Người đàn ông này sẽ định hình chính sách thương mại của nước Mỹ
Người đàn ông này đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong đàm phán song phương từ thời làm phó USTR cho cựu Tổng thống Ronald Reagan. Và, khác với những người còn lại trong nội các mới, ông rất biết cách làm việc với các bộ khác cũng như Quốc hội.
- 21-05-2017Đại diện thương mại Mỹ mang chính sách "Nước Mỹ trước tiên" đến Hà Nội
- 17-05-2017Mỹ, Trung Quốc, châu Á và tương lai khó đoán của bức tranh thương mại toàn cầu
- 04-03-2017Tổng thống Trump và những lầm tưởng về một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc
Giống như nhiều người đã biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn báo giới ngừng tập trung vào thứ mà ông gọi là những tin tức “giả” về bản thân mình mà thay vào đó hãy viết về những thành tựu mà nội các của ông đã đạt được. Ngày 12/5 vừa qua, Tổng thống Trump đưa ra một ví dụ trên Twitter khi viết: “Trung Quốc vừa đồng ý rằng Mỹ sẽ được phép xuất khẩu thịt bò cùng nhiều mặt hàng quan trọng khác sang Trung Quốc. Đây mới là tin THẬT!”
Thỏa thuận thương mại đầu tiên mà chính quyền của ông đạt được là thật, thậm chí Bộ trưởng Thương mại Mỹ đã gọi những gì Mỹ - Trung vừa đạt được là “kỳ công của Hercules”. Theo đó, các hãng xếp hạng tín dụng, công ty thanh toán và các nhà xuất khẩu thịt bò của Mỹ sẽ được tiếp cận với thị trường Trung Quốc. Hạn chót 16/7 để hoàn tất tiến trình cũng được đưa ra.
Tuy nhiên, thỏa thuận này thiếu đi nhiều chi tiết, vì thế nó có thể gây thất vọng. Từ năm 2006 Trung Quốc đã cam kết mở cửa thị trường cho bò Mỹ, nhưng kèm theo đó là những giới hạn hết sức ngặt nghèo. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từng kết luận rằng các hạn chế mà Trung Quốc áp dụng với các công ty cung cấp dịch vụ thẻ thanh toán đến từ nước ngoài là vi phạm luật WTO.
Do đó, có lẽ ông Trump đã có chút vội vàng khi thỏa mãn với thỏa thuận này. Và, yếu tố quan trọng hơn đối với chính sách thương mại mà nước Mỹ sẽ theo đuổi trong tương lai lại là 1 người khác: Robert Lighthizer, người hôm 11/5 vừa được Thượng viện Mỹ thông qua để trở thành tân Đại diện thương mại Mỹ (United States Trade Representative – USTR). Đây sẽ là nhân vật có tầm ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế Mỹ - Trung lớn hơn rất nhiều so với thỏa thuận nhỏ bé nói trên. Lighthizer cũng là người có ảnh hưởng lớn đến tiến trình đàm phán lại Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA).
Kể cả những người không đồng tình với quan điểm của Lighthizer cũng phải thừa nhận rằng ông rất thông minh và đầy vẻ quyến rũ. Người đàn ông này đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong đàm phán song phương từ thời làm phó USTR cho cựu Tổng thống Ronald Reagan. Và, khác với những người còn lại trong nội các mới, ông rất biết cách làm việc với các bộ khác cũng như Quốc hội. “Tất cả mọi người quan tâm đến vấn đề thương mại ở Washington đều muốn ông ấy đảm nhiệm chức vụ này vì họ muốn 1 người có đủ năng lực”, Alan Wolff, người đến từ Ủy ban ngoại thương quốc gia (1 nhóm vận động hành lang), nói.
Đối với những người cảm thấy lo ngại về quan điểm ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Trump, năng lực của ông Lighthizer có thể khiến họ cảm thấy dễ chịu. Có thể ví ông là một “phiên bản pháp lý” của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế mà ông Trump theo đuổi, lý thuyết cho rằng Trung Quốc là một mối đe dọa được chính sách tự do thương mại của Mỹ tiếp thêm sức mạnh. Sự am hiểu sâu sắc về WTO giúp ông hiểu rõ những điểm yếu của tổ chức này. Ví dụ, ông hiểu rằng các luật lệ của WTO sẽ khá yếu ớt khi đương đầu với mô hình kinh tế có sự can thiệp của Nhà nước mà Trung Quốc đang duy trì.
Ở Lighthizer có sự kết hợp giữa kiến thức uyên thâm về luật lệ điều chỉnh hoạt động thương mại toàn cầu và thái độ sẵn sàng chê bai chúng nếu như chúng không phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ. Năm 2010, ông viết rằng “sự giản dị thái quá và thái độ cống hiến 1 cách khúm núm trước câu thần chú “sự nhất quán trong WTO”… mang lại rất ít ý nghĩa.
Chí ít thì có vẻ như người đàn ông này cũng muốn điều chỉnh luật lệ hiện tại cho phù hợp với nước Mỹ thay vì đập tan hệ thống sẵn có. Tuy nhiên, ông có thành công hay không còn phụ thuộc vào phản ứng của những người khác. Lighthizer sẽ phải lấy được niềm tin của những thành viên WTO vẫn đang hoài nghi về ông. Dẫu vậy, giống như Tổng thống của mình, có lẽ ngài Lighthizer sẽ quan tâm đến việc xây tường ngăn cách nhiều hơn là việc sửa hàng rào.