MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoài chứng khoán và tiền số, giới siêu giàu thế giới rót tiền vào đâu trong bối cảnh lạm phát?

12-08-2021 - 20:09 PM | Tài chính quốc tế

Ngoài chứng khoán và tiền số, giới siêu giàu thế giới rót tiền vào đâu trong bối cảnh lạm phát?

Trong bối cảnh lạm phát, giới siêu giàu đang đổ tiền vào lĩnh vực bất động sản hạng sang trên toàn cầu và ít nơi nào chứng kiến xu hướng này rõ ràng như Singapore.

Trong một khu phố đặc biệt rợp bóng cây ở Singapore, một tỷ phú công nghệ trong nước đã mạnh tay chi 95 triệu USD để mua một căn biệt thự. Gần khi mua sắm cao cấp của thành phố, một gia đình Đài Loan sở hữu đế chế cửa hàng tạp hoá đã mua toàn bộ căn hộ trong một dự án chung cư với 216 triệu USD.

Đó chính là cách dòng tiền "xoay quanh" thị trường bất động sản dân cư sôi động của Singapore. Cụ thể, 32,9 tỷ SGD (24 tỷ USD) đã được giới siêu giàu đổ vào lĩnh vực này trong nửa đầu năm nay. Đây là con số lớn nhất đối với thành phố này trong hơn 1 thập kỷ và gấp đôi so với Manhattan trong cùng thời gian.

Trong bối cảnh lạm phát, giới siêu giàu đang đổ tiền vào lĩnh vực bất động sản hạng sang trên toàn cầu và ít có nơi nào chứng kiến xu hướng này rõ ràng như Singapore. Giá nhà tại thành phố đã tăng kỷ lục 4,1% trong nửa đầu năm nay, trong bối cảnh các ông trùm khắp châu Á tìm kiếm "bến đỗ an toàn". Dòng tiền đang di chuyển đến Singapore từ một số nền kinh tế đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch hoặc nơi gặp bất ổn chính trị như Hồng Kông.

Ngoài chứng khoán và tiền số, giới siêu giàu thế giới rót tiền vào đâu trong bối cảnh lạm phát?  - Ảnh 1.

Giá nhà tại Singapore trong quý I tăng mạnh nhất khu vực châu Á.

Nicholas Mak - trưởng bộ phận nghiên cứu và tư vấn của APAC Realty, nhận định đợt bùng nổ này có điểm tương đồng với năm 2007, khi giới nhà giàu bị thu hút bởi tiềm năng của 2 khu nghỉ dưỡng và sòng bạc sắp khai trương. Tuy nhiên, tâm lý háo hức đã bị kìm nén khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra. Ông nói: "Điểm khác biệt ở hiện tại là số lượng người siêu giàu nhiều hơn, đặc biệt là từ Trung Quốc và Ấn Độ."

Khi Shun Tak Holdings công bố dự án khu dân cư đầu tiên, Park Nova không chỉ là địa điểm trưng bày 54 căn hộ cao cấp. Đây còn là nơi các tài phiệt phô trương sự giàu có. Họ kéo đến địa điểm trưng bày cách Orchard Road 10 phút đi bộ với những chiếc Rolls-Royce Cullinan hay Ferrari.

Dominic Lee - trưởng bộ phận căn hộ hạng sang của PropNex Realty, nhớ lại: "Tôi chưa từng nhìn thấy nhiều siêu xe đến vậy xuất hiện cùng một thời điểm. Nếu lái một chiếc BMW vào ngày hôm đó, bạn sẽ cảm thấy tự ti."

Tại dự án đó, cả 3 căn Penthouse đều được bán với giá hơn 34,4 triệu SGD. Lee cho hay: "Đối với người giàu, mức giá đó không là gì. Nếu đó là một sản phẩm chất lượng, họ vẫn muốn mua. Người mua đến từ cả Singapore và nước ngoài."

Trong khi đó, doanh số bán các căn bungalow đã tăng 83% lên hơn 1,5 tỷ SGD trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cũng cao hơn 79% so với doanh số trước đại dịch vào năm 2019.

Christine Sun - phó chủ tịch cấp cao của công ty nghiên cứu và phân tích OrangeTee & Tie, cho hay: "Nhu cầu đối với các loại tài sản giá trị lớn của nhóm siêu giàu mới đã tăng đột biến. Nhiều triệu phú startup và gia đình giàu có đã chuyển đến Singapore kể từ khi đại dịch bắt đầu bùng phát."

Tại khu Sentosa Cove - nơi toạ lạc của những căn biệt thự lớn bên bờ sông có bến đỗ cho du thuyền, khối lượng giao dịch đã tăng gấp 3 lần lên 190,7 triệu SGD trong nửa đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu của International Realty thuộc List Sotheby.

Theo Lewis Cha - giám đốc điều hành của International Realty, giá bất động sản ở các khu vực lân cận - nơi duy nhất mà người nước ngoài được mua bungalow hạng sang, cũng tăng 7% trong năm ngoái. Nhu cầu chủ yếu được thúc đẩy bởi người mua Trung Quốc.

Ông nói thêm: "Một số người mua quyết định rời khỏi căn hộ đang thuê để chuyển đến một ngôi nhà ổn định, sinh sống trong lâu dài. Một số khác cho rằng Singapore là nơi an toàn để ‘cất tiền’."

Cũng giống như London, một yếu tố khác thu hút giới siêu giàu nước ngoài đến Singapore là việc thông tin của họ được bảo mật. Người mua thường sử dụng quỹ tín thác để không công khai danh tính với cả công chúng và thậm chí là chính phủ. Điều này gây thêm áp lực cho các nhà phát triển trong việc ngăn chặn rủi ro rửa tiền.

Do đó, chính quyền thành phố đang xem xét các điều luật hiện hành để siết chặt yêu cầu đối với các nhà phát triển về vấn đề chống rửa tiền trong việc mua bán bất động sản tư nhân chưa hoàn thiện. 

Tham khảo Bloomberg

Chi Lan

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên