Ngoại trưởng Mỹ: Brexit có thể không bao giờ xảy ra
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ - ông John Kerry – cho rằng vẫn còn rất nhiều cách để Vương quốc Anh tránh khỏi Brexit.
- 29-06-20167 thành phố này sẽ "hạ bệ" ngai vàng trung tâm tài chính kinh tế của London
- 29-06-2016Brexit ảnh hưởng tới nước Mỹ như thế nào?
- 29-06-2016Đây là thị trường chứng khoán duy nhất trên thế giới thờ ơ với Brexit
Theo hãng tin AFP, ông Kerry đã phát biểu tại lễ hội Aspen Ideas Festival (Colorado, Mỹ) rằng nước Anh có rất nhiều cách để không phải rời Liên minh Châu Âu (EU) mặc dù 51,8% số phiều bầu trong cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 23/6 ủng hộ Brexit.
Một ngày sau cuộc nói chuyện với Thủ tướng Anh – ông David Cameron – tại Downing Street, ông Kerry cho biết vị lãnh đạo của nước Anh đã rất miễn cưỡng trong việc "cầu cứu" Điều 50 của Hiệp ước Lisbon nhằm kích hoạt các điều khoản để Anh có thể rời EU sau 2 năm đàm phán.
Theo ông Kerry, đây là “một vụ li dị vô cùng phức tạp”.
Ông Kerry cho rằng ông Cameron đã cảm thấy bất lực và điều này cũng khá hợp lý bởi vị Thủ tướng Anh phải bắt đầu đàm phán một điều mà ông không tin tưởng cũng như không biết phải làm điều đó ra sao.
Ngoại trưởng Mỹ cũng ngầm ám chỉ việc ông Boris Johnson – người được coi là ứng cử viên sáng giá nhất thay thế vị trí của ông Cameron khi vị Thủ tướng đương nhiệm từ chức vào tháng 10 – cũng không biết mình phải làm gì mặc dù ông Johnson là một trong những người dẫn đầu phong trào kêu gọi Brexit.
Ngay sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý được đưa ra, ông Johnson đã lên tiếng cho rằng nước Anh không cần phải vội vàng trong việc kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon.
Khi được hỏi về việc liệu quyết định Brexit có thể được rút lại hay không, ông Kerry cho rằng điều đó là hoàn toàn có thể nhưng lại không đưa ra bất kỳ bình luận cụ thể nào về tiến trình thực hiện.
Ông Kerry nói: “Tôi nghĩ rằng có một số cách để ngăn chặn Brexit. Là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, tôi không muốn công bố điều này bởi như vậy có thể là sai lầm. Nhưng có cách để ngăn chặn điều đó”.
Vị Bộ trưởng này cũng dự báo rằng Brexit có thể sẽ không xảy ra bởi cuộc biểu tình ở Anh chống lại Brexit và hàng ngàn chữ ký nhằm yêu cầu tổ chức cuộc trưng cầu dân ý thứ 2.
Các luật sư hiến pháp cũng cho biết các nghị sĩ vẫn có quyền hợp pháp để bác bỏ mọi động thái kích hoạt Brexit. Luật sư hàng đầu nước Anh – ông Geoffrey Robertson QC – cho biết cuộc trưng cầu dân ý diễn ra ngày 23/6 “hoàn toàn chỉ mang tính chất tham khảo”.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu – ông Jean Claude Juncker – đã tỏ rõ quan điểm khi cho rằng đây sẽ không phải là “một cuộc chia ly thân thiện” và Vương quốc Anh nên bắt đầu đàm phán các điều khoản rời khỏi EU ngay từ bây giờ.
Từ lâu, chính phủ Mỹ đã tỏ thái độ phản đối Brexit. Trong chuyến thăm Anh hồi tháng 4, Tổng thống Barack Obama đã nói rằng nếu Anh quyết định rời EU thì tất cả các thỏa thuận thương mại giữa hai nước sẽ phải được xem xét lại.
Mặc dù vậy, ngày 28/6, ông Obama đã lên tiếng xoa dịu vấn đề về ngoại giao và thị trường tài chính do Brexit gây ra. Trong lời phát biểu trên đài American National Public Radio, Tổng thống Mỹ cho biết ông sẽ không phóng đại Brexit. Đã có một chút hoảng loạn sau cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, giống như thể khối NATO tan rã, khối liên minh xuyên Đại Tây Dương bị giải tán và tất cả các nước đang trốn vào góc của mình. Nhưng theo ông Obama, đó không phải là những điều đang thực sự xảy ra.
Ông Obama cho rằng cách tốt nhất để nghĩ về điều này là việc cho rằng kế hoạch hội nhập toàn châu Âu đang bị dừng lại một chút.
NDH