đã làm chưa đủ để thành một tấm gương, nên tôi chỉ muốn chia sẻ rằng kiên trì theo đuổi say mê đích thực sẽ giúp bạn đi đúng con đường mình muốn.

“Nghiên cứu khoa học cần phải kiên trì!” - Ảnh 1.

Nguyễn Tuấn Nam là một trong những học viên xuất sắc nhất của FSB vừa tốt nghiệp với điểm số bảo vệ luận án 9.8.

Được biết đầu năm anh đã có bài dự thi tham gia hội thảo tại Singapore?

Đó là hội thảo ICCCV, hội nghị chuyên về các nghiên cứu thị giác máy tính (Computer Vision) được phối hợp tổ chức bởi tổ chức IACSIT và trường Đại học Công nghệ Nanyang của Singapore.

Anh có thể giới thiệu về đề tài mà anh đã nghiên cứu?

Nghiên cứu lần đó tập trung vào việc ứng dụng các thuật toán Deep Learning để tạo ra hệ thống có khả năng nhận diện và phân loại côn trùng trên bẫy. Kết quả nghiên cứu có thể ứng dụng được trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm, bánh kẹo cần kiểm soát các loài côn trùng gây hại, ảnh hưởng xấu đến chất lượng sản phẩm của họ. Tôi lấy ý tưởng đề tài này từ một dự án công ty mà tôi phụ trách nghiên cứu chính. Đây là một dự án thực tiễn được khách hàng Nhật Bản đề xuất và cung cấp dữ liệu.

“Nghiên cứu khoa học cần phải kiên trì!” - Ảnh 2.

Nguyễn Tuấn Nam và đồng nghiệp.

Với đề tài này, anh tâm đắc nhất điều gì?

Đó là tính ứng dụng thực tiễn. Trong bài viết tôi có đưa ra mục tiêu nghiên cứu rõ ràng, kết quả nghiên cứu được ứng dụng thực tế chứ không phải chỉ dùng làm tài liệu tham khảo. Ngoài ra, đây là bài nghiên cứu tham gia hội thảo đầu tiên của tôi nên nó cũng là đòn bẩy để tôi thực hiện những bài tiếp theo.

Trong quá trình thực hiện đề tài anh có gặp khó khăn gì không?

Tôi cảm thấy thực sự biết ơn vì đã được hỗ trợ rất nhiều, nên những khó khăn mà tôi đã trải qua không đáng kể so với việc làm nghiên cứu thông thường. Sau tốt nghiệp đại học, tôi đã có được nền tảng khá tốt về toán cũng như Machine Learning. Khi học lên thạc sĩ tại FSB, tôi may mắn được học môn xử lý ảnh của cô Nguyễn Thị Bích Thủy và môn xử lý tín hiệu số của thầy Phan Duy Hùng. Các thầy cô đã giúp tôi bổ sung những kiến thức còn thiếu về chuyên môn, truyền đạt cho tôi nhiều điều hữu ích cho việc nghiên cứu dự án này.

Bên cạnh đó, bản thân tôi cũng mang những gì nghiên cứu được trong công việc thực tiễn làm đề tài trình bày trong các môn học trên lớp. Đây cũng là điều tôi tâm đắc nhất của chương trình MSE, các kiến thức rất hữu ích và có ứng dụng thực tế cao. Nhân đây tôi đặc biệt cảm ơn đến thầy Phan Duy Hùng, thầy là người đã gợi ý và hướng dẫn cho tôi viết bài báo khoa học này.

Anh có thể bật mí một chút về bài báo khoa học thứ hai mà anh đã thực hiện?

Đề tài tiếp theo của tôi vẫn nằm trong mảng deep learning nhưng phạm vi ứng dụng là nhận diện chữ viết tay tiếng Nhật. Hiện tôi đã nộp bài và đang chờ kết quả.

Để làm được đề tài này anh đã nghiên cứu trong bao lâu?

Tôi tìm hiểu về nhận diện chữ viết tay được nửa năm rồi. Hy vọng trong tương lai sẽ có thêm ý tưởng hay để viết tiếp bài khác cùng chủ đề này.

Anh có dự định xin học bổng để học tiếp lên tiến sĩ?

Đúng vậy. Tôi đang có kế hoạch học lên tiến sĩ. Tôi vừa tốt nghiệp thạc sĩ xong nên phải cần thêm vài tháng nữa để thi chứng chỉ theo yêu cầu và hoàn thiện hồ sơ xin học. Vì giờ không phải đi học trên lớp buổi tối nữa nên tôi sử dụng thời gian này cho việc chuẩn bị.

Anh có lời gì để chia sẻ với học viên khác không?

Qua quá trình học tập và rèn luyện của bản thân, tôi nhận thấy nếu khả năng và niềm say mê là điều kiện cần thì kiên trì là điều kiện đủ cho những ai muốn theo đuổi nghiên cứu, cụ thể là ngành khoa học máy tính. Vậy nên chúc các bạn hãy vững tin và kiên trì để theo đuổi sự nghiệp mà mình mong muốn. Ngoài ra, hãy luôn biết ơn và học hỏi từ các thầy cô dạy dỗ mình vì họ là những người có hiểu biết sâu rộng trong nghề và sẵn sàng định hướng, giúp đỡ cho các bạn.

Ánh Dương

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên