MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngồi tàu đi một mạch "từ Trung Quốc đến Mỹ": Kỹ thuật xây đường sắt đã đi xa tới đâu?

06-11-2021 - 11:56 AM | Tài chính quốc tế

Ngồi tàu đi một mạch "từ Trung Quốc đến Mỹ": Kỹ thuật xây đường sắt đã đi xa tới đâu?

Việc xây dựng tuyến đường sắt nối từ Trung Quốc sang Mỹ đã được đề xuất từ năm 2014.

Một tuyến đường sắt dài 13.000 km từ Trung Quốc đến Mỹ, với một phần chạy dưới lòng biển qua eo biển Bering sẽ là bước hoàn thiện của sáng kiến Vành đai và Con đường với khả năng kết nối cả thế giới bằng đường sắt. Tuy vậy, điều đó dường như sẽ không bao giờ xảy ra.

Theo các cuộc khảo sát, chỉ có một số ít người hoàn toàn tin tưởng rằng dự án này sẽ được hoàn thành. Ý tưởng đường sắt Trung-Mỹ đã được thảo luận từ năm 2014 và dường như nó vẫn chỉ nằm trên sách vở.

Cụ thể, tuyến đường có tên Trung Quốc-Nga-Canada-Mỹ đã được Trung Quốc đề xuất lần đầu tiên vào năm 2014. Con đường bắt đầu đi từ Trung Quốc đại lục, chạy qua Siberia, đi qua eo biển Bering vào Alaska, tiếp tục đến Canada và điểm dừng cuối cùng là Mỹ.

Tuyến đường sắt nói trên là mơ ước của nhiều kỹ sư trong nhiều thế kỷ. InterBering, một công ty có trụ sở tại Alaska, đang tích cực làm việc để hiện thực hóa Đường hầm eo biển Bering.

8% khối lượng hàng hóa toàn cầu

Tuyến đường sắt Trung Quốc-Nga-Canada-Mỹ có thể cung cấp lượng lưu chuyển hàng hóa lên đến 100 triệu tấn, tương đương 8% hàng hóa vận chuyển trên thế giới mỗi năm giữa châu Âu, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada và Mỹ. Hơn nữa, nó sẽ cho phép hành khách đi lại giữa Mỹ và Nga chỉ trong hơn 20 phút nếu đi bằng tàu cao tốc. Dự án này được mệnh danh là Cầu Thế giới, vì nó sẽ kết nối cả thế giới bằng đường sắt.

Ngồi tàu đi một mạch từ Trung Quốc đến Mỹ: Kỹ thuật xây đường sắt đã đi xa tới đâu? - Ảnh 1.

Một con tàu ở Connecticut, Mỹ.

Tuy nhiên, không có gì ngạc nhiên khi đa số người được hỏi trong khảo sát không tin tưởng vào dự án này. Về mặt kỹ thuật, dự án rất thách thức, chi phí cao ngất ngưởng, và quan trọng nhất là quan hệ chính trị giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc không phải trong thời kì tốt đẹp. Hơn nữa, cũng khó xác định ai là người sẽ xây dựng đường sắt khổng lồ này, bởi mỗi bên đều có những tham vọng của riêng mình.

Khả thi về kỹ thuật

Về mặt kỹ thuật, việc vượt qua eo biển Bering là nhiệm vụ thách thức nhất. Nếu một đường hầm dưới nước được xây dựng ở đây, nó sẽ là đường hầm dài nhất thế giới, kéo dài hơn 103km. Trong khi đó, đường hầm Channel, hiện là đường hầm dài nhất thế giới, dài 50 km. InterBering, một công ty có trụ sở tại Alaska, đang tích cực xử lí dự án này.

Dự án sẽ bao gồm việc xây dựng 3 đường hầm song song dưới eo biển Bering, cùng với các đoạn đường sắt nối với hệ thống đường sắt trên mỗi lục địa. InterBering cho hay: "2 đường hầm sẽ phục vụ giao thông 2 chiều và bao gồm 2 tầng: tầng dưới dành cho hàng hóa và hành khách di chuyển chậm, và tầng trên dành cho tàu cao tốc. Đường hầm thứ 3 sẽ hoạt động như một đường hầm khẩn cấp và được đặt ở giữa."

Theo công ty, dự án sẽ mất 12-15 năm, với chi phí ước tính khoảng 35 tỷ USD.

Các yếu tố tốn kém khác

Những yếu tố kể trên mới chỉ là chi phí xây đường sắt dưới biển. Để biến dự án trở thành tuyến đường kết nối giữa Trung Quốc và Mỹ, các cơ sở hạ tầng mới cần phải được xây dựng trên đất liền. Về phía Nga, ga cuối gần nhất nằm cách đó 3.000 km, trong khi ở Alaska, dự án sẽ cần khoảng 1.200 km đường sắt mới. Điều khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn là đường sắt của Nga và Mỹ sử dụng các khổ đường ray khác nhau, tác giả Ed Peters trên tờ South China Morning Post cho hay.

Chính việc thiếu cơ sở hạ tầng sẽ khiến dự án gặp thách thức lớn về tài chính. Tổng chi phí ước tính lên tới khoảng 200 tỷ USD. Nhưng theo các chuyên gia, chi phí sẽ còn đội lên thêm.

Các tác nhân khác

Mặc dù Interbering tuyên bố sẽ "tích cực đưa ra một thỏa thuận lịch sử giữa Thống đốc bang Alaska (Mỹ) và Chukotka Autonomous Okrug (Nga), biến đường hầm đường sắt này thành hiện thực trong tương lai, nhưng Trung Quốc dường như là một vấn đề khác".

Ngồi tàu đi một mạch từ Trung Quốc đến Mỹ: Kỹ thuật xây đường sắt đã đi xa tới đâu? - Ảnh 2.

Các tuyến đường hầm vượt biển luôn là thách thức với nhân loại.

Trung Quốc và Nga có rất ít khả năng sẽ hợp tác trong dự án này. Tới nay, Nga-Trung đã có tuyến đường sắt dài nhất trên thế giới: Tuyến Xuyên Siberia. Hai nước đã hợp tác rất chặt chẽ trong vài năm qua để tạo thành cầu nối giữa châu Âu và châu Á, và tuyến đường sắt đến Mỹ sẽ là một phần mở rộng của nỗ lực này.

Tuy nhiên, khả năng Mỹ sẵn sàng làm việc với Nga và Trung Quốc sẽ ít có khả năng xảy ra. Hiện tại, mối quan hệ giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc không quá tốt đẹp. Giữa lúc Trung Quốc nổi lên như quốc gia "khuấy đảo" kinh tế thế giới, Mỹ có khả năng cao sẽ không mong muốn tạo thêm điều kiện cho Trung Quốc tăng trưởng.

Trước khi đạt được sự đồng thuận và nguồn tài trợ được cung cấp từ tất cả các bên, tuyến Trung Quốc-Nga-Canada-Mỹ có thể vẫn sẽ chỉ là một dự án trong mơ.

Theo Tất Đạt

Doanh nghiệp & Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên