MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người bị tiểu đường ăn uống thế nào để kiểm soát bệnh? Bác sĩ BV Bạch Mai giới thiệu một nguyên tắc đơn giản, ai cũng có thể thực hiện

09-09-2020 - 09:52 AM | Sống

Nhiều bệnh nhân tiểu đường nghĩ rằng họ sẽ phải kiêng hoàn toàn với một số thức ăn là món khoái khẩu, nhưng thực tế thì sao? Câu trả lời là không hoàn toàn như vậy. Họ vẫn có thể ăn các thực phẩm khác nhau và chế độ ăn nên đa dạng

Kiểm soát đường máu trong giới hạn cho phép là một mục tiêu quan trọng trong điều trị tiểu đường để tránh những biến chứng cấp tính (toan hóa máu, hôn mê do đường máu tăng quá cao) cũng như những ảnh hưởng lâu dài lên thần kinh, mạch máu, thận, mắt…

Việc ăn uống quá nhiều năng lượng sẽ khiến đường máu vượt ngoài tầm kiểm soát. Vì vậy, một chế độ ăn hợp lý giúp việc kiểm soát đường máu, cân nặng là một điều cần thiết. 

Ths. BS Nguyễn Tiến Đồng, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai đã có những chia sẻ chi tiết về chế độ ăn, uống phù hợp cho những người bị bệnh tiểu đường.

Người bệnh tiểu đường cần một chế độ ăn đa dạng với tỉ lệ phù hợp

Cũng giống như chế độ ăn của người bình thường, trong chế độ ăn của người tiểu đường có các thành phần sau và cần điều chỉnh để phù hợp, các nhóm thực phẩm gồm có:Nhóm thực phẩm cung cấp chất đường: như cơm, các loại ngũ cốc, bánh, kẹo,… Nhóm thực phẩm cung cấp chất đạm: thịt, cá, trứng, sữa… Nhóm thực phẩm cung cấp chất béo: dầu thực vật, mỡ động vật, các loại hạt, đậu… Nhóm thực phẩm cung cấp chất xơ: rau, củ, quả… và nước

Nhiều người bệnh tiểu đường thường nghĩ rằng họ sẽ phải kiêng hoàn toàn với một số thức ăn là món khoái khẩu của họ, nhưng thực tế thì sao? Nó không hoàn toàn phải vậy. Họ vẫn có thể ăn các thực phẩm khác nhau, chế độ ăn nên đa dạng và những món ăn là tăng đường huyết nhiều các bệnh nhân chỉ nên thỉnh thoảng và ăn với một lượng nhỏ mà thôi. Điều cốt lõi trong chế độ ăn là phải ăn đa dạng tất cả các loại thực phẩm với tỉ lệ phù hợp.

Người bị tiểu đường ăn uống thế nào để kiểm soát bệnh? Bác sĩ BV Bạch Mai giới thiệu một nguyên tắc đơn giản, ai cũng có thể thực hiện - Ảnh 1.

Chất đường: ít nhất một nửa ngũ cốc bạn tiêu thụ một ngày nên là loại ngũ cốc nguyên vỏ như lúa mì, gạo nguyên cám, lúa mạch, yến mạch, bột ngô.

Chất đạm: thịt nạc, thịt gà bỏ da, cá, trứng, các loại hạt, đậu. Nên ăn thịt trắng (thịt gà, cá, hải sản) và giảm thịt đỏ (thịt lợn, thịt bò). Một số loại cá tốt cho người bệnh tiểu đường như cá hồi, cá ngừ, cá thu. Nên ăn cá ít nhất 2 lần/tuần, không nên chiên cá ở nhiệt độ quá cao.

Chất béo: Các loại dầu ở dạng lỏng ở nhiệt độ thường là những chất béo tốt như dầu hạt cải, dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu đậu nành, dầu đậu phộng. Các loại dầu trong cá trích, cá thu, cá hồi, cá ngừ cũng là chất béo tốt. Nhưng đừng dùng quá nhiều vì chất béo chứa rất nhiều năng lượng

Chất xơ: các loại rau củ không tinh bột như súp lơ, cà rốt, cà chua, hạt tiêu,…hay các loại ra củ có tinh bột như khoai tây, ngô, đậu xanh. Những loại ngũ cốc nguyên cám là loại thực phẩm vừa cung cấp chất đường vừa cung cấp chất xơ tốt.

Nước: nước lọc là lựa chọn ưu tiên hàng đầu.

 "Nguyên tắc đĩa thức ăn" cho người bị tiểu đường

Người bị tiểu đường ăn uống thế nào để kiểm soát bệnh? Bác sĩ BV Bạch Mai giới thiệu một nguyên tắc đơn giản, ai cũng có thể thực hiện - Ảnh 2.

Người bị bệnh tiểu đường cần trành các nhóm thực phẩm sau: 

- Các loại thực phẩm chứa nhiều đường như: bánh kẹo ngọt, bánh nướng, bánh kem, đồ uống ngọt đóng chai sẵn.

- Các loại thực phẩm chưa chất béo không tốt như: các loại thịt nguội chế biến sẵn, xúc xích, gan, lòng đỏ trứng và nội tạng khác.

- Các loại thức ăn nhanh như: khoai tây chiên, gà rán hay đồ chiên rán nói chung.

- Nên tránh những loại bơ thực vật đã được nấu cứng, nước cốt dừa, dầu dừa, các loại kem làm bánh và bánh liên quan.

- Các loại thịt đỏ như: thịt lợn, thịt bò,.. nên thay bằng thịt trắng hoặc các sản phẩm cung cấp đạm khác làm từ các loại thực vật như đậu.

Về định lượng các thực phẩm người bị bệnh tiểu đường có thể nạp vào cơ thể, bác sĩ Đồng giới thiệu phương pháp đơn giản nhất, có thể dễ dàng áp dụng để có một khẩu phần ăn hợp lý. Phương pháp đó gọi là "nguyên tắc đĩa thức ăn".

Lấy một chiếc đĩa có đường kính 25cm, chia làm 4 phần bằng nhau. Một suất ăn hợp lý khi chất xơ chiếm một nửa chiếc đĩa, chất đạm chiếm 1/4 và chất đường chiếm ¼ còn lại. Thêm 1 muỗng nhỏ dầu ăn. Có thể ăn thêm một lát nhỏ hoa quả và uống một cốc sữa nhỏ.

Người tiểu đường có nên uống nhiều nước?

Người bị tiểu đường ăn uống thế nào để kiểm soát bệnh? Bác sĩ BV Bạch Mai giới thiệu một nguyên tắc đơn giản, ai cũng có thể thực hiện - Ảnh 3.

Bác sĩ Đồng chỉ ra rằng, nước không chứa đường và không chứa calo nên đây là loại thức uống hoàn hảo cho người tiểu đường. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra việc uống nước giúp kiểm soát nồng độ đường huyết. Nước đem lại các tác dụng:

Hạ thấp mức đường máu: Cơ thể người tiểu đường với một ngưỡng đường máu cao yêu cầu một lượng nước nhiều hơn và sẽ dẫn tới việc thận cố gắng thải đường qua nước tiểu. Việc uống nước sẽ có lợi vì nó vừa không làm tăng đường máu vừa làm cho nhiều đường hơn được lọc ra khỏi máu.

Giảm nguy cơ mất nước đối với cơ thể: Việc thận tăng đào thải đường qua nước tiểu sẽ kéo theo cơ thể tăng mất nước qua đường tiểu. Uống nhiều nước sẽ hạn chế điều này.

Vậy người bị tiểu đường uuống bao nhiêu nước mỗi ngày là hợp lý? Bác sĩ Đồng dẫn chứng, theo nghiên cứu, một người mà tiêu thụ hơn 1 lít nước mỗi ngày làm giảm nguy cơ khởi phát tiểu đường xuống 28%  so với người uống ít hơn 0.5 lít nước mỗi ngày. Theo Hội các tác giả Châu Âu khuyên, nữ nên uống 1.6 lít và nam uống 2 lít nước mỗi ngày.

Có thể tính chính xác hơn lượng nước cần uống dựa trên cân nặng của người bệnh:

+ 10kg đầu tiên: 1lít/kg (1000ml/kg)

+ 10kg tiếp theo: 0.5lít/kg (500ml/kg)

+ Số kg còn lại: nếu người bệnh <50 tuổi tính 20ml/kg, nếu người bệnh >50 tuối tính 10ml/kg.

Bác sĩ Đồng lưu ý: "Nên uống nước trước bữa ăn 30 phút. Nếu bạn mắc các bệnh kèm theo như bệnh thận mạn tính, suy tim mất bù, xơ gan nặng… trên nền bệnh tiểu đường (đái tháo đường) cần tham khảo ý kiến bác sĩ của mình để có chế độ ăn và bù nước phù hợp.

Không có một công thức ăn uống chung nào cho tất cả bệnh nhân tiểu đường. Do đó, cần có sự tư vấn của đội ngũ chăm sóc sức khỏe để có một chế độ ăn phù hợp nhất giành cho người bệnh.

Cần cân bằng giữa lượng năng lượng nhập vào và lượng năng lượng tiêu thụ hàng ngày. Không ăn quá nhiều, không cắt bỏ quả nhiều khẩu phần. Phối hợp ăn uống, tập luyện, lối sống lành mạnh để đem lại hiệu quả tốt nhất".

Tài liệu tham khảo

1, https://www.niddk.nih.gov/health-information/diabetes/overview/diet-eating-physical-activity

2, https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/diabetes/in-depth/diabetes-diet/art-20044295

3, https://www.diabetesaustralia.com.au/what-should-i-eat

Ths.BS Nguyễn Tiến Đồng, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên