“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 4: Nghi vấn “lỗ giả” của nhiều “ông lớn” FDI
Theo các chuyên gia, bên cạnh những đóng góp tích cực cho nền kinh tế, hoạt động của nhiều doanh nghiệp FDI vẫn tiềm ẩn rủi ro như chuyển giá, trốn thuế gây thất thoát ngân sách...
- 11-08-2022“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 3: “Hô biến” xuất xứ hàng hóa
- 10-08-2022“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 2: Những màn “ảo thuật” với thuế nhập khẩu
- 10-08-2022“Nghìn lẻ một” chiêu trò trốn thuế - Bài 1: “Che” thu nhập, “giấu” doanh thu
Hơn 14 nghìn doanh nghiệp FDI báo lỗ
Theo thống kê từ Bộ Tài chính năm 2020, có hơn 14.100 doanh nghiệp doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chiếm 56% tổng số doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam báo lỗ. Điều đáng lưu ý rằng, có những doanh nghiệp FDI được cho là kinh doanh thuận lợi vẫn báo lỗ.
Cụ thể theo Bộ Tài chính, trong tổng số 25.171 doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam hiện nay, chỉ có 10.125 doanh nghiệp FDI sản xuất kinh doanh lãi, đạt 40,2% tổng số doanh nghiệp FDI. Đáng chú ý, số lượng doanh nghiệp FDI có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2020 báo lỗ lên tới 14.108 doanh nghiệp, tương đương với 56% tổng số doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Số thua lỗ năm 2020 của các doanh nghiệp FDI ghi nhận lên tới khoảng 151.064 tỉ đồng.
Theo phân tích của Bộ Tài chính thì một số doanh nghiệp FDI kinh doanh trong mảng viễn thông, phần mềm, được cho là hưởng lợi từ bối cảnh dịch bệnh COVID-19 cũng báo lỗ nặng. Năm 2020, doanh thu nhóm doanh nghiệp FDI ngành viễn thông, phần mềm đạt 43.985 tỉ đồng, trong đó hai dự án FDI có doanh thu chiếm tỉ trọng lớn nhất nhóm ngành này là Công ty Airpay đạt 4.555 tỉ đồng (chiếm 10,35%) và Công ty Shopee 2.329 tỉ đồng, chiếm 5,25% tổng doanh thu nhóm ngành này.
Công ty Airpay và Công ty Shopee là hai doanh nghiệp FDI có doanh thu tăng mạnh trong năm 2020, mức tăng doanh thu của cả hai doanh nghiệp này là 2.964 tỉ đồng, đóng góp 58% tăng trưởng doanh thu của ngành.
Tuy doanh thu tăng cao, quy mô vốn đầu tư lớn (Công ty Shopee) và có sự mở rộng về quy mô (Công ty Airpay), nhưng hai doanh nghiệp FDI này vẫn báo lỗ, trong đó Công ty Shopee bị lỗ mất vốn, mức độ đóng góp vào ngân sách nhà nước hạn chế. Số nộp ngân sách nhà nước của hai doanh nghiệp này lần lượt đạt khoảng 67 tỉ đồng và 48 tỉ đồng.
Từ thực tế này, Bộ Tài chính đánh giá: "Việc thu hút doanh nghiệp FDI có quy mô vốn lớn chưa hẳn là đã có đóng góp tích cực hơn vào nguồn thu ngân sách nhà nước, cũng như tác động tích cực đối với các chỉ tiêu tài chính của ngành".
Trường hợp Shopee, Bộ Tài chính cho biết vốn chủ sở hữu Shopee năm tài chính 2020 âm 1.463 tỉ đồng. Công ty này rơi vào tình trạng lỗ mất vốn do lỗ lũy kế của công ty vẫn tiếp tục tăng 31% so với năm 2019. Theo Bộ Tài chính, Shopee có thể gặp rủi ro tài chính khi thanh toán các khoản nợ đến hạn do tài sản ngắn hạn thấp hơn nợ phải trả ngắn hạn.
Lũy kế đến hết năm 2020, có 16.164 doanh nghiệp FDI báo lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính, chiếm 64% tổng số doanh nghiệp FDI đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam có báo cáo.
Tổng lỗ lũy kế trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp FDI tính đến hết năm 2020 ghi nhận lên tới 623.337 tỉ đồng, bằng 44% vốn đầu tư của chủ sở hữu. Con số này của năm 2020 tăng 12% số lượng doanh nghiệp FDI có lỗ lũy kế và tăng 20,1% về tổng số lỗ lũy kế so với năm 2019.
