MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngừng mọi việc chỉ để mua hàng livestream mà không bao giờ dùng tới

06-04-2023 - 15:39 PM | Sống

Hậu quả của việc chốt đơn liên tục trên sóng livestream khiến nhiều người cháy túi.

Trịnh Hương (27 tuổi, Marketing du lịch, Hà Nội) đã từng cai "nghiện" mua sắm thành công. Nhưng lệ phí cho bài học này quá đắt: "Thời còn nghiện chốt đơn, khi buổi livestream của người bán hàng online bắt đầu, mình lập tức dừng mọi việc và tập trung cao độ vào điện thoại để chốt đơn. Mua được rồi thì mừng như bắt được vàng, vì đúng món đồ mình thích mà giá lại rẻ. Nhưng khi nhận được hàng, mình chỉ dùng được 10% trong số đó. Đa phần, các sản phẩm nhận về không đẹp như lúc họ livestream."

Dành vài tiếng trong ngày để coi livestream chốt đơn là chuyện thường

Hình thức mua sắm online quả thực gây nghiện cho người tiêu dùng. Không chỉ bởi sự tiện lợi, mà giá cả khi mua hàng online cũng thấp hơn ở các cửa hàng trực tuyến. Kéo theo hiệu ứng mua sắm để cảm thấy bản thân mình tốt hơn, kích thích chị em phụ nữ mua sắm không dè chừng. Theo như Trịnh Hương thì việc mua sắm còn khiến cô nàng cảm thấy vui vẻ và tự tin vào bản thân hơn.

Ngừng mọi việc chỉ để mua hàng livestream mà không bao giờ dùng tới - Ảnh 1.

Ngày nào không xem livestream là mình thấy bứt rứt trong người. (Ảnh minh họa Pinterest)

"Mua sắm để xả áp lực, lấy động lực còn kiếm tiền" là châm ngôn của Trịnh Hương lúc trước. Cô không ngần ngại chi tiêu cả triệu bạc cho 1 buổi livestream: "Mua sắm qua livestream rất cuốn, muốn ngừng cũng không thể. Đôi khi bận việc quá mình còn để điện thoại tự chạy, vừa nghe bán hàng vừa làm việc. Lâu dần hình thành những thói quen đáng sợ. Ngày nào không xem livestream là mình thấy bứt rứt trong người. Có những ngày rảnh quá, mình còn ngồi xem tận 3 tiếng đồng hồ."

Còn Phương Trinh (23 tuổi, Thanh Hóa) vừa thích mua hàng trên livestream, vừa thích săn lùng những món đồ mình thích qua các trang thương mại điện tử. "Đồ trên mạng rất là nhiều, hầu như những món mình sử dụng đều được mua online. Mua sắm trực tuyến quen rồi, mình không có thói quen đến các cửa hàng nữa. Mặt khác, mỗi lần đi mua đồ trực tiếp mình rất tự ti vì thấp bé, có chỗ còn chẳng buồn tiếp. Vậy nên mua sắm online là chân ái với mình."

Nhưng cái gì nhiều cũng không tốt. Phương Trinh cũng từng dính vào nỗi đau mua hàng mà các nhãn hàng quảng cáo. Họ kích thích bạn mua sắm nhiều hơn vì biết cách đánh trúng tâm lý: "Vì có sẵn sự mặc cảm, nên những món đồ có tác dụng giúp mình tự tin thì đều sẵn lòng bỏ tiền ra mua. Cũng chính vì thế, mình lại càng cảm thấy tự ti hơn, và việc mua sắm ngày càng không đủ. Cho đến khi tiêu sạch tiền thì thôi."

Làm sao để từ bỏ thói quen mua sắm vô tội vạ

Cho đến lúc thất nghiệp, Phương Trinh đã cai được 70% cơn nghiện mua sắm này. Một phần do tài chính giảm sút, một phần nữa cô nàng nhận ra những thứ quảng cáo kia chỉ là cái cớ. Hầu hết những món đồ Trinh mua đều không giải quyết được vấn đề của bản thân.

Còn Trịnh Hương thì càng mua, càng cảm thấy giá trị của món đồ không xứng đáng với giá tiền. "Chỉ 10% trong số đồ mình mua là xài được. Còn lại đều là lãng phí. Gom đủ thất vọng rồi, mình cũng chấp nhận sự thật là việc mua sắm này khiến tài chính của mình kiệt quệ đi trông thấy."

Ngừng mọi việc chỉ để mua hàng livestream mà không bao giờ dùng tới - Ảnh 2.

Lên kế hoạch mua sắm và ngừng mua sắm những món đồ không cần thiết ngay lập tức. (Ảnh minh họa Pinterest)

Vậy nên, đành phải ngừng mua sắm những món đồ không cần thiết ngay lập tức. Nếu không muốn tiền mình làm ra bị tiêu cho những thứ vô bổ.

Nghiên cứu kỹ về sản phẩm trước khi xuống tiền

Việc mua sắm online không hoàn toàn đốt cháy tài chính của bạn. Nhưng nó lại khiến bạn chi tiêu không kiểm soát. Thậm chí chưa cần bàn đến chất lượng, chỉ cần mẫu mã đúng gu, là bạn sẵn sàng chi tiền.

Nhưng hãy trở thành người mua hàng thông minh hơn: Luôn yêu cầu cung cấp thông tin về chất liệu và ảnh chụp thật sản phẩm; Quan tâm tới giá thành; Quan tâm đến đánh giá của những người mua; Nhờ sự tư vấn của bạn bè,... Công đoạn có lẽ hơi rườm rà, nhưng nó sẽ giúp ích cho mỗi đồng tiền mà bạn tiêu.

Mua đồ với giá hời nhờ biết săn sale

Những người cuồng mua sắm nếu tạm thời không thể cai nghiện ngay thì hãy tiết kiệm chi phí nhờ săn sale. Một số đợt sale to giá cả sẽ giảm rất nhiều. Điều bạn cần làm là liệt kê những món đồ cần mua - đủ chứ không thừa - và chờ đợi đến ngày có giảm giá. Trong khoảng thời gian chờ đợi, bạn cũng sẽ đánh giá được những món đồ đó có thật sự cần thiết không. Có đôi khi, chăm chỉ chờ ngày sale lại giúp bỏ bớt đi những thứ không cần thiết.

Ví dụ như một chiếc áo giảm 70% nghe thì cũng hấp dẫn. Nhưng hãy cân nhắc thật kỹ xem chiếc áo đó có phù hợp với mình hay không?

Quản lý chi tiêu và bớt tiền mua sắm

Việc mua sắm sẽ gây nhiều tác hại đến sức khỏe tài chính và tinh thần của bạn nếu "quá đà". Tiền lương thì bay sạch, mà tâm trạng cũng chẳng vui hơn nếu bạn không mua được đúng món đồ mình muốn. Vậy nên, hãy phân bổ ngân sách hợp lý cho việc mua sắm, và cân đối cho từng món đồ muốn mua.

Theo Nguyễn Quỳnh Trang

Phụ nữ Việt Nam

Trở lên trên