Ngoài trông chờ vào cho vay, ngân hàng đang tích cực "ngóng" lãi từ đâu?
Phát triển dịch vụ phi tín dụng cũng là cách thức có hiệu quả nhất để thay đổi cơ cấu kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng, nhất là trong điều kiện các dịch vụ tín dụng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
"Quả ngọt dần" từ hoạt động phi tín dụng
Từ số liệu báo cáo sau 9 tháng đầu năm, bên cạnh việc thu nhập lãi thuần của các ngân hàng tăng trưởng khá đều thì thu nhập từ các hoạt động kinh doanh phi tín dụng của các ngân hàng cũng có xu hướng được cải thiện tích cực.
So với tình hình trước đó, lãi thuần từ các hoạt động kinh doanh phi tín dụng như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán, góp vốn, mua cổ phần,... đã chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu lợi nhuận.
Ví dụ Techcombank, các hoạt động kinh doanh đều lạc quan hơn so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập lãi thuần đạt hơn 2.000 tỷ trong quý III, tăng 29% so với cùng kỳ và trong 9 tháng tăng 21% đạt 6.227 tỷ đồng.
Nếu như cùng kỳ năm trước kinh doanh ngoại hối ghi nhận lỗ 89 tỷ đồng thì trong quý III năm nay lãi gần 74 tỷ và 9 tháng đạt hơn 161 tỷ đồng. Hoạt động dịch vụ đem về cho ngân hàng lãi 279 tỷ trong kỳ và hơn 911 tỷ từ đầu năm tới nay.
Nguồn thu từ các hoạt động phi tín dụng của Vietcombank đã chiếm nửa non cơ cấu lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước dự phòng 9 tháng đầu năm của ngân hàng với hơn 4,6 nghìn tỷ đồng. Cộng hưởng với thu nhập lãi thuần của Vietcombank tăng mạnh dẫn đến tổng lợi nhuận của ngân hàng tăng trưởng tốt so với cùng kỳ với 6.326 tỷ đồng, tăng 36%.
ACB cũng là một ngân hàng có kết quả kinh doanh ổn định, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 9 tháng đầu năm 2016 đạt 1.244 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015, đạt trên 83% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Mức lợi nhuận tăng dựa trên nền tảng doanh thu tăng trưởng 2%, trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 17% và thu nhập từ phí tăng 23%.
Trong quý III, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 1.656 tỷ đồng, tăng 12,5%. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh mang lại kết quả khả quan hơn so với cùng kỳ ví dụ như hoạt động dịch vụ lãi thuần 236 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 51 tỷ, mua bán chứng khoán kinh doanh lãi trên 7 tỷ.
Cần giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng
Lãi thuần từ các hoạt động dịch vụ, đầu tư có chuyển biến tích cực song thực tế, lợi nhuận ngân hàng lâu nay vẫn phụ thuộc rất lớn vào tín dụng, kể cả nhà băng lớn. Còn đối với các ngân hàng nhỏ, lãi từ mảng tín dụng có thể chiếm đến 80 - 90% thậm chí là bù đắp cho các hoạt động kinh doanh khác thua lỗ.
Chẳng hạn tại LienVietPostBank, ngân hàng này đã bất ngờ vực dậy con đường lợi nhuận sụt giảm kể từ năm 2012 đến nay, sau 3 quý đầu năm ghi nhận 865 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 2,5 lần cùng kỳ. Song có được kết quả này là nhờ vào sự đóng góp rất lớn từ thu nhập lãi thuần trong khi các hoạt động kinh doanh ngoài tín dụng đều lỗ lớn.
Tính chung 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đạt 2,9 nghìn tỷ, tăng 44% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng dư nợ cho vay khách hàng tốt đạt 72 nghìn tỷ, tăng trưởng 28%. Tuy nhiên các hoạt động kinh doanh của ngân hàng có chiều hướng đi xuống, cụ thể mảng dịch vụ lỗ 212 tỷ, mua bán chứng khoán đầu tư lỗ 230 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi gần 8 tỷ đồng; lỗ thuần từ hoạt động khác là 136 tỷ, lỗ gấp đôi cùng kỳ...
