Người dân mua đồ chạy bão Yagi, chợ online chật vật tìm xe công nghệ giao hàng
Dù siêu bão Yagi chưa ảnh hưởng nhiều đến Hà Nội nhưng các tài xế xe công nghệ đã từ chối nhận đơn vận chuyển, khiến các chủ shop online khốn đốn.
Chiều 6/9, trước khi siêu bão Yagi đổ bộ đất liền, Hà Nội đã xuất hiện mưa lớn, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông và cuộc sống người dân. Rất nhiều tuyến đường rơi vào tình trạng ùn tắc kéo dài do mọi người vội vã về nhà tránh bão.
Lo sợ bão lớn, rất nhiều người cũng đã lên kế hoạch mua thực phẩm tích trữ, khiến không chỉ chợ dân sinh và siêu thị mà ngay cả "chợ mạng" cũng vô cùng tấp nập cảnh mua bán. Song do mưa lớn kèm tắc đường nghiêm trọng, nhiều xe ôm công nghệ đã từ chối nhận vận chuyển các đơn hàng, khiến giới bán hàng online được phen khốn đốn. Nhiều người chấp nhận trả giá cao vẫn không tìm được shipper, buộc phải hủy đơn của khách, thiệt hại không nhỏ.
Nguyễn Thùy Linh, một chủ shop online kinh doanh hải sản ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ, cứ mỗi lần mưa bão là chị lại khốn khổ với việc tìm shipper. Hải sản là đồ ăn cần ship càng sớm càng tốt nên rất kén người vận chuyển. Nếu không gọi được shipper dẫn đến hàng hỏng, khách sẽ phàn nàn, thậm chí hoàn trả lại và người bán lỗ nặng.
Hai hôm nay, do có thông tin về siêu bão Yagi nên lượng người đặt mua hải sản của chị Linh tăng mạnh khoảng 30 - 40% so với ngày bình thường. Chị Linh rất phấn khởi, liên tục nhập hàng về và đặt các shipper quen làm việc hết công suất cả ngày mới kịp giao hàng cho khách.
" Tuy nhiên, ngay khi bão chuẩn bị đổ bộ - thời điểm khách đặt nhiều nhất - thì bất ngờ một loạt shipper hủy chuyến vì họ thấy mưa lớn tắc đường, ngập lụt. Đáng nói hơn là phần lớn còn báo trước với tôi là sẽ nghỉ đến sau bão, bất chấp tôi thuyết phục và hứa sẽ tăng 50% cước vận chuyển. Mất mối quen, tôi chuyển sang gọi các hãng xe công nghệ nhưng đều không tìm được người nhận đơn, chắc ai cũng có tâm lý ở nhà tránh bão cho an toàn.
Tôi biết đó là điều cần thiết và cũng ủng hộ, nhưng cũng rất buồn vì thua lỗ quá nặng. C ua, ghẹ, tôm không vận chuyển cho khách được đã bị ngất, tôi đành chấp nhận bán lỗ cho những khách trực tiếp đến lấy hàng. Phần còn lại không bán được nữa thì đành nhờ hàng xóm, người quen mua hộ và nhà mình dùng dần ", chị Linh nhăn nhó nói.
Chị Linh cho biết, dù lượng khách đặt hàng vẫn tiếp tục tăng vọt nhưng chị không dám nhận những đơn quá xa vì sợ cước vận chuyển tăng nhiều và quan trọng là không tìm được shipper. " Nhiều shipper quen đã thông báo nghỉ làm trong 2 ngày 7 và 8/9 vì bão, trong khi việc gọi shipper lạ thì khó hơn lên trời ", chị Linh chia sẻ.
Cũng lâm cảnh khốn đốn như chị Linh, chị Trần Quỳnh Anh - một chủ shop online chuyên bán đồ ăn tại quận Thanh - cũng méo mặt khi tìm shipper trong những ngày bão Yagi xuất hiện.
“ Mỗi ngày, tôi có khoảng 50 - 70 đơn đi nội thành Hà Nội, chia cho khoảng 4-5 shipper ruột giao hàng ghép đơn để tiết kiệm chi phí, nhưng vào thời tiết mưa bão lớn, các shipper này đồng loạt “đình công” không nhận. Những lúc như thế, tôi lại phải lên các trang Facebook để đăng tin tìm shipper khác hoặc nhờ chú xe ôm gần nhà chạy giúp với giá ship rất cao. Lãi đâu chưa thấy nhưng chi phí đội lên thì đã rất rõ ràng ", chị Quỳnh Anh nói.
Nhưng như thế vẫn còn là may mắn, nhiều khi chị Quỳnh Anh chấp nhận bù tiền ship cao vẫn không tìm được shipper, khiến đồ ăn bị hư hỏng, tình trạng thua lỗ còn nặng nề hơn.
Shop của chị Quỳnh Anh chủ yếu bán đồ ăn vặt, lời ít nên không thể thuê shipper với giá cao quá. Chính vì vậy, nhiều khi có đơn hàng trong thời điểm mưa bão lớn mà bán kính dưới 3 km, chị đều phải tự đi giao hàng.
" Giá cao, gọi được người ship lại vất vả vô cùng, nên tự đi ship cũng là cách duy nhất để tôi giữ được chân khách hàng. Thậm chí, có lúc vì thời gian giao hàng lâu hay dính nước mưa, khách còn hủy đơn, trả lại hàng vì không đảm bảo chất lượng ", chị Quỳnh Anh chia sẻ.
Tương tự, anh Trần Nhật Minh - chủ một shop chuyên bán các loại đồ ăn Tây Bắc ở quận Nam Từ Liêm cũng mất 4 tiếng đồng hồ mà vẫn không gọi được shipper.
" Từ 16h chiều qua tôi đã không thể gọi được shipper để giao đồ cho khách. Tôi đăng tin khắp các diễn đàn nhưng đều bất lực vì các shipper đều từ chối với lý do đường tắc, không thể di chuyển được. Nhiều bên quen còn thông báo ngừng vận chuyển trong 2 ngày có bão Yagi. Tôi không biết phải bán hàng thế nào nữa ", anh Minh cho hay.
Anh Minh cũng cho biết, giá cước vận chuyển tăng từng phút: " Vừa mở app ra thấy báo giá khác, đến lúc ấn lệnh đặt xe thì giá đã vọt lên cả vài chục nghìn đồng. Lúc đó đành cắn răng thuê, nếu không thì không thể giao hàng ".
Nguyễn Huy Hoàng, một shipper tại Hà Nội cho hay, đi làm ngày mưa bão tuy cước tăng nhưng để giao được 1 đơn sẽ mất gấp đôi gấp ba thời gian so với bình thường. Vì vậy, tiền cước tăng không bù được số lượng chuyến, tổng thu nhập thậm chí cũng không bằng ngày bình thường.
Anh Hoàng kể, 15h15 chiều qua, anh nhận giao 2 đơn hàng khu vực Linh Đàm nhưng đến 15h30 trời bắt đầu mưa lớn và đường tắc nghiêm trọng, 2 đơn hàng khoảng 7km nhưng đến tận 21h anh mới giao được cho khách.
" Nghề giao hàng đòi hỏi phải đúng hẹn nhưng thực tế vào lúc mưa gió đường tắc, trơn trượt nên giao hàng muộn, thậm chí hàng hóa bị ướt, nhiều khách hàng khó tính còn từ chối nhận, đơn lại phải quay đầu, shipper làm việc rất cực ", anh Hoàng chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo anh Hoàng, cái khiến shipper dễ nản nhất vào mùa này chính là đợi khách lâu. Ngày bình thường thì không sao nhưng những ngày mưa bão, gió mạnh như này mà phải đợi khách lấy đồ đến tận 15 - 20 phút thì đối với shipper quả là một cực hình.
" Đi làm ngày mưa bão vất vả mà thực tế thu nhập không tăng mấy so với bình thường, nên bão về, chúng tôi cũng tranh thủ nghỉ ngơi để đảm bảo sức khoẻ và an toàn cho bản thân ", ah Hoàng cho hay.
vtcnews.vn