"Ngư ông đắc lợi" trong môi trường lãi suất thấp kỷ lục, hai nhóm cổ phiếu dự báo sáng cửa đầu tư năm 2024
ABS dự báo VN-Index năm 2024 tăng vượt đỉnh năm 2023 và hướng tới mục tiêu 1.320-1.340 -1.358 điểm trong kịch bản chủ đạo.
VN-Index năm 2024 tăng vượt đỉnh năm trước
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán An Bình (ABS) đưa ra một loạt yếu tố tích cực về triển vọng kinh tế dần hồi phục tích cực trong năm 2024, lãi suất duy trì ở mức thấp kỷ lục, xuất nhập khẩu phục hồi tốt hơn 2023, Fed hạ lãi suất 3 lần trong 2024 và giảm đáng kể lãi suất trong năm 2025, lạm phát và tỷ giá trong khả năng kiểm soát của chính phủ, Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn FDI.
Với những động lực trên, ABS dự báo VN-Index năm 2024 tăng vượt đỉnh năm 2023 và hướng tới mục tiêu 1.320-1.340 -1.358 điểm trong kịch bản chủ đạo. Mức định giá được nâng lên nhờ vào sự cải thiện của cả KQKD của doanh nghiệp và dòng tiền thị trường, trền nền mặt bằng lãi suất được duy trì ở mức thấp.
Trong kịch bản tích cực, đội ngũ phân tích cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục đà phục hồi nối tiếp từ năm 2023, đạt mức tăng trưởng 15-20% so với đầu năm. Thị trường tiếp tục hướng tới chinh phục vùng đỉnh trung hạn của năm 2023 tại 1.256 điểm thời điểm giữ Q2/2024, và tiếp tục hướng tới vùng giá 1.320-1.340-1.358 (và có thể lên tới 1.390 điểm) trong thời gian nửa cuối năm 2024.
Dù vậy, trong quá trình đi lên sẽ vẫn tiềm ẩn những pha điều chỉnh nhanh, bất thường, do yếu tố kỳ vọng về định giá trong một chu kỳ mới của thị trường đi trước mức độ tăng trưởng của doanh nghiệp. Thanh khoản thị trường có thể giao dịch ổn định đạt mức 16.000- 22.000 tỷ đồng/phiên. Mức thanh khoản cao vùng đỉnh ước tính 36.000-40.000 tỷ đồng/phiên.
Dù vậy, ABS cho rằng kịch bản tiêu cực cũng cần được tính đến nếu căng thẳng địa chính trị tiếp tục leo thang hoặc Fed sẽ tiếp tục trì hoãn việc hạ lãi suất đến hết năm 2024. Khi đó, mức đáy điểm số tháng 11/2022 tại vùng giá 870 sẽ chưa được xét là đáy dài hạn và TTCK rất có thể cần kiểm định lại vùng giá 870- 800 một lần nữa.
Ngân hàng và chứng khoán sẽ hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp kỷ lục
Tâm điểm đầu tư năm 2024 của ABS xoay quanh một số ngành hưởng lợi (1) môi trường lãi suất thấp (2) Chính phủ đẩy mạnh đầu tư công (3) Xu hướng gia tăng FDI và xuất khẩu hồi phục (4) Xu hướng năng lượng xanh (5) Xu hướng phát triển sản xuất chip và bán dẫn (6) El Nino dự báo diễn ra trong phần lớn năm 2024.
ABS cho rằng trong bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục và không có nhiều các kênh đầu tư thay thế, dự kiến dòng tiền nội sẽ tham gia tích cực vào thị trường chứng khoán năm 2024. Theo đó, ngành ngân hàng và chứng khoán có thể hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp.
Với ngành ngân hàng năm 2024 có thể dần hồi phục nhờ các yếu tố hỗ trợ liên quan tới mặt bằng lãi suất giảm hỗ trợ người vay vốn và thị trường bất động sản hồi phục. Cụ thể, hành lang pháp lý được cải thiện với việc ra đời của Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Bên cạnh đó, việc các Thông tư 02 và Thông tư 06 vẫn còn hiệu lực tới giữa năm 2024 sẽ giúp các ngân hàng có thể chủ động hỗ trợ các khách hàng đang gặp khó khăn.
Mặt bằng lãi suất thấp kỷ lục dự kiến duy trì trong 2-3 quý đầu năm, hỗ trợ các doanh nghiệp giảm chi phí vốn, cải thiện lợi nhuận, tăng nhu cầu tín dụng để kinh doanh và tiêu dùng. NIM dự kiến cải thiện từ việc lãi suất cho vay giảm chậm hơn lãi suất huy động.
Dòng tiền các doanh nghiệp cải thiện giảm áp lực nợ xấu cho ngân hàng, đặc biệt từ ngành bất động sản. Cuối năm 2023, các cổ phiếu ABS theo dõi trong ngành ngân hàng đang được giao dịch với P/B quá khứ trung bình là 1,52 lần. Với triển vọng LNTT trong 2024 có thể tăng 20,7%, dự kiến P/B 2024F của các cổ phiếu này sẽ tăng lên mức 1,41 lần.
Với ngành chứng khoán ABS hưởng lợi trực tiếp từ mặt bằng lãi suất thấp và các giải pháp nâng hạng thị trường trong 2024. Cụ thể, mặt bằng lãi suất dự báo được duy trì ở mức thấp giúp tăng định giá của các cổ phiếu niêm yết và cải thiện dòng tiền từ nhà đầu tư trong nước. Riêng ngành tài chính có mối tương quan -35,2% với lãi suất.
Định hướng đến năm 2025, Việt Nam sẽ cơ bản hoàn thành các tiêu chí về nâng hạng thị trường. Từ đó có cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư đến từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Trước mắt, việc triển khai hệ thống KRX sẽ giúp tăng thanh khoản cho thị trường.
Vốn hóa thị trường/GDP của Việt Nam vẫn ở mức khá thấp so với các nước trong khu vực Asean và Châu Á, số lượng tài khoản giao dịch hiện ở mức 7,2% dân số, còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai cho TTCK Việt Nam.
Cuối năm 2023, các cổ phiếu ngành chứng khoán đang được giao dịch với P/E và P/B quá khứ trung bình là 25,24 lần và 1,74 lần. Với triển vọng tăng trưởng LNST trong 2024 trung bình là 20% svck, dự kiến P/E 2024F của cả ngành sẽ giảm xuống còn 21 lần.