MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Người đàn ông 28 tuổi ở Hà Nội nhập viện tâm thần sau khi có biểu hiện hào phóng quá mức

31-10-2024 - 20:10 PM | Sống

Được đánh giá là người vui vẻ, hào phóng, hay giúp đỡ mọi người, anh Q không thể ngờ có ngày mình lại phải nhập viện điều trị tâm thần.

Anh Nguyễn Anh Q (28 tuổi, tại Hà Nội) là một tiểu thương, buôn bán tại chợ. Anh Q được mọi người nhận xét là hào phóng, hay giúp đỡ người khác nên được mọi người rất yêu quý.

Anh Q đã lập gia đình, việc hay giúp đỡ người khác của anh ban đầu cũng được vợ ủng hộ vì vợ anh cho rằng đó là việc làm tốt, có thể giúp đỡ người khó khăn hơn.

Tuy nhiên, mức độ hào phóng của anh Q ngày càng tăng lên. Khi cửa hàng của gia đình mới nhập 2 xe mỳ tôm, thay vì bán kiếm lời thì anh Q lại phân phát cho tất cả mọi người trong chợ, những người đi chợ. Việc làm của anh đã ảnh hưởng tới tài chính của gia đình nên vợ anh buộc phải lên tiếng.

Khi thấy vợ không ủng hộ, anh Q bắt đầu cáu kỉnh. Anh Q nói với vợ đã không ủng hộ anh giúp người.

Đặc biệt, Q còn bắt chuyện với tất cả mọi người, kể cả những người lạ chưa từng gặp mặt. Khi bắt chuyện, Q luôn thể hiện thái độ vui vẻ, giống như đã thân quen từ rất lâu rồi. Một số người nghĩ rằng Q có vấn đề, nhưng đa số mọi người đều cho rằng do công việc bán hàng nên anh Q mới có những hành động như vậy.

Do anh Q xuất hiện các dấu hiệu bất thường như hào phóng quá mức, lời nói ảo tưởng nên vợ anh đã quyết định đưa chồng đi khám ở Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai.

Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Ngô Tuấn Khiêm, Phòng Rối loạn cảm xúc (Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, bệnh nhân Q được chẩn đoán mắc rối loạn lưỡng cực giai đoạn hưng cảm và có biểu hiện hoang tưởng nên được chỉ định nhập viện, điều trị nội trú.

Sau 20 ngày điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý, bệnh nhân đã giảm các triệu chứng. Bệnh nhân được ra viện theo dõi tại nhà và tái khám.

Người đàn ông 28 tuổi ở Hà Nội nhập viện tâm thần sau khi có biểu hiện hào phóng quá mức- Ảnh 1.

Bác sĩ Khiêm đang khám cho bệnh nhân. (Ảnh Ngọc Minh)

Biểu hiện của rối loạn lưỡng cực

Theo bác sĩ Khiêm, bệnh nhân cần được theo dõi và giám sát trong một thời gian bởi bệnh rất dễ tái phát. Bệnh nhân bị rối loạn lưỡng cực thường trải qua nhiều giai đoạn, giai đoạn đầu thường khó nhận biết, dễ gây nhầm lẫn nên việc theo dõi và tuân thủ điều trị là rất quan trọng.

Với trường hợp bệnh nhân Q, bệnh nhân đã xuất hiện nhiều dấu hiệu bệnh từ trước đó nhưng nhiều người không để ý. Mọi người cho rằng các triệu chứng này thể hiện tính cách vui vẻ, náo nhiệt, hào phóng hay giúp đỡ mọi người của bệnh nhân, là điều bình thường nên không đi khám sớm.

Bác sĩ Khiêm cho biết, một người khi có các biểu hiện, thái độ vui vẻ quá mức với bất kỳ sự vật, hiện tượng nào xảy ra xung quanh thì đó là một trong những dấu hiệu của rối loạn lưỡng cực (giai đoạn hưng cảm). Người bệnh có thể có nét mặt vui sướng, thái độ hân hoan quá độ, thậm chí có người còn ca hát, đọc thơ, diễn kịch một cách say sưa mà không cần quan tâm người xung quanh có muốn thưởng thức hay không.

Người bệnh cũng có thể xuất hiện biểu hiện tự cao quá mức, hoang tưởng bản thân có khả năng đặc biệt, muốn trở thành nhân vật chính trị, nghệ sĩ lớn... nhất là ở giai đoạn hưng cảm nặng.

Người rối loạn lưỡng cực nếu không được thăm khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến công việc, sức khỏe của người bệnh và gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình.

Bác sĩ Khiêm khuyến cáo, khi phát hiện người thân có dấu hiệu bất thường, gia đình hãy đưa họ đến bệnh viện có chuyên khoa tâm thần gần nhất để được thăm khám, phát hiện bệnh và điều trị kịp thời. Rối loạn lưỡng cực có nguy cơ tái phát do vậy, bệnh nhân cần phải tuân thủ điều trị bằng thuốc và tái khám theo chỉ định của bác sĩ.


Theo Ngọc Minh

Đời sống & pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên