MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoài giáo phái Tân Thiên Địa, Hàn Quốc còn mắc sai lầm gì khi kiểm soát virus corona?

01-03-2020 - 04:50 AM | Tài chính quốc tế

Sự thiếu quyết liệt của giới chức và chủ quan của người dân cộng với những thành phần "cứng đầu" của giáo phái Tân Thiên Địa được đánh giá là nguyên nhân làm virus corona lây lan theo cấp số nhân không thể kiểm soát và khiến Hàn Quốc "vỡ trận".

Ngoài giáo phái Tân Thiên Địa, Hàn Quốc còn mắc sai lầm gì khi kiểm soát virus corona? - Ảnh 1.

Chỉ có 28 trường hợp nhiễm virus corona ở Hàn Quốc ngày 13/2, bốn ngày sau đó cũng không có ca nhiễm bệnh nào mới. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in dự đoán dịch sẽ sớm bị đẩy lùi trong khi Thủ tướng Chung Sye-kyun nói rằng có thể không cần đeo khẩu trang khi đi ra ngoài.

Nhưng ngay sau đó, virus lây lan với tốc độ chóng mặt với quy mô không thể kiểm soát bắt đầu từ giáo phái tại Daegu, biến nơi đây thành ổ dịch lớn nhất ngoài Trung Quốc. Tổng thống Hàn Quốc đang phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích về cách thức quản lý và ứng phó với dịch bệnh khi con số ca bệnh mới tăng thêm 505 người chỉ riêng trong ngày 27/2.

Nhiều người chỉ trích rằng chính phủ của Tổng thống Moon đã sai lầm và xử lý yếu kém trước dịch bệnh, không phản ứng đủ nhanh để đóng cửa biên giới với Trung Quốc và không cung cấp đủ khẩu trang cho người dân. Virus cũng gây nên sức ép về kinh tế của nước này, sụt giảm thương mại với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc. Phe đối lập mô tả Tổng thống Moon là không có năng lực và hơn 1 triệu người Hàn Quốc đã ký vào kiến nghị trực tuyến kêu gọi luận tội ông.

Ngoài giáo phái Tân Thiên Địa, Hàn Quốc còn mắc sai lầm gì khi kiểm soát virus corona? - Ảnh 2.

"Nếu dịch bệnh không kết thúc sớm thì sẽ trở thành thảm họa cho mùa bầu cử tới. Hệ thống lãnh đạo hiện tại thì vẫn còn lúng túng với việc phải làm gì, làm như thế nào và phải tuyên truyền cho người dân ra sao", Ahn Byong-jin, chuyên gia về vấn đề lãnh đạo của các tổng thống tại Đại học Kyung Hee ở Seoul, nói.

Tuy nhiên, sự lựa chọn khá khó khăn cho Hàn Quốc. Virus xuất phát từ Trung Quốc nhưng nền kinh tế nước này phụ thuộc lớn vào Trung Quốc. Hàn Quốc đã không cấm du khách từ Trung Quốc đại lục, như hơn 40 quốc gia khác đã làm, mà chỉ cấm du khách từ Hồ Bắc. Những người chỉ trích nói rằng nếu chính phủ của ông Moon mạnh tay hơn và cấm toàn bộ người Trung Quốc thì có thể đã giúp ngăn chặn mầm bệnh và từ đó có cơ hội phục hồi kinh tế như mong muốn.

Một bài xã luận trên nhật báo theo xu hướng bảo thủ Chosun Ilbo ngày 26/2 cảnh báo rằng việc chiến đấu với dịch bệnh mà không cấm du khách Trung Quốc chẳng khác nào "chống muỗi mà lại mở cửa sổ".

Tuy nhiên, người phát ngôn của tổng thống, ông Kang Min-Seok, nói rằng không có du khách nào từ Trung Quốc xét nghiệm dương tính với virus từ khi Hàn Quốc tăng cường kiểm soát lượng người Trung Quốc đến nước này ngày 4/2. Ông cũng dẫn số liệu ca bệnh ở bên ngoài Hồ Bắc đang giảm, khiến cho việc mạnh tay vào thời điểm đó là không cần thiết.

Ngoài giáo phái Tân Thiên Địa, Hàn Quốc còn mắc sai lầm gì khi kiểm soát virus corona? - Ảnh 3.

Những người chỉ trích cũng phê phán một số quyết định ban đầu của giới chức. Thành viên giáo phái Tân Thiên Địa tại Daegu được phát hiện có triệu chứng từ ngày 7-10/2, nhiều ngày sau đó, Tổng thống Moon vẫn nói rằng tình hình tồi tệ nhất đã qua. Các tín đồ vẫn tiếp tục tham dự thánh lễ với hàng trăm người hát lớn và cầu nguyện trong một nhà thờ chật hẹp. Đến lúc này, chính phủ vẫn liên tục nhắc lại rằng người dân không cần hủy bỏ các kế hoạch tập trung đông người. Nghị sĩ quốc hội Lee In-young còn kêu gọi mọi người nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường.

Thậm chí cho đến khi ông Moon tuyên bố rằng tình hình đã ổn định vào ngày 13/2, Jung Eun-kyeong, Giám đốc CDC Hàn Quốc, cảnh báo rằng "còn quá sớm để nói rằng đã đến đỉnh dịch". "Còn rất lâu nữa chúng tôi mới có thể thông báo điều đó, chỉ khi số lượng bệnh nhân ở Trung Quốc giảm xuống và nguy cơ virus xâm nhập vào Hàn Quốc giảm đi. Cho đến lúc đó, chúng ta vẫn phải cảnh giác", ông Jung nói với các phóng viên cùng ngày.

Ngoài giáo phái Tân Thiên Địa, Hàn Quốc còn mắc sai lầm gì khi kiểm soát virus corona? - Ảnh 4.

Sự lạc quan của chính phủ chấm dứt khi bệnh nhân số 31 được xét nghiệm dương tính và kéo theo hàng trăm người khác nhiễm bệnh, tăng lên gấp đôi, thậm chí gấp ba, mỗi ngày.

"Những gì diễn ra hiện nay là sự thất bại của hệ thống dự phòng. Lý do lớn nhất của việc thất bại là chính phủ đã bỏ qua nguyên tắc kiểm soát dịch bệnh rất cơ bản: ngăn chặn nguồn lây nhiễm", Choi Dae-zip, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc nói và nhấn mạnh rằng Hiệp hội từng nhiều lần kêu gọi chính phủ cấm du khách Trung Quốc để ngăn nguồn lây bệnh.

Ngoài giáo phái Tân Thiên Địa, Hàn Quốc còn mắc sai lầm gì khi kiểm soát virus corona? - Ảnh 5.

Tình hình tồi tệ trở thành điều khá trớ trêu đối với Tổng thống Moon khi ông từng chỉ trích bà Park Geun-hye trong thời điểm lan truyền dịch hô hấp cấp Trung Đông MERS năm 2015. Ông Moon phê phán chính phủ do bà Park đứng đầu là bất tài và "chính phủ siêu lây nhiễm". Khi đó, Hàn Quốc có 186 bệnh nhân nhiễm MERS và 38 người chết.

Tuy nhiên, Hàn Quốc đã có bài học qua đợt dịch này nên khi virus corona bén rễ, giới chức Y tế truy tìm nguồn lây bệnh, cách ly bệnh nhân, xét nghiệm 10.000 người mỗi ngày. Sự gia tăng đột biến các con số những ngày qua cũng phản ánh những nỗ lực xác định nguồn lây, cách ly bệnh nhân của Hàn Quốc. Nhà chức trách cũng nhanh chóng công bố số liệu.

Các ứng dụng điện thoại được sử dụng để người dân nhanh chóng cung cấp tình hình và địa điểm mà các bệnh nhân từng đến và gửi thông báo cho những người khác khi họ đến các địa điểm đó. "Ông/bà có từng đi trên xe buýt với bệnh nhân nhiễm virus corona không?", là những câu hỏi không thể phủ nhận những nỗ lực của chính phủ trong việc này.

Ngoài giáo phái Tân Thiên Địa, Hàn Quốc còn mắc sai lầm gì khi kiểm soát virus corona? - Ảnh 6.

Ngoài ra, một khó khăn khác cho chính quyền của Tổng thống Moon là sự hợp tác và nhận thức của người dân. Khi chính phủ đã cấm tập trung đông người vì lo ngại lây lan virus thì người dân vẫn tiếp tục biểu tình và sự ngăn cấm bị coi là đàn áp chính trị. Ngày 22/2, một cuộc biểu tình xảy ra tại quảng trường Gwanghwamun, Seoul, bất chấp thời tiết lạnh buốt bởi mưa phùn và gió mạnh.

Theo truyền thông Hàn Quốc, nhóm người tụ tập để phản đối quyết định cấm biểu tình của thành phố, bất chấp việc thị trưởng Park Won-Soon đứng ra kêu gọi giải tán. Việc này khiến nhiều người tỏ ra lo ngại, bởi "càng nhiều người tụ tập, nguy cơ lây lan càng lớn. Tất cả các sự kiện tập trung đông đang bị hủy, họ không hiểu điều này sao?", một người dân nói.

Ngoài giáo phái Tân Thiên Địa, Hàn Quốc còn mắc sai lầm gì khi kiểm soát virus corona? - Ảnh 7.

Trong khi đó, những ngày giữa tháng 2, trong khi nhiều người dân đã đeo khẩu trang phòng dịch, một số người khác tỏ ra khá chủ quan trước dịch bệnh. Ngày 21/2, tại ga tàu điện ngầm Gwanghwamun ở thủ đô Seoul, nhiều người không đeo khẩu trang phòng dịch. Trả lời Money Today, ông Kim, 39 tuổi, nhân viên văn phòng, cho biết không đeo khẩu trang vì cảm thấy ngột ngạt, khó chịu.

Tương tự, anh Choi, 33 tuổi, nói rằng "vì có tiền sử viêm xoang nên nếu đeo khẩu trang sẽ rất khó thở". Yang Soo Young, 29 tuổi, thì nói rằng đeo khẩu trang sẽ khiến kính của cô mờ đi nên không đeo. Một sinh viên họ Oh lại cho hay: "Khẩu trang làm lớp trang điểm của tôi bị nhem nhuốc nên tôi không đeo được".

Người dân cũng chưa nâng cao cảnh giác khi chỉ rửa tay qua loa hoặc thậm chí không rửa tay thường xuyên. Tại một ga tàu ở Seoul ngày 20/2, vẫn có rất nhiều trường hợp không hề rửa tay hoặc nếu có cũng chỉ rửa qua loa rồi thôi.

Nhiều người ở Seoul mang tâm lý "chắc virus nó chừa mình ra" và "ai nhiễm chứ chắc tôi không bị nhiễm được". Khi được hỏi lý do không đeo khẩu trang trong khi dịch bệnh do virus corona đang diễn biến phức tạp, đa số đều trả lời rằng: "Đúng là có bất an nhưng có vẻ tôi sẽ không sao nên tôi không đeo".

Người dân cũng lên tiếng chỉ trích chính phủ khi một số thành phố của Trung Quốc đã bắt đầu cách ly khách du lịch Hàn Quốc ngay khi vừa đến Trung Quốc trong khi Hàn Quốc chưa làm như vậy với các khách Trung Quốc. Một kiến nghị trực tuyến yêu cầu ông Moon cấm nhập cảnh khách du lịch Trung Quốc đã được 760.000 người ủng hộ.

Ngoài giáo phái Tân Thiên Địa, Hàn Quốc còn mắc sai lầm gì khi kiểm soát virus corona? - Ảnh 8.

Những người khác thì tập trung lên án Tân Thiên Địa. Bản kiến nghị trực tuyến với 920.000 chữ ký yêu cầu chính phủ giải tán giáo phái này. "Tân Thiên Địa không có quyền nói về tự do tôn giáo. Qua những hành động của họ chúng ta có thể thấy họ đã gây nguy hiểm cho sức khỏe của cộng đồng", Rhyu Si-min, cựu Bộ trưởng Y tế, nói.

Ông Moon kêu gọi cả nước chung tay và những ngày tới là giai đoạn khó khăn. Tuần này, chính phủ của ông sẽ tiếp tục xét nghiệm toàn bộ 210.000 thành viên của Tân Thiên Địa trên khắp cả nước.

Trong số liệu mới nhất ngày cuối tháng 2, hơn 2.300 người nhiễm virus, hơn 50% ca nhiễm mới liên quan đến giáo phái Tân Thiên Địa. Một số tỉnh và thành phố lớn khác cũng ghi nhận các ca nhiễm mới, như Seoul có thêm 6 trường hợp, Daejeon và Busan lần lượt là 4 và 2 trường hợp. Gyeonggi có 4, và tỉnh Nam Gyeongsang có 3 người nhiễm mới.

Trong khi đó, các nhà phân tích dự báo và đề phòng tình huống tồi tệ có thể xảy ra. JPMorgan Chase & Co., ngân hàng đầu tư và dịch vụ tài chính ở New York, Mỹ, dẫn báo cáo của hệ thống bảo hiểm của họ, dự báo số người nhiễm bệnh ở Hàn Quốc có thể lên đến 10.000 người nếu nước này không có biện pháp khống chế lây nhiễm hiệu quả.

Ngoài giáo phái Tân Thiên Địa, Hàn Quốc còn mắc sai lầm gì khi kiểm soát virus corona? - Ảnh 9.
Vũ Hà
New York Times
Hương Xuân
Theo Trí Thức Trẻ1/03/2020

Vũ Hà

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên