MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý: Học vấn cao đang có xu hướng thất nghiệp ngày càng nhiều

"Một thực tế khá thú vị ở Việt Nam là thanh niên càng học cao thì dường như có xu hướng thất nghiệp ngày càng nhiều, với từ 70-80% thanh niên thất nghiệp có trình độ từ cao đẳng trở lên"...

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo định hướng nghề và việc làm cho thanh niên trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 do Cục Việc làm (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức, ngày 6/12 tại Hà Nội.

Theo ông Tào Bằng Huy, Phó Cục trưởng Cục Việc làm, hiện nay, với trên 13 triệu lao động là thanh niên (chiếm khoảng 24% lực lượng lao động cả nước) thì việc phát huy hiệu quả nguồn nhân lực trẻ, tận dụng tốt cơ hội trong thời kỳ dân số vàng chính là thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Thời gian qua, nhiều cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh tạo việc làm cho thanh niên đã được ban hành từ Luật Thanh niên, Luật Việc làm đến Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

Bên cạnh đó, các chương trình, đề án hỗ trợ phát triển thị trường lao động, tạo việc làm giai đoạn 2016-2020, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025, tư vấn, hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi sự doanh nghiệp... đã và đang góp phần tạo việc làm cho hàng triệu lao động, trong đó chủ yếu là thanh niên.

Tuy nhiên, vấn đề lao động, việc làm cho thanh niên cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, 9 tháng năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (nhóm tuổi 15-24) là 6,43%, cao gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung (tỷ lệ thất nghiệp thanh niên toàn cầu là 13,1%, khu vực châu Á – Thái Bình Dương là 11%).

Mới chỉ có khoảng 27,5% thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, (khu vực nông thôn chỉ trên 19%) dẫn tới sự bất lợi về khả năng tiếp cận thị trường lao động. Có đến 13,3% thanh niên trong độ tuổi 15-24 không việc làm hoặc không tham gia học tập, đào tạo.

Cùng với đó, chất lượng việc làm của thanh niên cũng còn thấp với trên 50% thanh niên làm công hưởng lương nhưng gần 1/2 trong số đó là thỏa thuận miệng hoặc không có hợp đồng.

Có 39,5% thanh niên làm những công việc dễ bị tổn thương như lao động tự làm, lao động trong hộ gia đình không hưởng lương. Thậm chí, ngay trong bối cảnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, khu vực nông nghiệp với năng suất thấp vẫn giải quyết việc làm cho 1/3 thanh niên.

Đáng chú ý là tình trạng sinh viên tốt nghiệp ra trường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm hoặc làm việc trái ngành, trái nghề vẫn khá phổ biến. "Một thực tế khá thú vị ở Việt Nam là thanh niên càng học cao thì dường như có xu hướng thất nghiệp ngày càng nhiều, với từ 70-80% thanh niên thất nghiệp có trình độ từ cao đẳng trở lên...", lãnh đạo Cục Việc làm cho biết.

Do đó, trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới, nhất là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ sẽ mở ra nhiều cơ hội song cũng đầy thách thức trong giải quyết việc làm bền vững cho thanh niên.

Cũng theo Tổ chức Lao động quốc tế, tới đây quá trình chuyển tiếp của thanh niên từ học tập sang tham gia thị trường lao động không chỉ dừng lại ở việc đo lường thời gian từ khi rời ghế nhà trường cho đến khi làm công việc đầu tiên, mà còn bao gồm các yếu tố định tính như chất lượng công việc…

Theo Nhật Dương

Vneconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên