Người đàn ông hành nghề “không làm gì cả”: Được trả tiền vì “tồn tại” là đủ, ẩn đằng sau là bức tranh buồn về xã hội thời đại mới
Người ta có thể coi sự nổi tiếng của “người cho thuê” là biểu tượng cho sự tan vỡ xã hội, hoặc là triệu chứng của "đại dịch" cô đơn.
- 12-01-2024Cụ bà U70 đi làm tạp vụ kiếm tiền trả nợ giúp con, chứng kiến 1 cảnh mà ngậm ngùi dừng trợ cấp
- 09-01-2024Bị trách lợi dụng Lôi con để kiếm tiền, Quang Linh đáp trả, lập luôn quỹ 500 triệu tặng cậu bé
- 03-12-2023Dân văn phòng lên TikTok kiếm tiền: Thu nhập cao hơn việc chính, không có ngày nghỉ nhưng không muốn từ bỏ
Khi chúng ta đang háo hức thực hiện những mục tiêu mới trong năm mới - tìm cách để trở nên khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn, năng suất hơn - một người đàn ông Tokyo đang lấp đầy lịch trình của mình bằng một năm mới chẳng có gì cả.
“Người cho thuê” kiếm tiền từ việc không làm gì
Shoji Morimoto, được biết đến nhiều hơn với biệt danh “Người cho thuê” “(rentaru nanmo shinai hito” trong tiếng Nhật), theo đúng nghĩa đen là không làm gì để kiếm sống. Anh cho thuê mình như một con người “không”, chỉ làm những công việc đơn giản và không đưa ra ý kiến gì bao giờ. Đổi lại, anh yêu cầu khách hàng chi trả mọi chi phí đi lại hoặc bữa ăn phát sinh trong quá trình làm việc - và tất nhiên, họ không yêu cầu anh làm bất cứ điều gì.
Hồi ký của Morimoto vừa được phát hành tại vào ngày 9 tháng 1 với tựa đề “Người cho thuê không làm gì cả”. Trong đó, anh kể lại hành trình của mình trong 5 năm qua để trở thành một “người không làm gì” chuyên nghiệp, trích dẫn các bài đăng của chính anh trên X (trước đây là Twitter), nơi anh kể về các giao dịch của mình với gần nửa triệu người theo dõi.
Bất chấp lời hứa sẽ làm rất ít, Morimoto vẫn nhận được vô số đơn đặt hàng mỗi ngày. Anh cho biết yêu cầu phổ biến nhất của khách hàng là “chỉ cần có mặt ở đó”, bao gồm các nhiệm vụ như đi cùng khách hàng đến nhà hàng hoặc buổi hòa nhạc hoặc ngồi cạnh họ khi họ làm việc. Có lần, một người phụ nữ đã yêu cầu Morimoto có mặt trong khi cô ấy đang xem xét hồ sơ hẹn hò. “Cô ấy hét lên khoảng mười phút một lần”, Morimoto kể, “Tôi đã có một bữa trà chiều tuyệt vời và thực sự rất thích thú”.
Nhiều yêu cầu tất nhiên kỳ lạ hơn khi con người ta phải đối mặt với áp lực cùng cực của xã hội. Đó là trường hợp có một người muốn từ chối lời mời đi đám cưới nhưng không muốn nói dối nên đã hẹn với Morimoto để có cảm giác rằng mình thực sự đã bận nên phải từ chối đi đám cưới.
Shoji Morimoto, còn được gọi là “Người cho thuê”, cho thuê mình để đi cùng khách hàng và chỉ đơn giản tồn tại như một người bạn đồng hành, người chỉ làm những công việc đơn giản và không đưa ra ý kiến. Morimoto thường đóng vai một nhà trị liệu. Có một khách hàng thú nhận rằng anh ta đã bị bỏ tù khi còn là một thiếu niên vì tội giết người. Trong những tình huống này, Morimoto không đưa ra lời khuyên (rõ ràng - đó là “làm điều gì đó”), chỉ gật đầu và thì thầm “Uh-huh” hoặc “Tôi hiểu rồi”. Nhưng điều đó dường như là đủ đối với khách hàng, những người chỉ muốn một ai đó tập trung lắng nghe mình nói. Anh viết trong hồi kí: “Chiều sâu của cuộc thảo luận và chiều sâu của mối quan hệ không phải lúc nào cũng đi đôi với nhau. Thật ra, sự gần gũi thường khiến người ta phải ngậm miệng”.