>>"Nghìn lẻ một" chiêu trò trốn thuế - Bài 2: Những màn "ảo thuật" với thuế nhập khẩu
Tổng cục Thuế bóc từng chiêu bài trốn thuế, chuyển giá của Metro Việt Nam và truy thu thuế của đơn vị này 507 tỷ đồng
Tình trạng chuyển giá đang gia tăng, phức tạp
Đánh giá về thực trạng này, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, nhận định: Mặc dù doanh thu và lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp FDI tăng đều qua các năm, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn qua các năm tăng cao và chưa có dấu hiệu giảm.
Đáng chú ý, tốc độ tăng về số lượng doanh nghiệp báo lỗ và doanh nghiệp lỗ lũy kế đã cao, nhưng tốc độ tăng của quy mô đầu tư và hoạt động của các doanh nghiệp báo lỗ và có lỗ lũy kế cũng cao. Điều đó cho thấy, tình trạng chuyển giá của khu vực doanh nghiệp FDI ngày càng gia tăng và phức tạp. Trong đó, cách thức chuyển giá điển hình mà các doanh nghiệp FDI thường áp dụng là thông qua kê khai cao giá hàng hóa, nguyên vật liệu và cung ứng các dịch vụ hành chính, kỹ thuật, pháp lý trong nội bộ tập đoàn (trường hợp của Adidas Việt Nam, Coca-Cola Vietnam, Pepsi Vietnam…). Hoặc chuyển giá thông qua các khoản vay từ công ty mẹ, công ty liên kết với chi phí lãi vay luôn vượt quá mức thông thường để có thể chuyển lợi nhuận ra nước ngoài (trường hợp của Công ty Trà Đài Loan, Công ty trà Kinh Lộ, Keangnam Vina...).
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp xung quah vấn đề này, Thạc sĩ, luật gia Trần Hồng Tình – Hội Luật gia Thành phố Hà Nội cho biết, có đủ hình thức chuyển giá, thường gặp là các doanh nghiệp FDI lợi dụng góp vốn vào doanh nghiệp trong nước bằng máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao hết nhưng được đẩy giá lên rất cao so với giá trị thực. Hoặc nâng chi phí đầu vào sản xuất cao hơn nhiều so với thực tế, từ đó kéo giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ và trốn được trách nhiệm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp... Hình thức chuyển giá cũng rất phổ biến là chuyển nợ quốc tế.
Theo luật gia Trần Hồng Tình, các doanh nghiệp mẹ đặt ở nước ngoài lợi dụng quy định chi phí lãi vay được khấu trừ khỏi thu nhập thực tế, từ đó khuyến khích các công ty con tại các nước có thuế suất cao chuyển khoản nợ sang doanh nghiệp có mức thuế suất thấp để hưởng lợi khoản khấu trừ thuế, lãi vay đối với khoản nợ.
"Việc các doanh nghiệp FDI thực hiện nhiều thủ thuật chuyển giá , chuyển lãi thành lỗ để trốn, tránh thuế có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế vĩ mô, như: Gây thất thu ngân sách nhà nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong thực hiện nghĩa vụ nộp thuế giữa các doanh nghiệp; gia tăng giá trị nhập khẩu và giá trị nhập siêu gây mất cân bằng giữa cán cân thương mại và cán cân thanh toán, từ đó gia tăng áp lực giảm giá đối với đồng tiền nội. Vì thế, việc kiểm soát vĩ mô hoạt động chuyển giá đối với các doanh nghiệp FDI là rất cần thiết trong bối cảnh hội nhập" – Luật gia Trần Hồng Tình nói.
Đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề này dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thành Luân – Giám đốc Công ty Luật TNHH Hà Việt cho rằng, hoạt động chuyển giá xét về bản chất là hành vi gian lận để trốn thuế và đạt được mục tiêu lợi nhuận của doanh nghiệp. Hành vi này đã được che đậy, được hợp lý hóa, rất khó phát hiện và thu thập bằng chứng để quy kết.
Chính vì vậy, theo luật sư Luân, trách nhiệm của thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đối với các giao dịch này là phải thu thập đủ bằng chứng có hiệu lực để có thể quy kết hành vi chuyển giá. Đồng thời, cần có những điều chỉnh chính sách, như tăng cường các chế tài xử phạt đối với hành vi chuyển giá để trốn thuế. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát để hạn chế các doanh nghiệp FDI lỗ lũy kế, lỗ mất vốn nhưng vẫn tiếp tục đầu tư mở rộng để được hưởng ưu đãi thuế.
"Cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin quốc gia về đầu tư đồng bộ, thông suốt của doanh nghiệp FDI để các cơ quan giám sát có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương có thể truy cập và kết xuất được tất cả thông tin liên quan đến doanh nghiệp FDI để phục vụ công tác tổng hợp; từ đó giúp công tác đánh giá, giám sát được hiệu quả, kịp thời…", luật sư Nguyễn Thành Luân nêu ý kiến.
Diễn đàn doanh nghiệp