“Ngũ đại gia” ôtô tại Việt Nam đồng loạt bứt tốc năm qua
Chỉ cần một cú nhích của các “đại gia” cũng đủ tạo nên sự khác biệt trên thị trường ôtô Việt Nam 2016...
Tổng sức mua trên thị trường ôtô Việt Nam năm 2016 đã lập nên mốc kỷ lục mới hơn 304.000 chiếc. Đáng chú ý trong đó có những cú bứt tốc ngoạn mục của một loạt các hãng xe lớn được coi là “đại gia”.
Sau hơn 20 năm, Toyota vẫn là thương hiệu số 1 tại thị trường ôtô Việt Nam. Mặc dù nhiều hãng xe khác đã và đang có bước tăng trưởng mạnh mẽ, song Toyota vẫn chiếm thị phần lớn nhất.
Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tổng sản lượng bán hàng của Toyota trong năm 2016 đạt 57.036 chiếc, tăng 13% so với năm 2015, chiếm 21% thị phần trong khối doanh nghiệp thành viên hiệp hội. Riêng trong tháng 12/2016, tổng sản lượng bán hàng các mẫu xe Toyota đạt 6.333 chiếc, tăng 18% so với cùng kỳ 2015.
Đây là các mức sản lượng bán hàng kỷ lục theo tháng và theo năm của thương hiệu đến từ Nhật Bản kể từ khi có mặt tại Việt Nam.
Đứng ngay phía sau Toyota là Hyundai. Theo thông báo từ đại diện nhà sản xuất và phân khối Hyundai Thành Công, tổng sản lượng bán hàng đơn vị này đạt được trong năm 2016 là 36.400 chiếc, tăng đến 34%.
Kể từ khi được tiếp quản bởi tập đoàn Thành Công vào cuối năm 2009, thương hiệu ôtô Hàn Quốc liên tiếp có những bước tăng trưởng mạnh mẽ cả về danh mục sản phẩm lẫn bán hàng và dịch vụ.
Ngoài các mẫu xe từng làm nên giá trị thương hiệu Hyundai như SantaFe, Getz (sau này là i20) hay Elantra, Tucson thì mẫu xe thành công nhất, đặc biệt là ở mặt doanh số phải kể đến i10. Theo thông tin từ đại diện Hyundai Thành Công, trong tổng số 36.400 chiếc bán ra năm 2016 có đến quá nửa thuộc về mẫu xe cỡ nhỏ này.
Nhưng bứt tốc mạnh mẽ nhất phải kể đến hai thương hiệu do Trường Hải (Thaco Group) quản lý là Kia và Mazda.
Cũng theo báo cáo của VAMA, năm 2016, Kia bán ra thị trường tổng cộng 33.014 chiếc, tăng 55% so với năm 2015, qua đó leo lên vị trí thứ 3 tại thị trường ôtô Việt Nam với tỷ lệ thị phần 21%, sau Toyota và Hyundai.
Cùng hưởng lợi từ chính sách bán hàng chung từ Thaco, thương hiệu Mazda cũng nhanh chóng được xếp vào hàng ngũ “đại gia” với tổng sản lượng bán hàng năm qua đạt 32.108 chiếc, tăng trưởng 58%, chiếm 11,8% thị phần và đứng thứ 4 trong danh mục các thương hiệu ôtô du lịch.
Có thể thấy rằng, dù thị trường mỗi năm đều chứa đựng những biến động khác nhau hoặc tích cực, hoặc tiêu cực song vai trò dẫn dắt của các hãng xe lớn vẫn luôn rất quan trọng.
Như năm 2016 vừa qua, chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi về cách tính đối với ôtô nhập khẩu và tăng thuế suất với xe trang bị động cơ dung tích xi-lanh lớn đã ít nhiều tác động tiêu cực đến giá thành, qua đó ảnh hưởng đến nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng. Tuy nhiên, chỉ cần một cú nhích của các “đại gia” cũng đủ tạo nên sự khác biệt trên thị trường.