MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông giữa đỉnh điểm xung đột Gaza: Nỗ lực giảm sức ép lên Israel không thành

10-11-2023 - 13:25 PM | Tài chính quốc tế

Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken đã tiến hành chuyến thăm Trung Đông gồm các nước Israel, Jordan, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ từ 3-6/11/2023.

Đây là chuyến thăm Israel lần thứ ba của ông Blinken kể từ khi xung đột Israel - Hamas bùng nổ ngày 7/10.

Ngày 4/11/2023, tại Thủ đô Amman của Jordan, ông Blinken đã có cuộc họp với những người đồng cấp Ả Rập có quan hệ chặt chẽ với Mỹ gồm Ngoại trưởng Jordan Ayman Al-Safadi, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shukri, Ngoại trưởng Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) Sheikh Abdullah bin Zayed, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan al Saud, Ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman bin Jassim Al Thani và Thư ký Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) Hussein al Sheikh.

Bối cảnh chuyến thăm

Cuộc chiến Israel - Hamas leo thang đến đỉnh cao sau khi Israel đổ bộ vào Gaza, tàn phá các cơ sở hạ tầng của thành phố và gây thảm họa nhân đạo chưa từng có. Số người thiệt mạng ở Gaza vượt quá 10 nghìn người, trong đó có hơn một nữa là phụ nữ và trẻ em; hơn 32 nghìn người bị thương.

Theo nhiều nguồn khác nhau, về phía Israel, hơn 1.400 người bị giết, hầu hết là dân thường, khoảng 350 binh sĩ bị thiệt mạng, hơn 5.000 người bị thương và hơn 200 người khác bị Hamas bắt giữ làm con tin. Trong khi đó khoảng một nghìn người, trong đó có 400 người có quốc tịch Mỹ và người thân của họ, đang yêu cầu Washington hỗ trợ rời khỏi Gaza.

Việc đưa hàng hóa cứu trợ của quốc tế vào Gaza gặp nhiều khó khăn các cuộc pháo kích của Israel, ở Gaza không có nơi nào an toàn.

Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông giữa đỉnh điểm xung đột Gaza: Nỗ lực giảm sức ép lên Israel không thành - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ đã nỗ lực tiến hành ngoại giao con thoi ở Trung Đông. Ảnh: Reuters

Phong trào phản đối các hành động bạo lực của Israel chống lại Gaza bùng nổ và ngày càng lan rộng trên khắp thế giới, kể cả ở Mỹ và Israel. Các nước kêu gọi Washington gây áp lực buộc Israel tuyên bố ngừng bắn.

Mục đích chuyến thăm

Theo Washington Post, mục đích chính chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken đến Trung Đông lần nay là nhằm ngăn chặn sự leo thang hơn nữa của cuộc xung đột, thuyết phục Israel đồng ý một cuộc ngừng bắn tạm thời để giải quyết các vấn đề nhân đạo, đưa hàng viện trợ nhân đạo vào Gaza, cho phép sơ tán tất cả người Mỹ khỏi Gaza, đổng thời yêu cầu phong trào Hamas trả tự do vô điều kiện cho các con tin đang bị giam giữ.

Ông Blinken cũng thảo luận với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas về giải pháp hai nhà nước nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel - Palestine.

Trong chuyến thăm khu vực lần này, ông Blinken mang theo một số ý tưởng để thảo luận với những người đồng cấp các nước Ả Rập về kế hoạch quản lý Gaza sau chiến tranh kết thúc. Washington đưa ra ba đề xuất: Thứ nhất là chính quyền Dân tộc Palestine (PNA) của Tổng thống Mahmoud Abbas sẽ quay trở lại nắm quyền quản lý, kiểm soát và chịu trách nhiệm cuối cùng về an ninh ở Dải Gaza.

Thứ hai là trao quyền kiểm soát tạm thời đối với Gaza cho các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông, tốt nhất là Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Ả Rập Saudi với sự hỗ trợ của một lực lượng gìn giữ hòa bình gồm quân đội Mỹ, Anh, Đức và Pháp.

Thứ ba là việc quản lý tạm thời Dải Gaza sẽ được thực hiện dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc.

Ngoại trưởng Mỹ tới Trung Đông giữa đỉnh điểm xung đột Gaza: Nỗ lực giảm sức ép lên Israel không thành - Ảnh 2.

Chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ được cho không đạt kết quả mong muốn. Ảnh: AP

Chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken không như mong đợi

Chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Blinken đã không đạt được kết quả mong muốn nếu không muốn nói là thất bại. Ý kiến này được Dominic Waghorn, nhà quan sát chính sách đối ngoại kênh truyền hình Sky News của Anh đưa ra hôm 6/11.

Theo ông Waghorn, tất cả các chuyến thăm của ông Blinken tới Israel, Jordan, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đều không đạt được mục tiêu nào.

Ông Blinken hy vọng có thể thuyết phục Israel chấp nhận ngừng bắn tạm thời để đưa hàng cứu trợ nhân đạo cho người dân Gaza. Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã bác bỏ đề xuất này của Ngoại trưởng Mỹ.

Ông Netanyahu nhấn mạnh Tel Aviv sẽ không đồng ý đình chiến nếu tất cả các con tin bị Hamas giam giữ không được thả và chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza sẽ tiếp tục đến khi giành được thắng lợi.

Tại cuộc họp ở Amman, các Ngoại trưởng Ả Rập nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là ngừng bắn vô điều kiện ở Gaza và bác bỏ ý kiến của Mỹ cho rằng những gì Israel đang làm ở Gaza là để tự vệ, đồng thời cho rằng "số thương vong dân sự ở Gaza không thể được biện minh dưới bất kỳ lý do nào và cuộc chiến này sẽ không mang lại an ninh cho Israel và khu vực. Các Ngoại trưởng Ả Rập kêu gọi một cuộc điều tra quốc tế về "những vi phạm trắng trợn" của Israel trong cuộc chiến ở Gaza.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Blinken ủng hộ Israel, lý giải cho chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chiến tranh không mở rộng sang các khu vực khác. Ông cho rằng, ngừng bắn có nghĩa là cho phép Hamas khôi phục lại sức mạnh và tiếp tục cuộc các cuộc tấn công Israel.

Các nỗ lực của ông Blinken nhằm thảo luận với các nước Ả Rập để tìm ra giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Palestine - Israel cũng không đạt kết quả. Họ cho rằng, với việc Mỹ ủng hộ chiến dịch của Israel tại Gaza thì những lời nói như vậy là không phù hợp. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Ả Rập còn yêu cầu Mỹ phải gây sức ép buộc Israel ngừng xây dựng các khu định cư ở Bờ Tây.

Trong cuộc tiếp Ngoại trưởng Blinken tại Ramallah, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã bác bỏ ý tưởng trao quyền kiểm soát Gaza cho Chính quyền Dân tộc Palestine (PNA).

Ông nêu rõ: "Gaza là một phần không thể tách rời của Nhà nước Palestine và PNA sẽ không quay trở lại quản lý Gaza nếu không có tiến trình hòa bình thực sự dẫn đến việc thành lập hai nhà nước có chủ quyền. PNA sẽ chỉ chịu toàn bộ trách nhiệm của mình trong khuôn khổ một giải pháp chính trị toàn diện cho cuộc xung đột, bao gồm cả Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza".

Các cuộc đàm phán của Ngoại trưởng Blinken với Thổ Nhĩ Kỳ tại Ankara cũng gặp khó khăn do mối quan hệ mật thiết của Ankara với Hamas. Ông đã không được Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tiếp. Ankara bất bình vì Mỹ ủng hộ Israel tấn công, pháo kích Gaza và gây thương vong cho dân thường.

Tổng thống Erdogan đã nhiều lần lên án chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza, tố cáo phương Tây áp dụng tiêu chuẩn kép trong quan hệ quốc tế khi so sánh giữa tình hình ở Ukraine và Gaza.

Quốc hội Mỹ vừa thông qua viện trợ bổ sung cho Israel 14,3 tỷ USD, đồng thời đưa hai tàu sân bay, nhiều tàu chiến đến khu vực và triển khai 2000 quân sẵn sàng hỗ trợ Israel.

Tại cuộc gặp Thủ tướng Netanyahu, ông Blinken tuyên bố: "Chúng tôi đứng về phía Israel".

Trong tình hình như vậy, chuyến thăm Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken không phải để chấm dứt cuộc chiến, mà thông qua đây tìm cách làm giảm áp lực quốc tế lên Israel trước các diễn biến trên thực địa ở Gaza và không cản trở Israel tiếp tục các hoạt động quân sự tại đây.

Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt lại.


Theo Đại sứ Nguyễn Quang Khai

Đời sống & pháp luật

Trở lên trên