Hơn nữa, tình hình cho vay của các ngân hàng hiện nay cũng bị kiểm soát. NHNN liên tục cảnh báo về chất lượng tín dụng vào bất động sản, siết chặt tốc độ tăng trưởng tín dụng. Nguồn tin của chúng tôi cho biết, vừa qua nhiều ngân hàng đề xuất xin tăng trưởng tín dụng cao hơn nhưng không khả thi.
Ngoài ra, nguồn thu từ cho vay ngày càng khó do chi phí vốn cao trong khi lãi suất cho vay ở mức thấp. Theo chỉ đạo của Chính phủ, của NHNN, các ngân hàng cần phấn đấu giảm lãi vay. Lãnh đạo một ngân hàng quốc doanh cũng phải thừa nhận rằng việc giảm lãi suất thời điểm này là khó và các ngân hàng sẽ phải "nhịn miệng" để giảm lãi suất. Ngoài ra, để duy trì được việc này lâu dài đòi hỏi các ngân hàng phải có đủ sức khỏe trong thời gian tới. Bởi trong bối cảnh hiện nay, ngành ngân hàng đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề như nợ xấu, phải trích lập dự phòng rủi ro... Do vậy, "trông cậy" mãi vào nguồn thu từ tín dụng thì lợi nhuận của ngân hàng khó có thể bứt phá trong thời gian tới.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Tài chính ngân hàng ACB cho biết: “Tỷ lệ an toàn vốn, khả năng thanh khoản, chất lượng tài sản của ACB hiện đang ở mức rất tốt. Các vấn đề còn tồn đọng đang được xử lý một cách chặt chẽ, có hệ thống. Song, ACB sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức trong những tháng cuối năm ảnh hưởng lên NIM của ngân hàng, như chi phí huy động có thể tăng nhanh, mạnh hơn lãi suất cho vay do sự cạnh tranh từ các ngân hàng khác, bên cạnh đó tốc độ tăng trưởng dư nợ cao như đầu năm sẽ bị hạn chế bởi trần tăng trưởng tín dụng của NHNN... Chúng tôi kỳ vọng nợ xấu và chi phí dự phòng sẽ tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ tương tự như những tháng đầu năm”.
Như vậy, trong tương lai các ngân hàng cần đẩy mạnh các hoạt động bán lẻ, dịch vụ cá nhân...Phát triển dịch vụ phi tín dụng sẽ là cách thức có hiệu quả nhất để thay đổi cơ cấu kết quả hoạt động kinh doanh của ngân hàng, nhất là trong điều kiện các dịch vụ tín dụng đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, hoạt động đầu tư và kinh doanh chứng khoán gặp nhiều khó khăn như thời điểm hiện nay.
Theo các chuyên gia tài chính phân tích các dịch vụ phi tín dụng truyền thống sẽ là yếu tố nền tảng tạo ra thu nhập bền vững cho ngân hàng. Vì vậy, các nhà băng cần duy trì và nâng cao chất lượng theo hướng hoàn thiện quá trình cung cấp dịch vụ, đảm bảo tính công khai, minh bạch, đơn giản thủ tục, dễ tiếp cận và hấp dẫn khách hàng; hoàn thiện cơ chế huy động tiết kiệm với lãi suất phù hợp để huy động tối đa vốn nhàn rỗi trong xã hội vào ngân hàng.
Trí Thức Trẻ
- Nhìn vào tốc độ tăng trưởng này của các ngân hàng "bé hạt tiêu", ông lớn cũng phải khát thèm
- Ngân hàng nào đang huy động ngoại tệ nhiều nhất?
- SaigonBank: Cho vay tăng trưởng 1,5% nhưng tổng nợ xấu tăng 35%
- Ngân hàng Nam Á: Lợi nhuận quý III sụt giảm 30% do chi phí dự phòng lớn
- Các ngân hàng đang chi bao nhiêu cho bảo hiểm tiền gửi?