MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người của nhóm Toàn Tín Phát rút khỏi HĐQT Hải Phát trước thềm đại hội cổ đông

Người của nhóm Toàn Tín Phát rút khỏi HĐQT Hải Phát trước thềm đại hội cổ đông

Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên 2024, ba nhân sự cấp cao của Hải Phát nộp đơn từ nhiệm. Trong đó có ông Vũ Hồng Sơn, người của nhóm cổ đông Toàn Tín Phát, xin rút khỏi HĐQT sau khi nhóm này thoái bớt vốn.

Ngày 19/4, CTCP Đầu tư Hải Phát (mã HPX - sàn HoSE) công bố nhận được đơn từ nhiệm của hàng loạt lãnh đạo bao gồm thành viên HĐQT ông Vũ Hồng Sơn, thành viên HĐQT ông Lã Quốc Đạt và thành viên Ban kiểm soát ông Bùi Đức Tuế.

Lý do từ nhiệm của ba người này là do bận công việc cá nhân nên không thể đảm nhận chức vụ.

Trong số này, ông Vũ Hồng Sơn là người của nhóm cổ đông CTCP Đầu tư Toàn Tín Phát, được bầu nhiệm vào vị trí thành viên HĐQT Hải Phát từ ngày 21/10/2023. Trước đó, nhóm Toàn Tín Phát gom thêm cổ phiếu HPX để nâng sở hữu lên 16,54% vốn điều lệ và chính thức trở lại cổ đông lớn nhất tại HPX kể từ ngày 14/9/2023.

Trong đó, ông Hoàng Văn Toàn sở hữu 15,2 triệu cổ phiếu. Công ty cổ phần Đầu tư Toàn Tín Phát do ông Toàn là người đại diện pháp luật sở hữu 15,2 triệu cổ phiếu.

Bà Hoàng Thị Ý, chị gái ông Toàn sở hữu 15 triệu cổ phiếu. Ông Nguyễn Việt Dũng, anh rể ông Toàn sở hữu 4,8 triệu cổ phiếu. Bà Hoàng Thị Như, chị gái ông Toàn nắm 318.900 cổ phiếu.

Tổng sở hữu của nhóm cổ đông ông Hoàng Văn Toàn là 50,3 triệu cổ phiếu HPX, tương đương 16,54%.

Tuy nhiên, sau khoảng 6 tháng làm cổ đông lớn, ngày 1/4/2024, nhóm Toàn Tín Phát bất ngờ thông báo đã bán ra hơn 35,1 triệu cổ phiếu HPX, giảm sở hữu từ 16,54%, về 4,997% và chính thức không còn là cổ đông lớn tại Hải Phát. Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của từng cá nhân không được tiết lộ.

Có thể thấy, sau động thái thoái vốn, nhóm Toàn Tín Phát cũng rút người khỏi HĐQT Hải Phát.

Người của nhóm Toàn Tín Phát rút khỏi HĐQT Hải Phát trước thềm đại hội cổ đông- Ảnh 1.

Chủ tịch Đỗ Quý Hải tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 của Hải Phát

Sau hơn 6 tháng bị đình chỉ giao dịch, cổ phiếu HPX đã được giao dịch trở lại từ ngày 20/3/2024 và tính tới ngày 19/4/2024 đang giao dịch vùng giá 6.000 đồng/cổ phiếu.

Mới đây, Hải Phát công bố tài liệu Đại hội đồng cổ đông thường niên dự kiến tổ chức vào ngày 26/4. Công ty dự kiến thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024 với chỉ tiêu doanh thu hợp nhất đạt 2.800 tỷ đồng, tăng 67% so với thực hiện năm 2023 và là mức cao nhất trong 5 năm qua (kể từ 2020). Tuy nhiên, lãi sau thuế hợp nhất dự kiến giảm 22% xuống 105 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức công ty mẹ dự kiến 5%.

Đáng chú ý, Hải Phát trình cổ đông hai phương án huy động vốn. Thứ nhất là kế hoạch chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 2:1, tương ứng chào bán thêm 159,69 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.596,9 tỷ đồng và triển khai trong năm 2024.

Thứ hai, HPX dự kiến chào bán 140,3 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, huy động 1.403,1 tỷ đồng từ các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp (dưới 100 nhà đầu tư). Trong đó, cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.

Toàn bộ số tiền huy động từ phát hành cho cổ đông hiện hữu và phát hành riêng lẻ là khoảng 3.000 tỷ đồng, HPX sẽ sử dụng để tái cơ cấu nợ vay và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn; đầu tư góp vốn vào công ty con để tái cơ cấu và thanh toán các khoản nợ phải trả đến hạn của công ty con; đầu tư phát triển các dự án của Công ty; và bổ sung vốn lưu động.

Được biết, tại thời điểm 31/12/2023, Hải Phát có tổng nợ vay lên tới 2.465,4 tỷ đồng, gồm nợ vay ngắn hạn 1.828,4 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 637 tỷ đồng. Trong đó, Hải Phát sẽ phải thanh toán khoảng 940 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong quý IV/2024.

Theo Hà Ly

An ninh tiền tệ

Trở lên trên