Ngay cả khi không làm gì bao giờ, nhưng bằng sự hài hước tinh tế và tự nhiên của mình, Morimoto cũng thể hiện những quan điểm cấp tiến về công việc, mục đích sống, tính cách và các mối quan hệ giữa con người với nhau qua những bài đăng trên X hoặc trong hồi kí của anh.
Khi sự tồn tại bên cạnh cũng là một “sản phẩm” con người cần mua
Điều đáng lưu ý là vì Morimoto không làm gì nên anh ấy cũng gần như không tính phí gì, để lại mức phí cho khách hàng quyết định. Trước đây, "Người cho thuê" tính một khoản phí cố định là 10.000 Yên và sau đó là 30.000 Yên cho mỗi lần làm việc, nhưng đã thay đổi chính sách vào tháng 9 năm 2023 (theo tài khoản X của anh). Anh ấy nói rằng mình sống nhờ tiền tiết kiệm chứ không hề có dự định kiếm tiền sinh sống từ nghề nghiệp đặc biệt này. Anh thừa nhận không biết mô hình kinh doanh này có thể tự duy trì được bao lâu.
Morimoto không phải là kẻ lười biếng; anh ấy làm việc chăm chỉ mà không làm gì. “Tôi nghĩ bạn có thể nói rằng sự tồn tại và im lặng của tôi chính là 'sản phẩm' của tôi" , anh viết.
Thế giới quan lạc quan, táo bạo của Shoji Morimoto có nền tảng từ sự mất mát cá nhân. Trong cuốn sách của mình, người cho thuê kể rằng anh trai của anh ấy đã không đạt kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh đại học và hiện đã hơn 40 tuổi, chưa bao giờ có việc làm; chị gái của anh không thể tìm được công việc phù hợp và cuối cùng đã tự sát.
“Khi trưởng thành, những gì trong CV của chị gái tôi không phải là điều mà công ty chị ứng tuyển mong muốn. Tuy nhiên, đối với tôi, chị ấy rất quan trọng, rất có giá trị, đơn giản chỉ vì chị ấy tồn tại”, anh viết. Morimoto cũng không liệt kê ra danh sách các điểm mạnh của chị gái mình. Morimoto cho biết anh yêu chị gái mình, chỉ đơn giản là vậy.
Theo một cách nào đó, bi kịch của chị gái chính là nguồn cảm hứng khiến Morimoto sáng tạo ra công việc không giống ai này. Anh đưa ra một lập luận thú vị: “Tôi bắt đầu tự hỏi liệu việc 'trả tiền để tồn tại' có khả năng thực sự hay không” , thế là anh thực sự thử.
Câu chuyện của Shoji Morimoto có nguy cơ lại bị liệt vào cái bẫy “Nhật Bản kỳ lạ”, khi thế giới có nhận định chủ quan rằng Nhật Bản vốn dĩ lập dị hoặc kỳ quặc. Đồng thời, người ta cũng có thể coi sự nổi tiếng của Morimoto là biểu tượng cho sự tan vỡ xã hội ở Nhật Bản, hoặc là triệu chứng của đại dịch cô đơn.
Tuy nhiên, nếu nghĩ theo một hướng khác, Morimoto mang đến một thứ gì đó giống như nghệ thuật trình diễn đánh nhẹ vào tâm lý con người. Đôi khi chúng ta tự đẩy mình vào những nút thắt cảm xúc kỳ lạ đến nỗi dường như lối thoát duy nhất là thuê một “chuyên gia” không làm gì cả đến bên cạnh và ngồi đó, tồn tại và im lặng.
Nguồn: The Japan Times
Phụ nữ mới