MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngồi nhà bán 2000 chiếc áo phao với doanh thu gần 5 tỷ đồng, người đàn ông bị cảnh sát bắt giữ: Đường dây phạm tội hơn 46 tỷ đồng bị vạch trần

20-12-2024 - 14:29 PM | Sống

Ngồi nhà bán 2000 chiếc áo phao với doanh thu gần 5 tỷ đồng, người đàn ông bị cảnh sát bắt giữ: Đường dây phạm tội hơn 46 tỷ đồng bị vạch trần

Sau khi vào cuộc điều tra, sự thật đằng sau những đơn hàng ‘‘khủng’’ của người đàn ông đã bị cảnh sát phanh phui.

Năm 2020, Cục cảnh sát Khố Luân Kỳ (Trung Quốc) đã tiến hành khám xét một cơ sở kinh doanh mặt hàng thời trang trên địa bàn. Cũng từ đây, một đường dây buôn bán hàng giả, hàng nhái quy mô lớn bị phanh phui. Đối tượng đứng đầu đường dây là Mỗ (47 tuổi) đã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

Cụ thể, theo thông tin từ Cục cảnh sát Khố Luân Kỳ, Mỗ là công dân sinh ra và lớn lên ở địa phương. Từ năm 20 tuổi, Mỗ đã bắt đầu làm quen với công việc kinh doanh, buôn bán các mặt hàng như: Đồ tiêu dùng, thực phẩm, hoa quả,... Nhờ có tài ăn nói, công việc làm ăn của Mỗ ngày một phát triển và có thêm nhiều mối quan hệ chất lượng. Ở tuổi 30, anh ta đã mua được nhà và 3 chiếc xe hơi. 

Đến năm 2017, nhận thấy thị trường thời trang chuyển biến tích cực, Mỗ tận dụng các mối quan hệ của bản thân để ‘‘lấn sân’’ sang kinh doanh ngành hàng này. Chỉ sau khoảng 2 năm, Mỗ đã xây dựng thành công một kênh bán hàng online với hơn 500.000 người theo dõi. Mỗi ngày, cửa hàng của anh ta nhận được hàng nghìn đơn đến từ khắp các tỉnh thành của Trung Quốc. Từ đây, Mỗ bắt đầu mở rộng quy mô kinh doanh để tăng lợi nhuận. Bên cạnh trở thành nguồn cung cho các shop nhỏ lẻ, Mỗ còn bắt đầu học livestream để thu hút thêm khách hàng và tăng tỷ lệ ‘‘chốt đơn’’. 

Ngồi nhà bán 2000 chiếc áo phao với doanh thu gần 5 tỷ đồng, người đàn ông bị cảnh sát bắt giữ: Đường dây phạm tội hơn 46 tỷ đồng bị vạch trần- Ảnh 1.

Kể từ khi chuyển sang livestream bán hàng, shop của Mỗ chốt được nhiều đơn hơn. Ảnh minh họa.

Vào tháng 12 năm 2020, trong một buổi livestream bán áo phao, khi vừa đạt thành tích chốt được hơn 2.000 đơn hàng, Mỗ bất ngờ bị cảnh sát ập vào bắt giữ. Tại hiện trường,  lực lượng chức năng thu giữ hơn 12.000 chiếc áo khoác có nhãn hiệu của một thương hiệu nổi tiếng. 

Trước đó, đội điều tra của Cục cảnh sát đã nhận được thông tin nghi ngờ đường dây sản xuất và buôn bán hàng giả quy mô lớn do Mỗ ‘‘cầm đầu’’ đang diễn ra trên địa bàn. Sau khi điều tra, cảnh sát xác nhận hoạt động kinh doanh của Mỗ có nhiều điểm đáng nghi. 

Khi bị bắt, Mỗ đã khai nhận toàn bộ hành vi buôn bán và sản xuất hàng giả của mình. Theo đó, đối tượng đã bán hàng nhái các sản phẩm của một thương hiệu trên thị trường với số tiền kinh doanh trái phép hơn 14 triệu Nhân dân tệ (tương đương 46 tỷ đồng). Riêng khoản tiền mà Mỗ thu được trong phiên livestream bán 2.000 chiếc áo phao đã lên đến gần 1,5 triệu Nhân dân tệ (tương đương 5 tỷ đồng). 

Chưa dừng lại ở đó, Mỗ cho biết bản thân nhiều lần hối lộ cán bộ hải quan và quản lý thị trường nhằm che đậy hoạt động kinh doanh mờ ám của mình. Những lần bị khách tố cáo bán hàng giả, anh ta đều nhờ cậy ‘‘người quen’’ và các mối quan hệ của bản thân để lấp liếm. 

Ngồi nhà bán 2000 chiếc áo phao với doanh thu gần 5 tỷ đồng, người đàn ông bị cảnh sát bắt giữ: Đường dây phạm tội hơn 46 tỷ đồng bị vạch trần- Ảnh 2.

Nhiều tài sản và kho xưởng của Mỗ bị niêm phong. Ảnh minh họa.

Sau khi bị bắt giữ, nhiều tài sản gồm nhà, xe, tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm cùng 5 kho xưởng của Mỗ đã bị niêm phong nhằm phục vụ cho quá trình điều tra. Từ đây, cảnh sát đã mở rộng chuyên án và phát hiện thêm nhiều đường dây buôn bán và sản xuất hàng giả khác trên toàn Trung Quốc. 

Căn cứ vào tính chất và mức độ nghiêm trọng của vụ việc, tòa án cho rằng hành vi của Mỗ không chỉ liên quan đến việc sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, mà còn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của nhiều thương hiệu và vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng. Do đó, Mỗ bị kết án 6 năm tù và giao nộp 6 triệu Nhân dân tệ (tương đương 20 tỷ đồng) tiền bồi thường thiệt hại. 

Sau sự việc, phía cảnh sát và tòa án cảnh báo việc sản xuất và bán hàng giả không chỉ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh lành mạnh của các thương hiệu hợp pháp mà còn gây tổn hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Các cá nhân, tổ chức vi phạm không chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự mà trong trường hợp nghiêm trọng còn có thể phải chịu trách nhiệm hành chính và hình sự.

 (Theo Sina) 

Khuê Hiền

Đời Sống Pháp Luật

Trở lên trên