MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân ngày càng ít giao dịch qua ATM, thanh toán không dùng tiền mặt "lên ngôi"

11-05-2023 - 14:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Người dân ngày càng ít giao dịch qua ATM, thanh toán không dùng tiền mặt "lên ngôi"

Trong 3 tháng đầu năm 2023, giao dịch qua ATM giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị trong khi thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,51% về số lượng giao dịch.

Ngày 11/5/2023 tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Họp báo Công bố sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023.

Chia sẻ tại họp báo, lãnh đạo NHNN cho biết, trước bối cảnh mới của cách mạng công nghiệp 4.0 và sự nổi lên của công nghệ tài chính - Fintech, chuyển đổi số trở thành lựa chọn bắt buộc đối với ngành Ngân hàng Việt Nam, là hướng đi tất yếu giúp ngành Ngân hàng thích ứng và vượt lên thách thức của bối cảnh 4.0.

Triển khai Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, nhận thức rõ cơ hội lẫn thách thức, NHNN đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định 810/QĐ-NHNN) với quan điểm lấy người dân làm trung tâm và tiện ích, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ là thước đo hiệu quả chuyển đổi số. Sau gần 2 năm triển khai Quyết định 810, hoạt động chuyển số ngành Ngân hàng đã ghi nhận những thành tựu rõ nét.

Theo công bố của Bộ Thông tin truyền thông, năm 2021 NHNN được xếp hạng nhất về an toàn thông tin mạng, thứ 2 về kiến tạo thể chế và thứ 4 về hoạt động chuyển đổi số. 95% TCTD đã và đang xây dựng, triển khai Chiến lược chuyển đổi số tại đơn vị mình. Nhiều TCTD chuyển đổi số ở tốp đầu hiện đã đạt 90% giao dịch khách hàng thực hiện trên kênh số; nhiều TCTD có hiệu quả hoạt động tốt nhờ tích cực chuyển đổi số, giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) xuống ngưỡng 30%, tiệm cận tỷ lệ mà nhiều ngân hàng khu vực, quốc tế đang nỗ lực hướng tới. Công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin được chú trọng.

Các chỉ số TTKDTM tăng cao về số lượng và giá trị giao dịch. Trong 3 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm 2022: Giao dịch TTKDTM tăng 53,51% về số lượng; qua kênh Internet tăng 88,11% về số lượng và 7,43% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 65,55% và 13,31%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 160,71% và 43,84%; qua POS tăng tương ứng 37,57% và 32,09%.

Trong khi đó, giao dịch qua ATM giảm 2,37% về số lượng và 4,02% về giá trị, phản ánh xu hướng dịch chuyển sang thanh toán điện tử, TTKDTM.

Tổng số lượng giao dịch qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hang (TTĐTLNH) tăng 8,55% về giá trị; qua Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 70,77% về số lượng và 18,55% về giá trị.

Người dân ngày càng ít giao dịch qua ATM, thanh toán không dùng tiền mặt "lên ngôi" - Ảnh 1.

Toàn cảnh buổi họp báo. (Ảnh: Quang Hưng)

Thời gian qua, NHNN là một trong số các bộ, ngành đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và biểu dương về tinh thần tích cực vào cuộc quyết liệt trong triển khai thực hiện Đề án 06. Thống đốc NHNN đã thành lập Tổ Công tác của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 và ban hành Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06 giai đoạn 2022-2025 và Kế hoạch nhiệm vụ chi tiết từng năm. Ngày 24/4/2023, Thống đốc NHNN và Lãnh đạo Bộ Công an đã ký Kế hoạch phối hợp thực hiện các nhiệm vụ tại Đề án 06. Trong đó nêu cụ thể các nhiệm vụ, giao đơn vị đầu mối với sản phẩm đầu ra và thời hạn hoàn thành cụ thể. Đây là căn cứ quan trọng để các đơn vị thống nhất triển khai thực hiện.

Nhờ chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp nên việc ngành Ngân hàng đã gặt hái một số kết quả tích cực trong triển khai Đề án 06. Đó là Dịch vụ công của NHNN (cấp chứng thư số cá nhân) đã hoàn thành kết nối, khai thác CSDLQGvDC chính thức từ tháng 12/2022. NHNN đã phối hợp với C06 – Bộ Công an đối soát, làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng trong cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia. Hiện đang tiếp tục rà soát làm sạch 26 triệu hồ sơ khách hàng…

Khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), chuyển đổi số ngành ngân hàng tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng. NHNN đã trình Chính phủ bộ hồ sơ Nghị định thay thế Nghị định số 101/2012/NĐ-CP về TTKDTM, đồng thời nghiên cứu xây dựng các văn bản hướng dẫn nhằm tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất các quy định, cơ chế, chính sách mới.

"Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất việc sửa đổi Thông tư 39, bổ sung thêm hoạt động cho vay qua việc sử dụng các phương tiện điện tử và sẽ sớm được ban hành trong thời gian tới", Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN cho biết.

NHNN làm đầu mối nghiên cứu, xây dựng, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng nhằm thúc đẩy và tạo điều kiện cho các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0. NHNN tiếp tục tổ chức triển khai các Đề án, Chương trình, Kế hoạch nhằm thúc đẩy TTKDTM và chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, như: Kế hoạch triển khai Đề án phát triển TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch của ngành Ngân hàng triển khai Đề án 06.

Về hạ tầng, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt, đáp ứng nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc. NHNN chỉ đạo xây dựng đưa vào vận hành hệ thống bù trừ điện tử phục vụ các giao dịch bán lẻ (ACH) với khả năng thanh toán thời gian thực, hoạt động liên tục 24/7, xử lý giao dịch đa kênh có khả năng tích hợp, kết nối với các ngành, lĩnh vực khác để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số.

Sắp diễn ra sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2023

Tiếp nối thành công Sự kiện Ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2022, năm 2023, NHNN tổ chức Sự kiện Ngày chuyển đổi ngành Ngân hàng năm 2023 với Chủ đề thông điệp "Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số" dự kiến vào ngày 18/5/2023. Chủ đề này nhấn mạnh, khẳng định sự quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) cũng như Kế hoạch phối hợp 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và NHNN. Trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGvDC) để làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng (như chấm điểm tín dụng, xác thực khách hàng trực tuyến, xác thực thông tin đa chiều,...)

Bên cạnh đó, sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm nay được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả ngành Ngân hàng đạt được sau 2 năm triển khai Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời hưởng ứng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ "Năm 2023 - năm Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới". Sự kiện năm nay tiếp tục góp phần đẩy mạnh việc triển khai các nhiệm vụ Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng, góp phần thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tài chính toàn diện, đồng thời lan tỏa tinh thần, chuyển đổi nhận thức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài ngành Ngân hàng về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số trong hoạt động Ngân hàng.


Quang Hưng

Nhịp sống Thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên