MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngọn núi ở Hà Nội có loài cây là "vàng lộ thiên", mỗi cá thể gắn mã QR, lắp camera bảo vệ nghiêm ngặt

19-10-2024 - 21:32 PM | Sống

Ngọn núi ở Hà Nội có loài cây là "vàng lộ thiên", mỗi cá thể gắn mã QR, lắp camera bảo vệ nghiêm ngặt

Chế độ bảo vệ nghiêm ngặt cho thấy giá trị của loài cây này.

"Ngọn núi triệu đô" nơi có quần thể loài cây quý hiếm

Núi Sưa, một ngọn núi nhỏ nằm trong Công viên Bách Thảo ở thành phố Hà Nội, nổi tiếng với ngọn núi này. Phía Đông núi Sưa là đền Sưa, được xây dựng từ thế kỷ 19, nơi thờ Huyền Thiên Hắc Đế - vị thần anh hùng trong công cuộc chống ngoại xâm, giữ vững độc lập, tự chủ của quốc gia. Đền có tấm biển với dòng chữ "Sưa sơn lăng miếu", có nghĩa là "ngôi miếu trên núi Sưa".

Ngọn núi ở Hà Nội có loài cây là "vàng lộ thiên", mỗi cá thể gắn mã QR, lắp camera bảo vệ nghiêm ngặt- Ảnh 1.

Núi Sưa, một ngọn núi nhỏ nằm trong Công viên Bách Thảo ở thành phố Hà Nội mang tên từ loài cây sưa đỏ quý hiếm. (Ảnh: VnExpress)

Ngọn núi cũng mang tên từ loài cây sưa đỏ quý hiếm trị giá bạc tỷ và được mệnh danh là núi "triệu đô" của Hà Nội. Bởi đây là nơi có quần thể 40 cây sưa đỏ cổ thụ trên 100 tuổi. 

Những cây sưa cổ thụ này có đường kính thân cây rộng đến mức một người không thể ôm hết. Cây to nhất có đường kính khoảng 75cm và cây nhỏ nhất có đường kính khoảng 10cm. Mỗi cây được theo dõi cẩn thận với một bộ hồ sơ riêng được hiển thị dưới dạng mã QR, bao gồm thông tin về vị trí, đường kính và tình trạng sống cụ thể của cây đó. Thậm chí, xung quanh các gốc sưa đỏ này luôn được trang bị các vòng tròn dây thép gai kiên cố gắn camera theo dõi, bảo vệ.

Ngọn núi ở Hà Nội có loài cây là "vàng lộ thiên", mỗi cá thể gắn mã QR, lắp camera bảo vệ nghiêm ngặt- Ảnh 2.

Những cây sưa đỏ ở núi Sưa đều được bảo vệ cẩn thận. (Ảnh: Trí thức trẻ)

Đặc điểm của loài cây quý hiếm

Cây sưa có tên khoa học là Dalbergia tonkinensis Prain, là một loài cây thân gỗ thuộc họ đậu. Cây sưa đỏ, còn được biết đến với các tên gọi khác như trắc thối, huỳnh đàn hay huê mộc vàng, tại Việt Nam loài cây này thuộc danh mục 1A - một danh mục cấm không cho phép khai thác và sử dụng vào mục đích thương mại. Loại gỗ này rất hiếm và quý giá, hiện nay số lượng mọc tự nhiên trong rừng rất ít, phần lớn đã bị khai thác. Ngày nay, chỉ có một số ít cây sưa đỏ được bảo tồn và giữ gìn tại các khu công viên và nhà chùa.

Cây sưa có kích thước trung bình, thường rụng lá theo mùa và đạt chiều cao từ 6 đến 12 mét. Cây sưa đỏ thích nghi với điều kiện ánh sáng mạnh và phát triển tốt trên đất sâu, dày và ẩm. Theo kinh nghiệm của người trồng sưa đỏ, trong khoảng thời gian 1-2 năm đầu, cây phát triển nhanh chóng, có thể tăng trưởng 4-5 mét và thường có thân hình cong giống như cần câu. Đặc biệt, cây càng cong thì khả năng sinh trưởng càng cao. Đến tuổi thứ ba, cây sẽ bắt đầu tự chỉnh hình vươn thẳng lên.

Ngọn núi ở Hà Nội có loài cây là "vàng lộ thiên", mỗi cá thể gắn mã QR, lắp camera bảo vệ nghiêm ngặt- Ảnh 3.

Cây sưa là một loài cây thuộc danh mục cấm không cho phép khai thác và sử dụng vào mục đích thương mại tại Việt Nam. (Ảnh: Dân trí)

Đường kính lõi của cây sưa không chỉ phụ thuộc vào lượng dinh dưỡng trong đất. Thực tế, cây sưa trưởng thành trên đất ít dinh dưỡng thường có phần lõi dày hơn so với cây mọc trên đất màu mỡ. Lý do là vì ở đất giàu dinh dưỡng, cây thường phát triển nhiều phần thịt hơn là phần lõi.

Thông thường, dựa vào kinh nghiệm chăm sóc, đường kính lõi của cây có thể được ước tính bằng cách lấy đường kính thân cây trừ đi khoảng 9-11cm. Ví dụ, nếu cây có chu vi là 65cm (khoảng đường kính 20cm), thì đường kính lõi sẽ vào khoảng 9-11cm.

