MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người dân ở quốc gia có mức lạm phát cao nhất Eurozone xoay xở ra sao trong cơn bão giá?

07-11-2022 - 09:04 AM | Tài chính quốc tế

Người dân ở quốc gia có mức lạm phát cao nhất Eurozone xoay xở ra sao trong cơn bão giá?

Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và giá năng lượng tăng cao đang ảnh hưởng nặng nề đến các hộ gia đình trên khắp châu Âu.

Theo Euronews, trong số các thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Estonia nói riêng đang ghi nhận mức lạm phát cao nhất trong khu vực đồng euro (Eurozone). Cụ thể, lạm phát tại Estonia ở mức 22,4% trong tháng 10, trong khi mức lạm phát cùng kỳ năm 2021 chỉ là 6,8%.

Mặc dù có một số tín hiệu cho thấy mức lạm phát tại Estonia có thể sẽ giảm nhẹ trong tương lai, nhưng vào thời điểm hiện tại, những người dân của nước này vẫn đang phải mang trên vai gánh nặng khi vừa phải cân đối ngân sách trong cơn bão giá, vừa phải đảm bảo cung cấp thực phẩm, quần áo và sưởi ấm cho con cái họ khi mùa đông đang đến gần.

Vậy, người dân Estonia đã xoay xở ra sao trong tình trạng lạm phát tăng cao? Euronews đã phỏng vấn 2 gia đình và đại diện một chuỗi siêu thị ở Estonia để nghe câu chuyện của họ.

1. Gia đình anh chị Harles và Hedvy: Ngân sách cho thực phẩm và củi đốt tăng vọt

Anh Harles Tiitsmaa và vợ là Hedvy sống ở thành phố Tartu, miền Nam Estonia cùng cô con gái 31 tháng tuổi.

Trước đây Harles từng tham gia làn sóng nhân công Estonia đến Phần Lan làm việc trong lĩnh vực xây dựng, khi mức lương ở Phần Lan cao hơn nhiều so với ở nhà. Nhưng vài năm trước, khi người Estonia bắt đầu nhận mức lương khá hơn, Harles đã quyết định trở về nhà.

Giờ đây, Harles làm việc trong ngành thủy sản cho một công ty chính phủ, và dành phần lớn thời gian làm việc ngoài trời trên những hồ nước nhỏ xung quanh Tartu - Harles gọi đó là "công việc mơ ước" của anh. Còn vợ anh, Hedvy, dạy môn tiếng Pháp và diễn kịch cho học sinh cấp 2.

Trả lời Euronews, Harles nói: "Giá thực phẩm đã tăng. Trước xung đột Ukraine, chúng tôi chỉ dành 70 euro để mua sắm thực phẩm, nhưng giờ đây chúng tôi phải chi tiêu 90 euro/tuần hoặc thậm chí là nhiều hơn thế".

Người dân ở quốc gia có mức lạm phát cao nhất Eurozone xoay xở ra sao trong cơn bão giá? - Ảnh 1.

Gia đình anh chị Harles và Hedvy Tiitsmaa. Ảnh: Euronews

Harles nói rằng tiền điện cũng tăng lên khoảng 150% so với trước, nhưng gia đình anh có hợp đồng giá điện cố định là 13 cent/kW cho căn hộ hai phòng ngủ của họ. Năm ngoái, họ chỉ phải trả 6 cent/kW và có lúc còn thấp hơn.

"Rất nhiều người sử dụng củi để sưởi ấm trong mùa đông năm nay. Năm ngoái, một mét khối củi có giá 40 euro, nhưng năm nay giá đã tăng lên 100 euro hoặc thậm chí là cao hơn thế", theo Harles.

Anh nói thêm: "Chính phủ có chương trình trợ giá cho tiền điện và khí đốt, nhưng củi thì không, và bạn cũng khó có thể chứng minh cho số tiền bạn phải trả vì hầu hết các khoản thanh toán đều bằng tiền mặt, và bạn không nhận được biên lai cho khoản tiền ấy".

Harles cho biết mức lương trung bình ở Estonia là 1.600 euro nhưng vợ anh chỉ được trả 1.400 euro, ngay cả khi chị có một nghề tốt như nghề giáo viên.

"Sếp của chúng tôi nói rằng có thể năm tới chúng tôi sẽ được tăng lương 5%, nhưng lãi suất sẽ ăn vào khoản đó. Tăng lương như thế thì chẳng đáng là bao", Harles nói.

2. Gia đình anh Martin: Tôi "soi" giá tiền kỹ hơn khi đi mua sắm

Kỹ sư xây dựng Martin Kabral cũng sống ở Tartu với cậu con trai 7 tuổi Ats, trong ngôi nhà mà anh đã dành hai năm để cải tạo.

Ông bố đơn thân nói với Euronews: "Giá khí đốt và giá điện tăng vọt là điều chắc chắn, và chính phủ đang hỗ trợ người dân bằng hệ thống trợ giá điện chung".

Theo kế hoạch của chính phủ Estonia, người tiêu dùng cá nhân sẽ được mua điện với mức giá trần trong vòng 4 năm tới. Mức giá trần dự kiến là hơn 19 cent/kW, và bất kỳ gia đình nào ở Estonia đang phải chi trả mức giá cao hơn sẽ được tự động chuyển sang hợp đồng mới với mức giá trần do chính phủ quy định.

"Còn chuyện đi siêu thị, thì gần đây tôi đã bắt đầu 'soi' giá tiền kỹ hơn, và chuyển sang những lựa chọn thay thế giá rẻ hơn nếu có thể. Tôi cũng ăn ở ngoài ít hơn so với trước đây...", Martin nói.

Người dân ở quốc gia có mức lạm phát cao nhất Eurozone xoay xở ra sao trong cơn bão giá? - Ảnh 2.

Anh Martin và con trai. Ảnh: Euronews

"Nếu thấy có ưu đãi đặc biệt thì tôi sẽ mua những đồ giá rẻ hơn, hoặc mua hàng giảm giá. Chẳng hạn, nếu mua cà phê, tôi sẽ xem giá tính theo kg, và nếu gói lớn có mức giá tốt hơn thì tất nhiên tôi sẽ mua gói lớn", Martin nói thêm.

Mặc dù giá các mặt hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm ở Estonia đã tăng nhanh chóng kể từ tháng 2 năm nay, nhưng nếu bạn không đi siêu thị thường xuyên (nhiều hơn 1 lần/tuần), thì sẽ rất khó để theo dõi biến động giá cả.

Martin cho biết: "Tôi không có ngân sách cố định, nhưng tôi có thể nói rằng chi tiêu hàng tuần của tôi đã tăng khoảng 20-30% trong năm nay". Martin cũng nhận ra rằng thức ăn cho chú chó cưng của anh cũng đã tăng vọt.

"Một bịch thức ăn cho chó trước đây chỉ khoảng 4 euro, nhưng hôm qua tôi thấy giá đã tăng lên 8,5 euro! Vậy nên tôi không mua loại đó nữa, mà chọn loại rẻ tiền hơn", theo Martin.

Các siêu thị cũng chật vật

Selver, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất của Estonia, đã chứng kiến giá cả biến động kể từ đầu năm nay, và cùng với đó là thói quen mua sắm của khách hàng cũng thay đổi.

Ông Rivo Veski, giám đốc truyền thông của Selver cho biết: "Đã có những khoảng thời gian giá cả một số mặt hàng như thịt và sữa thay đổi hàng tuần. Chúng tôi nhận thấy rằng khách hàng không mua nhiều sản phẩm cao cấp như trước đây, mà họ mua các mặt hàng đang giảm giá và các mặt hàng trong danh mục cơ bản nhiều hơn".

Người dân ở quốc gia có mức lạm phát cao nhất Eurozone xoay xở ra sao trong cơn bão giá? - Ảnh 3.

Siêu thị Selver

Với 74 chi nhánh trên toàn quốc, Selver đã chứng kiến tình trạng các sản phẩm thực phẩm địa phương tăng giá do nhà sản xuất. Trong khi đó, Selver lại tập trung vào các mặt hàng và nhà sản xuất địa phương, nên khách hàng của họ sẽ phải chịu gánh nặng chi phí tăng cao này.

Điều này có nghĩa là Selver ngày càng khó cạnh tranh hơn với các chuỗi siêu thị nước ngoài có khả năng nhập khẩu sản phẩm với quy mô lớn hơn từ các nước EU khác như Ba Lan.

"Càng nhiều mặt hàng địa phương, thì giá cả sản phẩm càng đắt đỏ", ông Veski nói. Và thói quen mua sắm của người tiêu dùng cũng thay đổi khi giá cả thay đổi.

"Trước đây, chúng tôi thấy mọi người đưa ra nhiều quyết định cảm tính hơn khi đi mua sắm, họ có thể mua một sản phẩm mới hoặc sản phẩm ở phân khúc cao cấp hơn chỉ để 'thử một lần'. Nhưng giờ đây mọi người đều mua sắm một cách lý trí và chỉ mua những thứ họ cần. Họ sẽ tự hỏi bản thân liệu họ có thực sự cần mua sản phẩm này hay không", theo ông Veski.

Vì sao giá cả ở Estonia tăng nhanh đến vậy?

Theo Ngân hàng Estonia, giá năng lượng tăng nhanh chóng mặt là một nửa nguyên nhân dẫn đến tình trạng khủng hoảng chi phí sinh hoạt này.

"Chi phí năng lượng cao hơn sẽ ảnh hưởng vào giá của các hàng hóa và dịch vụ khác. Lạm phát bị đẩy nhanh bởi nhu cầu mạnh mẽ mà nguồn cung không thể theo kịp", Ngân hàng Estonia giải thích.

Một nguyên nhân lớn khác dẫn đến lạm phát ở Estonia là giá lương thực cao, một phần do chi phí năng lượng cao tác động đến chi phí sản xuất của các doanh nghiệp; một phần khác là do các biện pháp trừng phạt đối với Nga và các vấn đề cung ứng do đại dịch COVID-19 làm tăng giá đầu vào và đẩy giá thành phẩm lên cao hơn./.

Theo Hồng Anh

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên