MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhìn vào tốc độ tăng trưởng này của các ngân hàng "bé hạt tiêu", ông lớn cũng phải khát thèm

16-11-2016 - 19:08 PM | Tài chính - ngân hàng

So với quy mô của các ngân hàng top trên thì rõ ràng nguồn vốn huy động tại các ngân hàng top dưới chỉ bằng một phần rất nhỏ, thậm chí chỉ bằng số lẻ, song dưới sức ép về mạng lưới, về thương hiệu, uy tín thì với tốc độ tăng trưởng bất ngờ cho thấy họ đã có sự nỗ lực rất lớn.

Sự bứt phá của top ngân hàng nhỏ

Các kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp, ngân hàng đang bước vào giai đoạn nước rút. Sau 3/4 chặng đường năm nay, hệ thống ngân hàng đã chứng kiến một vài điểm sáng về lợi nhuận, về tình hình xử lý nợ xấu, về tốc độ tăng trưởng huy động, đẩy mạnh tín dụng...đến từ một vài ngân hàng có quy mô nhỏ.

LienVietPostBank, Nam Á, Việt Á, NCB là những ngân hàng nhỏ có tốc độ tăng trưởng huy động trên 20% sau 9 tháng vừa qua.

Nam Á đã thu hút được 32,2 nghìn tỷ, tăng trưởng 32,5%. Với kết quả này, Nam Á là ngân hàng có tốc độ tăng trưởng huy động vốn cao thứ hai trong số tất cả các ngân hàng đã công bố BCTC. Còn vị trí số một thuộc về LienVietPostBank với tốc độ tăng trưởng 35%. LienVietPostBank là ngân hàng thương mại cổ phần có mạng lưới lớn nhất với chi nhánh đầy đủ ở tất cả 63 tỉnh/thành trên toàn quốc và hơn 10.000 điểm giao dịch trên mạng lưới bưu điện đến tận cấp huyện, xã. Đây cũng là một lợi thế.

Theo số liệu tổng hợp của chúng tôi, sau 9 tháng đầu năm, BIDV là ngân hàng huy động được nguồn tiền gửi lớn nhất, với hơn 700 nghìn tỷ đồng, theo sau là VietinBank với 625 nghìn tỷ đồng và Vietcombank đứng thứ ba với hơn 573 nghìn tỷ.

Trong nhóm cổ phần, Sacombank dẫn đầu với hơn 285 nghìn tỷ đồng tiền gửi, tiếp đến là ACB với hơn 201 nghìn tỷ. Các ngân hàng còn lại đều huy động dưới con số 200 nghìn tỷ đồng, với thứ tự thuộc về MB, Techcombank, SHB...Các ngân hàng top đầu huy động được nhiều vốn là điều dễ hiểu bởi mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch của họ lớn hơn nhiều các ngân hàng khác.

So với quy mô của các ngân hàng top trên thì rõ ràng lượng vốn hút về tại các ngân hàng top dưới chỉ bằng một phần rất nhỏ, thậm chí chỉ bằng số lẻ. Song dưới sức ép về mạng lưới, về thương hiệu, uy tín thì với tốc độ tăng trưởng mạnh như trên có thể thấy rằng họ đã có sự nỗ lực rất lớn.

Hơn nữa, đặt trong bối cảnh chung thì đây quả là những kết quả đáng ghi nhận nếu như các ông lớn họ huy động vốn tăng trưởng nhẹ, có hiện tượng "bão hòa" như MB và Eximbank chỉ tăng trưởng trong khoảng 3-5%. Hoặc VPbank - một ngân hàng có tốc độ tăng trưởng nóng thời gian vừa qua cũng có dấu hiệu hụt hơi, tăng trưởng huy động âm sau 9 tháng đầu năm (-3%).

Huy động tốt, cho vay cũng rất khá

Có ý kiến cho rằng các con số về huy động vốn mà nhà băng thống kê chưa thể nói được rằng ngân hàng nào huy động hiệu quả hơn ngân hàng nào, mà còn phải căn cứ vào chiến lược hoạt động của họ. Chẳng hạn, có ngân hàng đưa ra mục tiêu mở rộng mạng lưới là để gia tăng kênh bán hàng, từ đó tăng thêm lợi nhuận hoặc cũng có ngân hàng chiến lược của họ là tăng cường huy động vốn cho hoạt động ngân hàng nói chung (trong đó không loại trừ trường hợp bù đắp thanh khoản, thậm chí là phục vụ các doanh nghiệp sân sau) thì việc mở rộng mạng lưới là để huy động chứ không phải để cung ứng dịch vụ.

Chính vì vậy, nhìn con số huy động vốn cũng phải nhìn sang cả nguồn đẩy cho tín dụng thì rõ ràng hơn, tức là tránh trường hợp, huy động nhiều nhưng cho vay chẳng được bao nhiêu - hiện tượng "khê" vốn.

Theo quan sát của chúng tôi tại các ngân hàng có tốc độ huy động vốn tăng mạnh thì tình hình cho vay cũng rất sáng sủa, mang lại thu nhập lãi thuần rất tốt cho các nhà băng này.

LienVietPostBank đã bất ngờ vực dậy con đường lợi nhuận sụt giảm kể từ năm 2012 đến nay. Sau 9 tháng đầu năm, ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế 865 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Cho vay khách hàng tăng mạnh là yếu tố quyết định đến lợi nhuận ngân hàng này, bởi sự đóng góp rất lớn từ thu nhập lãi thuần trong khi các hoạt động kinh doanh ngoài tín dụng đều lỗ lớn. Nếu các hoạt động dịch vụ phi tín dụng khởi sắc hơn thì có lẽ LienVietPostBank đã có thêm những "quả ngọt" sau mùa kinh doanh thứ 3 của năm nay.

Tương tự, tại Việt Á, ngân hàng này tăng trưởng huy động 24%, cho vay tăng trưởng mạnh 31%, Lũy kế 9 tháng đầu năm, VietABank ghi nhận gần 101 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 42% so với cùng kỳ.

Tùy thuộc vào chiến lược mỗi ngân hàng

Lý giải về việc giảm mạnh trong việc hút vốn, lãnh đạo của VPBank cho biết nhu cầu vốn của khách hàng thấp vào thời điểm đầu năm, do đó để đảm bảo cân đối giữa cơ cấu nguồn và sử dụng nguồn, giảm chi phí vốn nên ngân hàng đã chủ động tiết giảm tốc độ huy động vốn. Và nửa cuối năm các yếu tố nội tại cũng như môi trường kinh doanh đã được cải thiện nên ngân hàng đã có biện pháp tăng cường huy động, thúc đẩy dư nợ, đảm bảo tăng trưởng tổng tài sản đạt con số dự kiến và qua đó tăng hiệu quả kinh doanh.

Đó là chiến lược kinh doanh của VPBank còn tại các ngân hàng có quy mô lớn khác như VietinBank chẳng hạn, họ vẫn tăng cường hút tiền gửi nhàn rỗi của khách hàng. Tốc độ huy động vốn sau 3 quý đầu năm tại ngân hàng này tăng mạnh 27% và dường như VietinBank cứ huy động được 1 đồng thì lại cho vay hết 1 đồng. Bằng chứng là kết quả tiền gửi của khách hàng ngang bằng với con số dư nợ cho vay ở mức 625 nghìn tỷ đồng.

Một cái tên khác là Techcombank. Ngân hàng một mặt vẫn đẩy mạnh huy động vốn 15%, mặt khác vẫn tăng cường cho vay tăng trưởng 21%. Xét riêng về hoạt động tín dụng, ngân hàng cho biết dư nợ cho vay cá nhân hiện chiếm 43,5% tổng danh mục cho vay của ngân hàng. Nhờ đẩy mạnh cho vay mua nhà, mua ô tô nên cho vay khách hàng cá nhân tăng đến 54% trong quý vừa qua. Dư nợ cho vay nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn cũng tăng tới 41% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của Techcombank đạt 2.864 tỷ đồng, tăng 84,6% so với cùng kỳ và sau thuế 2.290 tỷ, tăng 89,5%.

Rõ ràng, câu chuyện hút - nhả vốn, ưu tiên cái này, hạ thấp chỉ tiêu kia là chiến lược của mỗi ngân hàng song chắc chắn với việc cải thiện dịch vụ, thái độ chăm sóc khách hàng, lãi suất hấp dẫn... sẽ là chìa khóa giúp các ngân hàng mở rộng thị phần của mình, đặc biệt là tại các ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ muốn đẩy mạnh thương hiệu và uy tín.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên