Ngư dân TT-Huế bội thu ruốc biển, thu nhập tiền triệu mỗi ngày
Theo các vị cao niên ven biển TT-Huế, đây là lần đầu tiên trong hơn 40 năm lại đây, con ruốc biển (tép biển) xuất hiện dày đặc tại vùng nước nông ven biển tỉnh này, mang lại thu nhập đáng kể cho bà con ngư dân nhiều huyện, thị xã.
- 02-03-2020Quảng Bình: Ruốc biển vào gần bờ, ngư dân xúc mệt nghỉ, kiếm 10 triệu đồng/đêm
- 13-02-2019Ngư dân Bình Định kiếm tiền triệu sau vài giờ ra khơi nhờ trúng ruốc biển
- 23-08-2016Ngư dân Quảng Bình khai thác hàng chục tấn ruốc biển mỗi ngày
Những ngày gần đây, hầu như vùng nước nông ven biển nào tại TT-Huế cũng xuất hiện dày đặc loài ruốc biển (con tép biển, người địa phương quen gọi là con khuyết). Nhiều nhất là vùng biển Hải Dương (thị xã Hương Trà), biển Thuận An, Phú Thuận (huyện Phú Vang).
So với các loại nghề biển khác, hoạt động đánh bắt con ruốc có phần đơn giản hơn, ít đầu tư ngư cụ tốn kém và có thể thực hiện khai thác ở bất kỳ thời gian nào trong ngày. Ngư dân có thể dùng thuyền bố trí lưới mắt nhỏ quét vào vùng có con ruốc để đánh bắt, hoặc lội bộ dưới nước khu vực gần bờ có sóng nhỏ để kéo ruốc. Nhân lực cho việc đánh bắt con ruốc không cần nhiều, tối thiểu chỉ cần hai người là có thể tổ chức đánh bắt được loài tép biển này. Phụ nữ cũng có thể tham gia đánh bắt ruốc.
Việc đánh bắt bằng phương pháp thủ công, ít tốn kém chi phí đầu tư ngư cụ được nhiều ngư dân tại xã Phú Thuận (huyện Phú Vang) và nhiều nơi khác lựa chọn.
Từ đầu tháng 5/2020 đến nay, riêng tại xã Phú Thuận có trên dưới 200 hộ ngư dân làm nghề kéo ruốc bằng thuyền hoặc kéo thủ công.
Chỉ chưa đầy 10 ngày, sản lượng ruốc mà ngư dân xã Phú Thuận đánh bắt được lên đến trên 500 tấn. Đây là một lượng ruốc đánh bắt được nhiều “kỷ lục” tại xã này từ trước tới nay. Sản lượng này hiện chưa dừng lại, vì thời điểm đánh bắt con ruốc biển vẫn đang chính vụ.
Giá ruốc tươi do thương lái thu mua từ ngư dân có giá dao động từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg. Con ruốc được thu mua chủ yếu để ướp mắm để tạo ra sản phẩm nước mắm ruốc đặc sản xứ Huế, hoặc loại mắm ruốc đặc sệt (gồm cả xác con ruốc tan vữa) tựa như mắm tôm ở ngoài Bắc, nhưng khác về mùi vị.
Ngoài ra, con ruốc còn được phơi khô, bán với giá khoảng 150.000 đồng/kg để làm nhiều món ăn như tôm, tép khô.
Ngoài ra, con ruốc còn được chế biến khi còn tươi để nấu canh rau, làm món trộn xúc bánh tráng, xào ăn kèm rau sống, nấu cháo bánh canh, trộn đúc chả trứng…
Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, con ruốc xuất hiện nhiều tại vùng nước nông ven biển TT-Huế là hiện tượng lạ chưa từng xảy ra. “Biển được mùa ruốc khiến nhiều ngư dân rất phấn khởi vì có thu nhập đáng kể và thường xuyên. Theo các vị cao niên trong vùng, phải mấy chục năm trở lại đây mới thấy con ruốc xuất hiện nhiều như thế tại khu vực ven biển này”, ông Tùy cho biết.
Ông Tùy còn cho biết thêm, hiện nay, mỗi gia đình trong xã đánh bắt ít nhất cũng được khoảng 1 tạ ruốc trong 1 ngày bằng phương pháp thủ công, đạt thu nhập tối thiểu 500.000 đồng. Tuy nhiên, có rất nhiều hộ khai thác đạt từ 5 đến 8 tạ ruốc, thu về 2-3 triệu đồng mỗi ngày. Khi con ruốc biển xuất hiện cũng là lúc ngư dân nhận biết mùa đánh bắt cá nục, cá trích, mực cơm trên biển bắt đầu.
Tiền phong