Ngủ quá nhiều có hại sức khỏe không? Bất ngờ với giải thích của chuyên gia
Trong bài viết này, các chuyên gia giải thích liệu ngủ quá nhiều có hại sức khỏe không và những bí quyết giúp bạn ngủ một cách chất lượng.
- 31-03-2021Lời dặn của thần y Hoa Đà về giấc ngủ: Người hiện đại mắc "tứ đại bệnh", một trong số đó chính là thức khuya
- 21-03-2021Nếu khổ vì thức giấc nửa đêm, mất ngủ: 7 cách tự nhiên và khoa học rất hiệu quả sẽ "cứu" bạn
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã đọc rất nhiều về việc thiếu ngủ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất. Một số ảnh hưởng tiêu cực được nhắc đến nhiều đó là chức năng miễn dịch suy yếu, tâm trạng chán nản, suy giảm hiệu suất nhận thức, tăng nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng như bệnh tim và tiểu đường.
Nhưng ngủ quá nhiều có hại sức khỏe không? Và nếu đúng như vậy, ngủ bao nhiêu là quá nhiều?
Ngủ quá nhiều - tác nhân hay triệu chứng?
Hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh cần ngủ từ bảy đến chín tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, một số đối tượng khác như thanh niên, những người bị mất ngủ kinh niên và những người mắc bệnh, có thể cần ngủ nhiều hơn 9 tiếng, theo khuyến nghị chung của Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ (Mỹ) và Học viện Y học Giấc ngủ Mỹ.
"Điều quan trọng cần nhớ là khái niệm ‘ngủ quá nhiều’ khác nhau ở mỗi người", nhà tâm lý học về giấc ngủ Jade Wu, nhà nghiên cứu tại Trường Y Đại học Duke (Mỹ), nói với HuffPost. "Và giấc ngủ cần thay đổi trong suốt cuộc đời. Ví dụ, một thiếu niên hoặc thanh niên có thể cần chín tiếng ngủ mỗi đêm hoặc nhiều hơn, trong khi một người về hưu thì không".
Hầu hết người trưởng thành khỏe mạnh cần ngủ từ bảy đến chín tiếng mỗi đêm. Tuy nhiên, một số đối tượng khác như thanh niên, những người bị mất ngủ kinh niên và những người mắc bệnh, có thể cần ngủ nhiều hơn 9 tiếng.
Ngủ quá nhiều - thường được định nghĩa là hơn 9 hoặc 10 tiếng trong các nghiên cứu – được cho là có liên quan đến một số rủi ro sức khỏe nhất định, bao gồm đột quỵ, béo phì, trầm cảm, tiểu đường, bệnh tim và sa sút trí tuệ. Tuy nhiên, không rõ liệu ngủ quá nhiều có trực tiếp gây ra những tình trạng này không, hay đó chỉ là dấu hiệu của một vấn đề khác.
"Nói cách khác, chúng ta không biết liệu giấc ngủ dài gây ra vấn đề theo thời gian hay một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào đó đang khiến một người ngủ nhiều hơn", Wu nói. "Tôi tin vào khả năng thứ hai hơn bởi vì chúng tôi biết rằng một số bệnh tâm thần-thần kinh như trầm cảm và các bệnh thoái hóa thần kinh gây ra tình trạng buồn ngủ ban ngày quá mức".
Các chuyên gia khác, như giáo sư y học giấc ngủ Susan Redline đến từ Đại học Harvard, đồng ý rằng ngủ quá nhiều có nhiều khả năng là một triệu chứng hơn là một nguyên nhân gây bệnh. "Giả thuyết hàng đầu là: giấc ngủ dài là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn", Redline nói với Prevention.com.
Chúng ta không biết liệu giấc ngủ dài gây ra vấn đề theo thời gian hay một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nào đó đang khiến một người ngủ nhiều hơn
Ngủ quá nhiều: Khi nào cần gặp bác sĩ?
Vậy nếu bạn thường xuyên ngủ 9 hoặc 10 tiếng mỗi đêm, bạn có nên lo lắng không? Không nhất thiết - đặc biệt nếu bạn thức dậy với cảm giác sảng khoái. Một số cá nhân chỉ đơn giản là cần ngủ nhiều hơn những người khác.
"Nếu ai đó là một người cần ngủ nhiều bất thường, có thể họ chỉ đơn giản là có nhu cầu ngủ nhiều hơn", Wu nói. (Tuy nhiên, bạn vẫn đề cập đến vấn đề này với bác sĩ nếu bạn lo lắng).
Nếu bạn đã ngủ đủ số giờ được khuyến nghị mà vẫn cảm thấy mệt mỏi, bạn cũng nên hẹn gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe, theo nhà thần kinh học và chuyên gia y học giấc ngủ Anita Shelgikar, giám đốc chương trình y học giấc ngủ tại Đại học Michigan (Mỹ).
"Một số yếu tố, chẳng hạn như bệnh tật, tác dụng phụ của thuốc và rối loạn giấc ngủ chưa được chẩn đoán, có thể dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém và ngủ không yên giấc", cô nói thêm.
Nếu bạn đã ngủ đủ số giờ được khuyến nghị mà vẫn cảm thấy mệt mỏi, bạn cũng nên hẹn gặp chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Theo Raj Dasgupta - phó giáo sư y học lâm sàng tại Trường Y khoa Keck thuộc Đại học Nam California (Mỹ) - nếu số giờ ngủ không phải là vấn đề, thì chất lượng giấc ngủ có thể đang khiến bạn mệt mỏi. Các tình trạng như ngưng thở khi ngủ có thể làm gián đoạn giấc ngủ và khiến bạn cảm thấy mệt mỏi ngay cả khi đã dành nhiều thời gian ngủ.
Ông Dasgupta nói: "Giấc ngủ kém chất lượng có nghĩa là một cá nhân không thể đi vào giai đoạn ngủ sâu hay giấc ngủ REM, giúp phục hồi não và cơ thể, giúp bạn cảm thấy sảng khoái và trẻ hóa vào ngày hôm sau. Thường xuyên thức dậy nhiều lần trong đêm cho thấy rằng một người chỉ đang ở trong giai đoạn ngủ nông hầu hết cả đêm, dẫn đến chất lượng giấc ngủ kém".
Các yếu tố khác như căng thẳng, buồn chán và lối sống ít vận động cũng có thể đóng một vai trò trong việc cảm thấy mệt mỏi mặc dù đã ngủ đủ giấc, Wu lưu ý.
Một khi bác sĩ đã loại trừ khả năng có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, bạn có thể muốn thử thực hiện một số điều chỉnh thói quen sống để cải thiện chất lượng giấc ngủ, ví dụ: cố gắng đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, bất kể ngày thường hay cuối tuần.
"Đón nhiều ánh sáng mặt trời, vận động cơ thể - hoặc ít nhất là giảm thời gian ngồi lâu - và cố gắng lên kế hoạch cho một số hoạt động xã hội vui vẻ", Wu nói. "Hãy ưu tiên sức khỏe thể chất và tinh thần. Bạn có thể thấy mình thức dậy với nhiều năng lượng hơn sau khi thực hiện những thay đổi này".
(Nguồn: HuffPost)
Doanh nghiệp và tiếp thị