Khối lượng lõi của cây cũng là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến giá trị của cây. Nó được tính toán dựa trên tổng khối lượng lõi ở cả thân, nhánh và bộ rễ của cây. Dựa trên kinh nghiệm, một cây sưa được chăm sóc tốt sau 10 năm có thể đạt khối lượng lõi từ 30-45kg.

Ngọn núi ở Hà Nội có loài cây là "vàng lộ thiên", mỗi cá thể gắn mã QR, lắp camera bảo vệ nghiêm ngặt- Ảnh 4.

Cây sưa có kích thước trung bình, thường đạt chiều cao từ 6 đến 12 mét. (Ảnh: Dân trí)

Thân cây có hình hợp trục và tán cây phân tán. Lá của cây sưa đỏ mọc xen kẽ, có cấu tạo dạng kép lông chim không đối xứng. Loài cây này thích nghi với điều kiện nơi có ánh sáng mặt trời đầy đủ, đất đai sâu và màu mỡ, cũng như độ ẩm cao. Sưa đỏ chủ yếu được tìm thấy ở Việt Nam và còn phân bố một cách thưa thớt ở đảo Hải Nam thuộc Trung Quốc. Tùy đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng ở mỗi vùng đất mà chất lượng cây mỗi vừng cũng khác nhau.

Cây sưa đỏ sở hữu vỏ ngoài sần sùi và khi chế biến ra gỗ, nó phát ra một mùi hương dễ chịu, đặc trưng. Điểm nổi bật của loại gỗ này là khả năng chống chịu: dù ngâm trong bùn hay nước qua nhiều năm, gỗ vẫn không hấp thụ nước hay bị hỏng. Do đó, giá thành của sưa đỏ trên thị trường rất cao, có thời điểm, giá có thể lên tới 20 tỷ đồng cho một mét khối.

Ngọn núi ở Hà Nội có loài cây là "vàng lộ thiên", mỗi cá thể gắn mã QR, lắp camera bảo vệ nghiêm ngặt- Ảnh 5.

Tùy đặc trưng khí hậu, thổ nhưỡng ở mỗi vùng đất mà chất lượng cây mỗi vừng cũng khác nhau. (Ảnh: Tiền Phong)

Hoa của cây phát triển tại khu vực nách lá, thường nở ra trước khi lá cây đạt kích thước đầy đủ. Cụm hoa tự tán bao gồm nhiều hoa nhỏ màu trắng, với đường kính khoảng 7-9 milimet và tỏa ra hương thơm dịu nhẹ. Tháng 3 được xem là mùa hoa sưa nở. Những chùm hoa trắng muốt phủ tuyết trắng cả một góc trời.

Quả sưa đỏ mọc thành từng chùm, thuôn dài và dẹt, hạt bên trong cứng.

Trong nhiều năm gần đây, giá trị của gỗ sưa đỏ đã tăng vọt bởi nhu cầu từ người Trung Quốc, họ tìm kiếm gỗ này để chế tạo quan tài hoặc dùng để ướp xác theo tục lệ của các vị hoàng đế xưa kia. Người ta tin rằng quan tài làm từ gỗ sưa đỏ có thể bảo quản thi hài không bị hỏng hoặc phân huỷ trong thời gian dài.

Những giá trị đặc biệt của loài cây quý

Trong thời phong kiến, các bậc vua chúa thường ưu tiên sử dụng gỗ sưa đỏ để tạo ra các sản phẩm đồ gỗ đắt giá do mùi hương dịu nhẹ, tương tự như hương trầm, và gỗ này còn được cho là có khả năng điều trị các chứng bệnh liên quan đến xương khớp.

Sưa đỏ còn được coi là biểu tượng của đạo Phật, tượng trưng cho sức sống của trời đất, đem lại may mắn và thịnh vượng cho người sở hữu. Do có ý nghĩa này, gỗ sưa đỏ được ưa chuộng trong việc chế tác ra các bức tượng Phật, thần Tài, cầu phong thủy,... Các sản phẩm phong thủy làm từ gỗ sưa đỏ thường hiện ra những đường vân gỗ trên bốn phía, tạo nên hiệu ứng lấp lánh với bảy sắc màu vô cùng bắt mắt.

Ngọn núi ở Hà Nội có loài cây là "vàng lộ thiên", mỗi cá thể gắn mã QR, lắp camera bảo vệ nghiêm ngặt- Ảnh 6.

Tháng 3 được xem là mùa hoa sưa nở. (Ảnh: Dân trí)

Trả lời phỏng vấn của Vnexpress, bà Nguyễn Thị Thạch, Giám đốc vườn Bách Thảo cho biết, những cây sưa đỏ ở vườn Bách Thảo không chỉ giữ giá trị về mặt di truyền cho Hà Nội mà còn cho cả nước. Hạt giống từ những cây này còn được mang đi trồng tại Tam Đảo thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và Tam Điệp ở Ninh Bình.

Hiện tại, do tình trạng mất mát môi trường sống, cây sưa đang đối mặt với nguy cơ bị đe dọa và đã được chính phủ Việt Nam phân loại vào nhóm cây cần được bảo vệ chặt chẽ, chỉ cho phép trồng và chăm sóc trong các khu vực được khoanh định.

(Tổng hợp)

Theo Nguyệt Phạm

Đời sống pháp luật

Trở lên trên